Lực lượng răn đe chiến lược mà Tổng thống Putin vừa kích hoạt đáng sợ đến mức nào?

Lực lượng răn đe chiến lược là xương sống trong sức mạnh chiến đấu của Nga.

TT Putin kích hoạt Lực lượng răn đe chiến lược

Vào ngày 27/2 (theo giờ địa phương), trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho Lực lượng răn đe chiến lược của Nga vào trạng thái tác chiến đặc biệt.

Giới chức hàng đầu của các nước NATO đã đưa ra những bình luận công kích với đất nước chúng ta, do đó, tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng đặt Lực lượng răn đe của quân đội Nga vào chế độ tác chiến đặc biệt", Tổng thống Putin yêu cầu.

Động thái của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi Mỹ và các nước phương Tây quyết định loại một số ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Nói về quyết định của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Ukraine cho rằng, đây là chiến lược để nâng cao lợi thế trước cuộc đàm phán.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cáo buộc, quyết định của Tổng thống Nga là hành động "leo thang vô cớ". Đồng thời, nhà ngoại giao Mỹ cho biết, chính sách đối phó với các động thái của Nga đang ở "trên bàn" của Tổng thống Joe Biden.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Vladimir Putin, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Ảnh: Getty

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Vladimir Putin, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov. Ảnh: Getty

Nghiên cứu viên tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie–Tsinghua (Trung Quốc) Triệu Thông cho rằng, đây là tín hiệu nhằm kiềm chế động thái đáp trả của các nước phương Tây với Nga.

Một nhà nghiên cứu kiểm soát vũ khí Trung Quốc giấu tên chia sẻ với The Paper (Trung Quốc) rằng, liệu lực lượng răn đe hạt nhân của Nga bước vào trạng thái sẵn sàng tác chiến đặc biệt có gây ra phản ứng đáp trả từ các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là các nước NATO hay không, rất đáng được chú ý. Do khả năng hủy diệt rất lớn của vũ khí hạt nhân, tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ rất thận trọng và nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân là rất ít, trừ khi có một bên bất ngờ kích hoạt vũ khí hạt nhân trong giai đoạn nhạy cảm này.

Lực lượng răn đe chiến lược của Nga là gì?

Theo hãng tin Sputnik, Lực lượng răn đe chiến lược là xương sống trong sức mạnh chiến đấu của Nga, bao gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường, có thể được sử dụng vừa để phòng thủ vừa có thể tấn công.

Giải thích trên Radio Current Time, chuyên gia quân sự độc lập Aleksandr Alesin cho biết, Lực lượng răn đe chiến lược của Nga được cấu thành bởi ba thành phần quan trọng.

Thứ nhất, hệ thống tên lửa di động trên mặt đất Yars (lực lượng hạt nhân trên bộ), có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào một mục tiêu chỉ định từ bất kỳ vị trí nào.

Thứ hai, dàn tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (lực lượng hạt nhân trên biển). Lực lượng này hiện diện trên các đại dương và cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, có khả năng vô hiệu hóa các đối thủ tiềm tàng.

Thứ ba, dàn máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược TU-160 và TU-95M (lực lượng hạt nhân trên không). Chúng được trang bị tên lửa hành trình Kh-55 có tầm bắn 3.500 km và Kh-102 có tầm bắn hơn 5.000 km.

Lực lượng răn đe chiến lược gồm 3 lực lượng mặt đất - trên không - trên biển. Ảnh: Getty

Ông Alesin cho hay, thực chất, lực lượng răn đe chiến lược của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Bình thường, một phần các hệ thống tên lửa tuần tra chiến đấu, phần còn lại là nghỉ ngơi và bảo dưỡng kỹ thuật. Nhưng kể từ khi nhận lệnh của Tổng thống Putin, về nguyên tắc, toàn bộ hệ thống Yars sẽ di chuyển vào rừng trên các tuyến đường tuần tra, các tàu ngầm tên lửa hạt nhân đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật sẽ ra khơi, di chuyển đến khu vực chiến đấu.

Đặc biệt, ở trạng thái bình thường, các hệ thống tên lửa tuần tra không có mục tiêu cụ thể nhưng sau khi nhận lệnh từ tư lệnh tối cao, bộ nhớ của máy tính kỹ thuật số có gắn đầu đạn sẽ ghi nhận các mục tiêu chỉ định.

Sau đó sẽ là nhập mã phóng tên lửa.

Kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn thế nào?

Báo Trung Quốc cho biết, Nga hiện có kho vũ khí hạt nhân sánh ngang với Mỹ và có khả năng hủy diệt toàn bộ thế giới.

Theo thông tin do Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ công bố, tính đến đầu năm 2020, Nga có khoảng 6.370 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật, trong đó 1.570 đầu đạn hạt nhân chiến lược trong biên chế, 870 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 1.870 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đang được niêm cất. Ngoài số lượng dự trữ của lực lượng tác chiến, Nga còn có khoảng 2.060 đầu đạn hạt nhân đã loại biên đang trong tình trạng chờ tiêu hủy (nhưng vẫn còn khả năng tác chiến).

