Lực lượng không quân đông nhất thế giới

Xin được giới thiệu phần tiếp theo về Không quân Mỹ qua bài viết của chuyên gia quân sự Nga Alkesandr Balozerov.

Cơ cấu tổ chức Không quân Mỹ

Về cơ cấu biên chế tổ chức, Không quân Mỹ có Bộ Không quân, Bộ Tham mưu Không quân và 11 (mười một) bộ tư lệnh. Ngoài ra, còn có 27 cơ quan tương đương cấp bộ tư lệnh.

Lực lượng không quân mạnh nhất hành tinh

Các máy bay thuộc biên chế Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng được tính là các máy bay của Không quân Mỹ. Vì tuy theo luật Mỹ thì Vệ binh Quốc gia thực hiện chức năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ, nhưng bởi cho đến giờ chưa một nước nào dám tấn công nước Mỹ, nên các phi công của Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng tham gia thực hiện các nhiệm vụ tác chiến như các các phi công của Không quân Mỹ.

Người chịu trách nhiệm lãnh đạo lực lượng Không quân Mỹ là Bộ trưởng Không quân. Từ năm 2013 đến nay, người giữ cương vị này là bà Deborah Lee James.

ND xin cập nhật: Bài này viết ngày 30/4/2019, còn từ ngày 1/6/2019, người kế nhiệm bà Deborah Lee James là Mathew Donovan (ảnh dưới).

Tuy nhiên, Bộ Không quân Mỹ chỉ: 1/ lãnh đạo quản lý nhà nước Không quân Mỹ về mặt chính trị và hành chính, 2/ quyết định các phương hướng phát triển Không quân, 3/ chịu trách nhiệm tiến hành các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế các thiết bị bay (máy bay) và các hệ thống vũ khí mới cho Không quân, 4/ chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến tài chính- ngân sách đảm bảo cho Không quân.

Bộ trưởng Không quân được bổ nhiệm (tổng thống đề cử, Thượng viện thông qua-ND), cả Bộ trưởng, các thứ trưởng và cố vấn Bộ trưởng đều là các nhân vật dân sự và không được phong cấp hàm sỹ quan.

Còn về Bộ Tham mưu Không quân Mỹ - Cơ quan này chịu trách nhiệm về các vấn đề tổ chức, huấn luyện nghiệp vụ hàng không và tác chiến, đảm bảo vật chất- kỹ thuật, xây dựng các kế hoạch sử dụng lực lượng không quân và soạn thảo điều lệnh điều lệ cho các quân nhân.

Bộ Tham mưu cũng tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến nghiên cứu thiết kế và phát triển các loại vũ khí và phương tiện bay mới, phân phối vũ khí- khí tài- phương tiện kỹ thuật quân sự cho các đơn vị và các phân đội.

Hiện tại, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ là Tướng Không quân Mark Welch (từ năm 2012). Trụ sở của Bộ Tham mưu Không quân Mỹ nằm ngay trong khuôn viên Lầu Năm Góc, Bang Virginia.

Dưới đây là danh sách các bộ tư lệnh của Không quânMỹ:

- Bộ Tư lệnh Tác chiến. Ban (cơ quan) Tham mưu (của Bộ Tư lệnh này) đóng tại Langley, Virginia. Trong thành phần của Bộ Tư lệnh này có các tập đoàn quân không quân số 1, số 8, số 9, số 12 và Trung tâm sử dụng không quân trong tác chiến.

- Bộ Tư lệnh Huấn luyện Không quân huấn luyện. Ban Tham mưu đóng tại Randolph, Texas. Trong biên chế có các tập đoàn quân không quân số 2, số 19, Đại học Không quân và các đơn vị khác.

- Bộ Tư lệnh Vận tải Đường không. Ban Tham mưu đóng tại căn cứ không quân Scott, Bang Illinois. Trong Bộ Tư lệnh này có Tập đoàn quân Không quân số18 và Trung tâm khoa học- huấn luyện.

- Bộ Tư lệnh Đảm bảo Vật chất- Kỹ thuật. Ban Tham mưu đặt tại căn cứ không quân Wright Patterson, Bang Ohio. Trong biên chế tổ chức có các trung tâm nghiên cứu, trung tâm sản xuất và trung tâm logistics.

- Bộ Tư lệnh không quân dự bị. Cơ quan tham mưu – đóng tại Căn cứ không quân Robins, Bang California. Dưới quyền Bộ tư lệnh này có các tập đoàn quân không quân số 4, số 10 và số 22.

- Bộ Tư lệnh vũ trụ. Ban Tham mưu đặt tại căn cứ không quân Peterson, Bang Colorado. Trong biên chế của Bộ Tư lệnh có các tập đoàn quân không quân số 14 và số 20, Trung tâm nghiên cứu vũ trụ và tên lửa.

- Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương. Ban tham mưu- đóng tại Căn cứ không quân Hickam, Hawaii. Trong biên chế có các tập đoàn quân không quân số 5, số 7, số 11 và số 13.

