Lực lượng đặc biệt tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

'Khi chúng ta nghiên cứu dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) trong tổng thể hệ thống pháp luật của nước ta cũng như xem xét quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của lực lượng BĐBP, có thể thấy rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn không thể thay thế của lực lượng này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'. Đó là ý kiến của đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật BPVN. Ý kiến này nhận được sự đồng tình cao của nhiều ĐBQH trên nghị trường.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Kim Nhượng

Vai trò được khẳng định qua những “điểm nóng”

Thực tế trong đợt thiên tai, bão lũ khốc liệt trong tháng 10 vừa qua, các đơn vị BĐBP ở khu vực miền Trung ngày đêm bám địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng, cấp ủy, chính quyền địa phương giúp người dân ứng phó với mưa lũ. Khi mưa lũ đi qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP lại sát cánh cùng nhân dân khắc phục hậu quả, san sẻ khó khăn, thiệt hại với nhân dân, giúp họ vực dậy cuộc sống sau mưa lũ.

Để ứng phó với tình hình thiên tai, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập 17 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Trường Trung cấp 24 Biên phòng điều 26 lượt cán bộ, chiến sĩ với 9 lượt chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở đất vùi lấp tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.

Mặt khác, ngay trong lúc thiên tai, bão lũ, BĐBP vẫn duy trì 1.467 tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 với 8.792 người tham gia, trong đó có 6.369 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và 2.423 người thuộc các lực lượng khác. Trong tháng 10-2020, các đơn vị BĐBP đã bàn giao cho cơ quan y tế địa phương theo dõi, cách ly 11.503 người Việt Nam từ Lào, Trung Quốc, Campuchia trở về, trong đó, 8.624 người nhập cảnh qua cửa khẩu, 2.474 người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở, tiếp nhận 405 người do lực lượng chức năng Trung Quốc, Lào, Campuchia trao trả.

Chỉ riêng trong tháng 10-2020, trên các tuyến biên giới, lực lượng BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng đấu tranh thành công 7 chuyên án (5 chuyên án liên quan đến ma túy; 2 chuyên án xuất, nhập cảnh trái phép); phát hiện, bắt giữ, xử lý 839 vụ với 2.407 đối tượng; khởi tố 49 vụ với 68 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 278 vụ với 524 đối tượng...

Sự thấu hiểu, ghi nhận trên nghị trường

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật BPVN, các ĐBQH cho rằng, các quy định của dự thảo luật đã bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu Phạm Anh Khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên chia sẻ: Tôi nhận thấy dự thảo Luật BPVN đã bảo đảm đầy đủ 3 yếu tố cơ bản của một dự án luật. Một là đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng bằng pháp luật. Hai là bảo đảm tính pháp lý của một dự án luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ba là bảo đảm tính kế thừa và phát triển, yêu cầu khách quan về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả thực tiễn qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP.

Dẫn câu nói rất quen thuộc khi nhắc đến lực lượng BĐBP: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, đây là minh chứng thể hiện tấm lòng của lực lượng BĐBP thường xuyên gắn bó với biên giới. Ở nơi đó, cuộc sống của người lính trong điều kiện xa nhà, xa quê hương, xa người thân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi đối mặt với tội phạm buôn bán ma túy, mua bán người, gian lận thương mại, đặc biệt là ứng phó với các sự cố thiên tai, dịch bệnh... Vì vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, cần bổ sung chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Có chính sách ưu đãi thỏa đáng để người lính Biên phòng yên tâm công tác, bám trụ địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và cũng để gia đình yên lòng khi người thân của mình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Ứng phó với bão số 6, 7, 8, 9 và tình hình mưa lũ ở miền Trung, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với địa phương di dời 28.856 hộ dân với 125.164 nhân khẩu, đưa 734 phương tiện nhỏ lên bờ, chằng chống, gia cố 1.967 nhà; hỗ trợ 1.587 người dân vào các đơn vị tránh bão; sử dụng 5.600 bao cát chắn sóng tại đê, kè biển; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 215.340 lượt phương tiện với 990.303 lượt người biết hướng di chuyển của bão để phòng tránh...

Các ĐBQH cũng đánh giá cao khi dự thảo Luật BPVN được chỉnh sửa, bổ sung đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng và khẳng định, đây là quy định mới so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Điều đó đã thể chế hóa được quan điểm “nhân dân khu vực biên giới là chủ thể bảo vệ biên giới quốc gia” tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, quy định này góp phần nêu cao trách nhiệm của công dân đối với hoạt động biên phòng. Từng người dân ở khu vực biên giới nếu làm tốt trách nhiệm của mình, chúng ta sẽ có lực lượng hùng hậu để thực hiện nhiệm vụ biên phòng, vì không ai nắm rõ địa bàn, các hoạt động xảy ra tại khu vực biên giới bằng chính người dân nơi đó. Mỗi người dân sẽ là một chiến sĩ, góp phần cùng lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; phù hợp với mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luc-luong-dac-biet-tin-cay-cua-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-post434857.html