Lực lượng tàu sân bay một số quốc gia trên thế giới

Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, được ví như 'Chúa tể đại dương', được triển như một căn cứ không quân di động trên biển, sở hữu năng lực tác chiến lợi hại. Hiện chỉ có một số ít quốc gia xây dựng được lực lượng tàu sân bay, đứng đầu là Mỹ.

Các tàu sân bay hiện nay có thể chia làm 3 loại: Tàu sân bay cỡ lớn có khả năng vận hành cả các dòng máy bay thông dụng (máy bay cánh cố định) và máy bay trực thăng; tàu sân bay cỡ nhỏ hơn có khả năng vận hành máy bay trực thăng; tàu sân bay đổ bộ có sàn đáp, có nhà chứa máy bay và trực thăng.

Một số tàu sân bay trên thế giới đưa vào biên chế chưa lâu, có khả năng mang theo nhiều máy bay, hoạt động lâu dài mà không cần tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, nhiều chiếc khác có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ, chỉ chở một số ít máy bay kiểu cũ, hiếm khi rời khỏi căn cứ.

Dưới đây là cái nhìn toàn diện về đội tàu sân bay trên thế giới.

Mỹ

Tàu sân bay của Mỹ. Nguồn: popularmechanics

Tàu sân bay của Mỹ. Nguồn: popularmechanics

Mỹ hiện đang vận hành 10 "siêu tàu sân bay" lớp Nimitz, có sức mạnh vượt trội so với các loại tàu sân bay khác trên thế giới cả về kích thước và khả năng tác chiến.

Các tàu sân bay Nimitz dài khoảng 333 mét, lượng choán nước hơn 100.000 tấn. Tất cả tàu của lớp này được trang bị bởi hai lò phản ứng hạt nhân, bố trí trong 2 khoang riêng biệt, cung cấp năng lượng cho bốn chân vịt để tàu có thể di chuyển với đạt tốc độ tối đa trên 30 hải lý trên giờ (56 km/h). Các con tàu được đóng bằng thép cường độ cao. Những khu vực quan trọng được gia cố bởi lớp giáp Kevlar để hạn chế thiệt hại khi bị tấn công.

Mỗi chiếc Nimitz thường mang theo một lượng máy bay hùng hậu gồm: 24 chiếc F/A-18C Hornet, 24 chiếc F/A-E/F Super Hornet, 4-5 máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler, 4 máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye, 2 máy bay vận tải C-2 Greyhound, và 6 trực thăng Seahawk.

Ngoài các tàu sân bay lớp Nimitz, Hải quân Mỹ còn vận hành 9 tàu đổ bộ trực thăng lớp Wasp và lớp America. Những con tàu này dài 266 mét với lượng choán nước khoảng 40.000 tấn. Các con tàu được thiết kế có sàn đáp dài, có khả năng mang theo trang thiết bị chiến đấu trên không và trên bộ của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Mỗi tàu có thể mang theo 10 trực thăng lưỡng thể MV-22 Osprey (có khả năng cất cánh thẳng đứng, bay với vận tốc của một máy bay chiến đấu và có thể hạ cánh trên đường băng như những máy bay phản lực thông thường), 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E, 3 trực thăng đa nhiệm UH-1 Huey, 4 trực thăng tấn công AH-1Z và 6 máy bay phản lực AV-8B Harrier. Với sự sửa đổi tối thiểu, mỗi Wasp có thể mang theo 24 chiếc phản lực Harrier.

Tàu lớp America được tối ưu hóa để chở các đơn vị hàng không của Thủy quân lục chiến, có thể kèm theo một số trực thăng Ospreys. Trong tương lai gần, dòng máy bay phản lực Harrier trên tàu sẽ được thay thế bởi tiêm kích F-35B. Mỗi tàu lớp America có khả năng mang tối đa 20 chiếc F-35B cùng lúc.

