Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 62.580 vụ vi phạm trong 9 tháng năm 2019

Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 9 tháng năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 62.580 vụ vi phạm, trung bình mỗi ngày xử lý hơn 230 vụ việc.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng tại Hải Phòng ngày 20/9

Cụ thể, trong số 62.580 vụ việc được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý có 15.185 vụ buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấp; 38.384 vụ gian lận thương mại; 9.011 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước ước đạt trên 329 tỷ đồng.

Một số vụ việc điển hình trong quý 3/2019 phải kể đến như: vụ việc ngày 11/7/2019, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra 02 trung tâm mua sắm tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện hầu hết các sản phẩm là đồng hồ, kính mắt, túi xách, vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, dây lưng, ví da có ghi các thương hiệu như Luis Vuitton, Gucci… có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện cả hai trung tâm mua sắm trên đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp lệ. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng 100 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2019, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 7 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Phước và Trạm cảnh sát giao thông quốc lộ 14 tiến hành khám 01 xe ô tô tải đang vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi tỉnh Đắk Lắk ngang qua địa phận tỉnh Bình Phước, phát hiện trong thùng xe có 26.248 sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm: 1.921 sản phẩm hàng tiêu dùng (xe máy, dây hàn, tai nghe, bàn chải đánh răng); 87 sản phẩm thực phẩm (hạt hạnh nhân, hạt đậu hà lan, chà là, khoai sâm, hương liệu sầu riêng, lá dứa, dâu, phụ gia thực phẩm cam, dứa); 240 hộp phấn rôm; 24.000 bộ bài tây. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 150,81 triệu đồng.

Ngày 04/9/2019, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh khám kho hàng tại phường Trần Phú, thành phố Móng Cái. Kết quả phát hiện 22 mặt hàng với tổng 26.438 đơn vị mỹ phẩm, gồm: 10.754 thỏi son; 3.444 tuýp kem nền; 2.260 miếng đắp mặt lạ; 1.612 hộp phấn đánh mắt; 1.200 chiếc bút kẻ mi mắt; 1.062 lọ kem dưỡng da và các sản phẩm khác như dầu gội, phấn, sơn móng tay, kem chống nắng, sữa rửa mặt …. Chủ khai nhận toàn bộ số hàng trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật

Ngày 10/9/2019, Cục Quản lý thị trường Thái Bình phối hợp với lực lượng Công an giao thông tỉnh kiểm tra 01 xe ô tô đầu kéo, phát trên xe có khoảng 12 tấn phụ tùng, máy móc dùng để lắp ráp xe ba gác và một số mặt hàng khác có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và ghi nhãn hàng hóa.

Ngày 20/9/2019, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hải Phòng tiến hành khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại phường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Kết quả đã phát hiện khoảng 8.700 đơn vị sản phẩm gồm: túi xách, ba lô, ví cầm tay, thắt lưng da, giầy thể thao, giầy nữ thời trang các loại, giầy nam giả da, ruột gối, giầy dép trẻ em, mỹ phẩm các loại; chủ kho hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 4 ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cũng trong quý 3/2019, Tổng cục Quản lý thị trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP) với mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại.

Ngày 17/9, Tổng cục cũng ký kết Biên bản hợp tác với Hiệp hội thông tin tư vấn kinh tế, thương mại Việt Nam (VICETA). Theo đó, hai bên sẽ trao đổi thông tin về chính sách, qui định pháp lý liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), vấn đề về gian lận thương mại; trao đổi thông tin về chống giả mạo xuất xứ, hàng giả và gian lận thương mại của các nước liên quan đến các hiệp định đa phương và song phương Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, hai bên sẽ thông tin tham vấn về lưu thông, vận chuyển đối với hàng hóa XNK và hàng hóa lưu thông trong nước, chất lượng hàng hóa. Đồng thời phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả phục vụ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luc-luong-quan-ly-thi-truong-phat-hien-xu-ly-62580-vu-vi-pham-trong-9-thang-nam-2019-126376.html