- Bộ Tư lệnh Không quân Châu Âu. Ban Tham mưu đóng tại căn cứ không quân Ramstein, Đức. Có các tập đoàn quân không quân số 3 và số 17.

- Bộ Tư lệnh các Chiến dịch đặc biệt của Không quân. Ban Tham mưu đặt tại căn cứ không quân ở Hurlbert, Bang Florida. Trong biên chế có tập đoàn quân không quân số 23.

- Không quân Vệ binh Quốc gia. Ban Tham mưu đóng tại Washington.

- Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu. Ban Tham mưu đóng tại Căn cứ Không quân Barksdale, Bang Louisiana. Bộ Tư lệnh này được thành lập năm 2009. Dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh này là tất cả các lực lượng hạt nhân chiến lược do Không quân Mỹ quản lý.

Đó là Tập đoàn quân không quân số 20 trang bị các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và Tập đoàn quân không quân số 8.

Tập đoàn quân không quân là cấp tổ chức cơ bản của Không quân Mỹ, trong biên chế tổ chức của các tập đoàn quân có các không đoàn (tương đương với trung đoàn không quân của Nga), trong mỗi không đoàn có các phi đội.

Cần phải nói riêng về Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu,- chính Bộ tư lệnh này kiểm soát phần lớn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Trong biên chế của Tập đoàn quân không quân số 8 (trực thuộc Bộ Tư lệnh này) có các máy bay ném bom B-52H, B-1 và B-2A.

Các ICBM "Minuteman-3" đang có trong trang bị của Tập đoàn quân số 20. Vào thời điểm hiện tại, tổng số ICBM của Bộ Tư lệnh là vào khoảng 450 đơn vị (tính), những tên lửa này luôn được duy trì trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, 95% trong số đó đang trực chiến.

Hiện tại, Không quân Mỹ là lực lượng không quân có quân số đông nhất trên thế giới.

Theo số liệu năm 2007, trong biên chế Không quân Mỹ có 320.000 quân nhân tại ngũ, hơn 117.000 quân nhân dự bị. Ngoài ra, có 106.000 người phục vụ trong Không quân Vệ binh Quốc gia.

Trong trang bị của Không quân Mỹ có hơn 4.000 máy bay, 156 UAV, hơn 2.000 tên lửa hành trình (có cánh) phóng từ trên không (máy bay).

Còn một số lượng lớn máy bay và máy bay lên thẳng đang được niêm cất, bảo quản tại căn cứ không quân Davis-Monthan (Davis-Monthan Air Force Base), - trong trường hợp cần thiết, những máy bay này chỉ cần dỡ niêm cất là có thể sử dụng lại được ngay.

Không như một số người không thực sự am hiểu đặt tên dè bỉu là "Nghĩa trang" (máy bay).

Các máy bay

Tất cả lực lượng Không quân chiến đấu (để phân biệt với không quân vận tải..., đây cũng là câu trả lời ý kiến phản hồi của một bạn đọc trong bài trước-ND) có trong trang bị của Không quân Mỹ có thể phân thành:

- Không quân chiến lược;

- Không quân chiến thuật;

- Không quân trinh sát

Không quân ném bom chiến lược của Không quân Mỹ có trong trang bị các máy bay B-52H, B-1 và B-2A.

Máy bay ném bom B-52H có thể mang các tên lửa hành trình (có cánh) phóng từ trên không tầm xa. Những chiếc máy bay này (B-52H) được thiết kế chế tạo từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng đến hiện tại vẫn là lực lượng nòng cốt của Không quân chiến lược Mỹ.

Không chỉ thế, Mỹ đã mới quyết định sẽ tiếp tục khai thác (cho trực chiến) các máy này cho đến năm 2040. Trong những năm tới đây, Ngân sách Mỹ sẽ chi gần 12 tỷ đô la để tiếp tục hiện đại hóa B-52H.

B-52H trên bầu trời Afhanistan, năm 2006.

B-2A – kiểu máy bay đắt đỏ nhất thế giới.

Nó được chế tạo theo sơ đồ “cánh bay” và ứng dụng tối đa công nghệ “Stealth” (tàng hình). Trong kết cấu máy bay có sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar.

Mới cách đây không lâu, B-2A đã được hiện đại hóa. Máy bay này có chức năng chọc thủng hệ thống phòng không bố trí sâu theo tuyến của đối phương.

В-1В. Máy bay siêu âm cánh cụp cánh xòe hình mũi tên được chế tạo để có thể khoan thủng hệ thống phòng không đối phương ở độ cao thấp và có khả năng bay bám theo địa hình.

Hiện nay, kiểu máy bay này đã được cải hoán để tiến hành các đòn tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân. Hiện trong trang bị của Không quân Mỹ có 60 chiếc B-1B. Đã có kế hoạch hiện đại hóa tất cả các máy bay này.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (Còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/luc-luong-vu-trang/luc-luong-khong-quan-dong-nhat-the-gioi-3385798/