Một số siêu tàu sân bay mới như USS Gerald R. Ford, USS John F. Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller (tàu hải quân đầu tiên được đặt theo tên một thủy thủ da đen) đang trong quá trình chế tạo và hoàn thiện. Một tàu lớp America mang tên USS Tripoli cũng đang được phát triển.

Trung Quốc

Tàu sân bay của Trung Quốc. Nguồn: popularmechanics

Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động. Chiếc đầu tiên là tàu Liêu Ninh, đi vào hoạt động vào năm 2012. Trước đó, năm 1998, một doanh nhân Trung Quốc mua tàu sân bay này từ chính phủ Ukraine và tuyên bố sẽ cải tạo thành một sòng bạc nổi. Tuy nhiên sau đó, con tàu được quân đội Trung Quốc mua lại, tiến hành cải tạo và nâng cấp thành tàu chiến và biên chế cho lực lượng Hải quân.

Vào năm 2017, quân đội Trung Quốc cho ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên, mang tên Sơn Đông. Sau gần hai năm thử nghiệm trên biển, con tàu đã đi vào hoạt động năm 2019. Tàu có lượng choán nước khoảng 50.000 tấn. Cả hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông đều trang bị hệ thống đường băng dốc trượt tuyết cổ điển.

Hiện Trung Quốc tiếp tục tự đóng hai tàu sân bay thứ 3 và thứ 4, được cho là lớn hơn nhiều so với hai tàu đầu tiên, sẽ được trang bị máy phóng điện từ tương tự siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford của Mỹ. Đặc biệt, chiếc thứ 4 được đồn đoán sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nga

Tàu sân bay của Nga. Nguồn: popularmechanics

Nga có một tàu sân bay đang hoạt động mang tên Đô đốc Kuznetsov. Tàu sân bay này được đóng tại Ukraine. Sau khoảng thời gian xây dựng bị trục trặc do Liên Xô tan rã, con tàu được đưa vào biên chế cho Hải quân Nga năm 1991. Về mặt kỹ thuật, tàu Đô đốc Kuznetsov khá tương đồng với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Tàu dài khoảng 305 mét, lượng choán nước toàn tải 65.000 tấn. Lượng máy bay tàu có thể mang theo gồm: 18 tiêm kích đánh chặn Su-33 Flanker-D, 4 cường kích Su-25 Frogfoot, hai trực thăng trinh sát và cảnh báo sớm trên không Ka-31RLD, và 15 trực thăng săn ngầm Ka-27PL. Ngoài ra, Kutznetsov còn được trang bị 12 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm hạng nặng SS-N-19 Shipwreck và biến thể của hệ thống lửa đất đối không Tor dành cho hải quân.

Anh

Tàu sân bay của Anh. Nguồn: popularmechanics

Vương quốc Anh có hai tàu sân bay Queen Elizabeth và Prince of Wales, lần lượt được biên chế cho Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 2017 và 2019.

Các tàu sân bay này dài khoảng 280 mét, lượng choán nước khoảng 65.000 tấn. Tàu có mức độ tự động hóa cao nên số lượng thủy thủ chỉ còn 679 người, và tăng lên con số 1.600 người khi mang theo lực lượng không quân.

Cả hai tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales đều trang bị hệ thống đường băng dốc trượt tuyết thay vì hệ thống phóng điện từ. Mỗi tàu sân bay mang theo khoảng 12 tiêm kích F-35 và 4 máy bay trực thăng trên các chuyến hành trình bình thường, nhưng có khả năng tăng lên 36 chiếc F-35 trong trường hợp chiến tranh. Ngoài ra, các tàu có thể vận hành hỗn hợp các dòng máy bay trực thăng Apache, Merlin, Chinook và Wildcat, đồng thời hỗ trợ lực lượng đổ bộ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh.

Pháp

Tàu sân bay của Pháp. Nguồn: popularmechanics

Pháp có một tàu sân bay mang tên Charles de Gaulle đang hoạt động, là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất trên thế giới không thuộc Hải quân Mỹ. Tàu có chiều dài 262 mét, lượng choán nước toàn tải 43.100 tấn, được đưa vào hoạt động vào năm 2001.

