Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) - đạo luật đầu tiên quy định một cách toàn diện về biên phòng của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trong đó, quy định về 'lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng' là một trong những quy định có tính chất 'xương sống', thể hiện quan điểm, tư duy mới của Đảng và Nhà nước về phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) trong tình hình mới theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Kim Nhượng

“Điều 6. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

2. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1, Điều này”.

Theo nghĩa thông thường, “nhiệm vụ” được hiểu là công việc phải làm, phải gánh vác của một hoặc một nhóm chủ thể nhất định (cá nhân, tổ chức). Trong đó, “nhiệm vụ biên phòng” là thuật ngữ thuộc lĩnh vực tổ chức thực thi quyền lực, thể hiện những công việc đặt ra trong lĩnh vực biên phòng đòi hỏi Nhà nước phải giải quyết nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG).

Về nguyên tắc, mỗi nhiệm vụ của Nhà nước có thể giao cho một hoặc nhiều chủ thể thực hiện tùy theo tính chất phức tạp, tầm quan trọng và hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ. Với tính chất phức tạp, tầm quan trọng của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (TTNVBP), trên cơ sở quan điểm của Đảng, Luật BPVN xác định rõ lực lượng TTNVBP trên cơ sở các luận cứ khoa học và tính thực tế, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

“Lực lượng” là thuật ngữ có thể được lý giải theo nhiều nghĩa, như: Là “sức mạnh có thể tạo nên động lực để làm việc gì” hay “sức mạnh được tạo nên do chung đúc thế mạnh của nhiều người hoặc nhiều nhân tố vật chất, tinh thần” hoặc là một tổ chức được lập ra để thực hiện các sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ nhất định. Mặc dù chưa có sự thống nhất về nội hàm, nhưng thuật ngữ này đang được sử dụng tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực khoa học như: Chính trị học, hành chính học, khoa học quân sự... Điều đó cho thấy, ở góc độ tiếp cận khác nhau, “lực lượng TTNVBP” có thể được lý giải khác nhau, nhưng với quy định tại Điều 6, Luật BPVN đã chính thức khẳng định các bộ phận cấu thành lực lượng TTNVBP.

Cơ quan Nhà nước là bộ phận cơ bản cấu thành Nhà nước, bao gồm số lượng người nhất định, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, nhân danh Nhà nước thực hiện quyền lực Nhà nước. Ở KVBG, các cơ quan Nhà nước bao gồm HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn; các cơ quan Nhà nước khác thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở KVBG như: Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông, Cảng vụ...

Tổ chức là hình thức tập hợp trên phương thức tự nguyện của công dân nhằm thực hiện các mục tiêu chung. Xuất phát từ tính chất, mục tiêu hoạt động mà các tổ chức được hình thành và phát triển trong đời sống xã hội rất phong phú như: Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tự quản phục vụ lợi ích cộng đồng, các hội được thành lập theo dấu hiệu riêng. Các tổ chức này được thành lập và hoạt động trên phạm vi cả nước, trong đó có địa bàn KVBG đã và đang tập hợp được rất nhiều nguồn lực cho việc xây dựng nền biên phòng toàn dân. Vì vậy, việc xác định các tổ chức ở KVBG, cửa khẩu là một bộ phận của lực lượng TTNVBP có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc huy động sự tham gia của nhân dân vào việc TTNVBP, thể hiện rõ nét mục tiêu “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp” mà Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG đã xác định.

Các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu bao gồm các đơn vị của QĐND (BĐBP, Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát Biển, các quân khu, quân đoàn, binh chủng) và Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên địa bàn này. Đây là lực lượng “nòng cốt” TTNVBP nói riêng và nhiệm vụ quốc phòng nói chung bởi luôn có lực lượng, phương tiện thường trực, có khả năng cơ động nhanh chóng trong mọi tình huống với cơ chế phối hợp về cơ bản đã được xác lập, luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ BGQG; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong mọi tình huống.

Các lực lượng này vừa là “đội quân chiến đấu”, vừa là “đội quân công tác”, trực tiếp tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG và KVBG. Chính vì vậy, quy định lực lượng TTNVBP gồm các “cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu” không chỉ phù hợp thực tiễn tổ chức TTNVBP mà còn phù hợp với quy định “Xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân KVBG và các lực lượng vũ trang nhân dân” của Luật BGQG và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với nguyên tắc: “Sự nghiệp bảo vệ BGQG đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng..., sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật BPVN đã xác định: “Cơ quan chỉ huy, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu” là thành phần quan trọng của lực lượng TTNVBP.

Trong đó, cơ quan chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu là cơ quan cấp trên một cấp của những cơ quan đó theo ngành, hệ thống dọc hoặc sự chỉ đạo của cơ quan chính quyền địa phương cấp có thẩm quyền tùy thuộc nội dung nhiệm vụ biên phòng phải tổ chức thực hiện.

Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan, tổ chức ở KVBG, cửa khẩu có thể là cơ quan, tổ chức cấp trên theo ngành dọc hoặc cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về lực lượng TTNVBP trong Luật BPVN được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG, có sự kế thừa hợp lý các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ BGQG.

Do đó, quy định tại Điều 6, Luật BPVN là cơ sở pháp lý cho việc xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở KVBG, cửa khẩu trong TTNVBP. Với cơ chế TTNVBP được xác lập một cách thông suốt, các mối quan hệ phối hợp trong TTNVBP sẽ được triển khai một cách có hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, trước hết là của hệ thống chính trị ở KVBG, cửa khẩu trong TTNVBP.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt - Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luc-luong-thuc-thi-nhiem-vu-bien-phong-post436417.html