Về lực lượng hạt nhân trên bộ, Bản tin của các nhà khoa học năng lượng nguyên tử cho biết Nga có tổng cộng 11 sư đoàn tên lửa đạn đạo, được trang bị tổng cộng 302 tên lửa liên lục địa, bao gồm SS-18, SS-19, SS-25, SS-27, trong đó dòng SS-27 là xương sống của lực lượng hạt nhân trên bộ, số lượng lên tới 218 quả. Ba dòng tên lửa lửa đạn đạo SS-18, SS-19 và SS-25 là những thiết bị được phát triển từ thời Liên Xô và đang dần bị loại biên hoặc hiện đại hóa.

Về lực lượng hạt nhân trên biển, hải quân Nga đã trang bị 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, trong đó có 6 tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo thuộc lớp Delta IV, 1 tàu thuộc lớp Delta III và 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Northwind. Những tàu ngầm này có thể mang 16 tên lửa chống ngầm và được trang bị đầu đạn MIRV. 10 tàu ngầm được trang bị khoảng 720 đầu đạn hạt nhân.

Lực lượng hạt nhân trên không hiện có khoảng 68 máy bay ném bom chiến lược, bao gồm 50 chiếc Tu-95 và 13 chiếc Tu-160. Hiện tại, Nga đã bắt đầu hiện đại hóa và nâng cấp Tu-95 và Tu-160 với trang bị thiết bị điện tử và vũ khí tiên tiến. Một thế hệ máy bay ném bom mới cũng đang được phát triển.

Khi nhận lệnh của Tổng thống Putin, về nguyên tắc, toàn bộ hệ thống Yars sẽ di chuyển vào rừng trên các tuyến đường tuần tra. Ảnh: TASS

Tháng trước, máy bay ném bom chiến lược Tu-160M mới nhất của Nga đã lần đầu tiên cất cánh thành công, điều này có ý nghĩa to lớn đối với Nga trong việc tăng cường lực lượng hạt nhân trên không. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuri Borisov chia sẻ với báo chí rằng Lực lượng Hàng không vũ trụ tương lai của Nga sẽ được trang bị 3-4 máy bay loại này mỗi năm và nước này có kế hoạch sản xuất tổng cộng 50 chiếc Tu-160M.

Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nào?

Vào ngày 2/6/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.

Về vị trí và vai trò của vũ khí hạt nhân đối với sức mạnh quân sự của Nga, chính sách răn đe hạt nhân mới chỉ ra rằng, Nga coi vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe và là biện pháp cần thiết trong các tình huống cực đoan. Nga sẽ thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và hạ thấp sức răn đe hạt nhân, ngăn chặn sự leo thang trong các mối quan hệ giữa các quốc gia, bao gồm xung đột quân sự.

Vậy Nga sẽ giữ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp nào?

Chính sách răn đe hạt nhân chỉ ra: Thứ nhất, đối thủ tiềm tàng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và các đồng minh của nước này. Thứ hai, việc Nga bị gây hấn bằng vũ khí thông thường, đe dọa sự tồn tại của nước Nga.

Có bốn điều kiện cụ thể để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân:

1. Thông tin đáng tin cậy về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ của Nga và các đồng minh.

2. Đối thủ sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để tấn công lãnh thổ của Nga và đồng minh.

3. Đối thủ tấn công các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng của Nga khiến các cơ sở này ngừng hoạt động và làm gián đoạn phản ứng của các lực lượng hạt nhân của Nga.

4. Nga bị vũ khí thông thường tấn công dẫn đến đe dọa sự tồn tại của quốc gia.

Ai chịu trách nhiệm sử dụng vũ khí hạt nhân?

Chính sách răn đe hạt nhân Nga nêu rõ, Tổng thống Nga chịu trách nhiệm quyết định xem có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Nếu cần, Tổng thống Nga có thể thông báo cho các quốc gia khác hoặc lãnh đạo các tổ chức chính trị và quân sự quốc tế về việc Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân liên và sự kiện liên quan.

Chuyên gia Aleksandr Alesin cho biết thêm, Liên bang Nga có hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa, được chia thành cấp không gian và cấp mặt đất. Hệ thống này nhận biết thời điểm tên lửa Mỹ được phóng đi và đáp trả bằng chính tên lửa của Nga. Học thuyết quân sự của Nga cho rằng, xét cho cùng, đây chủ yếu là phản ứng trước hành động gây hấn.

Ví dụ, khi một cảnh báo không gian được xác nhận bằng dữ liệu tình báo điện tử, hệ thống radar (sau đó đề xuất phóng tên lửa đáp trả đối thủ) sẽ được trình lên Tổng tư lệnh tối cao (Tổng thống Putin). Ông Putin sẽ đưa ra quyết định cùng với Tổng tham mưu trưởng - đây là nhân vật thứ hai có khả năng ảnh hưởng đến quyết định.

Chiếc cặp hạt nhân "huyền thoại" thực chất chỉ là phương tiện liên lạc để truyền lệnh phóng tên lửa chiến lược.

Ngoài ra, Nga còn có một hệ thống chỉ huy mang tên Perimeter (Ngày tận thế) có khả năng tự hành. Giả sử trong trường hợp Tổng thống Putin không thể quyết định vì một lý do nào đó, thì một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được tự động hóa.

Sau đó, hệ thống này, còn được gọi là "Bàn tay chết" hoặc "Bàn tay từ quan tài", có thể tự động phóng tên lửa tín hiệu chỉ huy để kích hoạt toàn bộ năng lực hạt nhân của Liên bang Nga.

Theo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/luc-luong-ran-de-chien-luoc-ma-tong-thong-putin-vua-kich-hoat-dang-so-den-muc-nao/20220301085219269