Tàu Charles de Gaulle có khả năng hỗ trợ 1 đơn vị không quân gồm 10-14 máy bay chiến đấu đa năng Rafale M, 10-12 máy bay phản lực tấn công Super Etendard, 2-3 máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye, 4-5 máy bay tìm kiếm-cứu nạn và trực thăng vận tải. Tàu sử dụng máy phóng hơi nước để hỗ trợ máy bay cất cánh và dây hãm để hỗ trợ hạ cánh.

Pháp hiện đang phát triển một tàu sân bay có lượng choán nước 70.000 tấn, được đặt tên là PANG, dự kiến đi vào hoạt động năm 2038. Sau khi triển khai, tàu có khả năng mang theo khoảng 32 máy bay chiến đấu NGF và một vài chiếc E-2D Hawkeyes.

Ấn Độ

Tàu sân bay của Ấn Độ. Nguồn: popularmechanics

Chiếc đầu tiên trong số hai tàu sân bay của Ấn Độ mang tên Viraat, nguyên là tàu HMS Hermes của Anh. Tàu được đóng trong Thế chiến thứ hai, có chiều dài 262 mét và lượng choán nước 28.700 tấn, có thể chở 9 máy bay chiến đấu Sea Harrier của Hải quân Ấn Độ và 15 máy bay trực thăng Sea King, Helix và Chetak. Tàu được cho “nghỉ hưu” từ năm 2017, hiện đang neo đậu tại thị trấn Alang ở bang Gujarat để tháo dỡ và bán phế liệu.

Tàu sân bay thứ hai mang tên INS Vikramaditya, được hoán cải từ tuần dương hạm Baku của Nga. Tàu dài 283,5 mét, lượng choán nước 45.000 tấn. Vikramaditya có khả năng mang theo một đơn vị không quân mạnh mẽ bao gồm 36 máy bay chiến đấu đa năng MiG-29K (biến thể của MiG-29 được tối ưu cho các hoạt động trên tàu sân bay), 12 máy bay trực thăng Helix phục vụ các hoạt động trinh sát, cảnh báo sớm trên không cũng như tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, Ấn Độ đang gấp rút hoàn thiện tàu sân bay tự đóng mang tên INS Vikrant để thay thế chiếc Vikrant.

Nhật Bản

Tàu sân bay của Nhật Bản. Nguồn: popularmechanics

Nhật bản từng là cường quốc hàng không mẫu hạm hàng đầu thế giới. Hiện Nhật Bản sở hữu 3 tàu sân bay trực thăng, trong đó 2 chiếc lớp Hyuga và 1 chiếc Izumo.

Tàu lớp Hyuga có thiết kế như một tàu sân bay hạng nhẹ, chiều dài khoảng 197 mét, lượng choán nước toàn tải khoảng 18.000 tấn. Hai tàu "chị em" JS Hyuga và JS Ise có thể đảm đương các nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và tấn công đổ bộ. Mỗi chiếc có thể chở tối đa 10 trực thăng, bao gồm trực thăng chống ngầm SH-60, trực thăng quét mìn MCH-101, trực thăng tấn công AH-64 Apache, MV-22 Ospreys và trực thăng vận tải CH-47.

Gần đây, Nhật Bản đã hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo, dài 248 mét, lượng choán nước 27.000 tấn, được nâng cấp từ tàu sân bay trực thăng thành tàu sân bay hạng nhẹ, có khả năng mang theo máy bay phản lực tàng hình F-35B của Không quân Nhật Bản. Tàu chị em của Izumo, mang tên Kaga, dự kiến sẽ trải qua các sửa đổi tương tự.

Anh Khôi – Ngọc Mai (Theo popularmechanics)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/luc-luong-tau-san-bay-mot-so-quoc-gia-tren-the-gioi-16019/