Lực lượng vũ trang tỉnh: Xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Ninh Bình - vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống cách mạng, dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Tỉnh có diện tích tự nhiên khoảng 1.400 km2 , dân số hơn 1 triệu người. Địa bàn tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, vừa có biển; án ngữ hệ thống giao thông đường thủy, đường sắt, đường bộ huyết mạch, kết nối giữa miền Bắc với miền Trung và miền Nam; giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội cũng như về quốc phòng, an ninh của Quân khu 3, phía Bắc và cả nước.

Lực lượng pháo phòng không luyện tập đánh địch tiến công hỏa lực đường không chuẩn bị cho diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. Ảnh: Hồng Nam

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò chiến lược của Tỉnh, những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời, chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn.

Trong đó, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; qua đó, đạt nhiều kết quả thiết thực. Nổi bật là: Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh; trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị, Luật Quốc phòng; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 về xây dựng KVPT.

Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy cụ thể hóa thành nghị quyết lãnh đạo; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch công tác, đề án, đồng thời tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Theo đó, KVPT tỉnh đã được xây dựng khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cả về tiềm lực, thế trận và lực lượng, phù hợp với thế mạnh của địa phương. Phát huy truyền thống quê hương "Cờ lau dựng nước", tiềm lực chính trị - tinh thần, nhất là "thế trận lòng dân" luôn được củng cố xây dựng ngày càng vững chắc.

Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện cả về chiều rộng, chiều sâu. Hệ thống chính trị ở các cấp ngày càng được củng cố, xây dựng vững mạnh về mọi mặt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cơ sở.

Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với xây dựng KVPT ngày được nâng cao. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng, hoạt động KVPT từng bước được hoàn thiện, vận hành đồng bộ, hiệu quả. Coi trọng việc xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với các tôn giáo, giải quyết hài hòa lợi ích và tạo điều kiện để tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Chú trọng làm tốt công tác phát triển đảng viên là người có đạo. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, phong trào "Xứ, họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự", "Sống tốt đời, đẹp đạo".

Tiềm lực kinh tế-xã hội (KT-XH) có bước phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP-AN). Năm 2022, tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch COVID-19, vừa hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội; là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối ngân sách, điều tiết 9% ngân sách về Trung ương, thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 24.300 tỷ đồng, tăng gấp 7,9 lần so với năm 2013.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trên từng địa bàn. Các đề án, dự án, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KTXH trên các địa bàn của tỉnh đều có sự tham gia thẩm định nhằm bảo đảm yếu tố QP-AN, gắn với quy hoạch xây dựng thế trận KVPT. Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng (có chọn lọc) các khu công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, vừa phục vụ dân sinh, vừa sẵn sàng chuyển đổi công năng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống.

Sẵn sàng huy động nguồn lực, động viên ngành công nghiệp phục vụ cho KVPT. Hệ thống hạ tầng cơ sở bưu chínhviễn thông được xây dựng, phát triển mang tính lưỡng dụng cao; cải cách hành chính được đẩy mạnh (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước).

Tiềm lực văn hóa, đối ngoại có nhiều dấu ấn nổi bật, thông qua tổ chức thành công các hoạt động mang tầm quốc tế như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak), Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo hang động tự nhiên, xây dựng hệ thống các công trình quốc phòng, an ninh, như: Sở chỉ huy; căn cứ hậu phương; căn cứ hậu cần - kỹ thuật; hệ thống công sự, trận địa, đường cơ động; mua sắm trang bị, công cụ hỗ trợ và trang phục cho lực lượng dân quân tự vệ.

Đến nay, nhiều công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh như: Dự án Quốc lộ 10 (Ninh Bình - Kim Sơn), dự án đường Bái Đính - Kim Sơn, dự án đường tỉnh lộ 477 (Gián Khẩu - Nho Quan), dự án đường 481 (Đường 10 - đê Bình Minh 2), tuyến đê Bình Minh 2, Bình Minh 3, hệ thống đường giao thông khu vực biên giới biển; các công trình phòng thủ biên giới biển; dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển; thực hiện Đề án "Khai thác, phát triển năng lực du lịch huyện Kim Sơn đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030".

Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương; đồng thời, quản lý chặt chẽ quy hoạch thế trận quân sự đã được Chính phủ phê duyệt và các công trình quốc phòng, hệ thống hang động tự nhiên, mốc quân dụng, mốc pháo binh. Chỉ đạo kiện toàn Hội đồng cung cấp KVPT tỉnh, huyện, thành phố; ban hành Quy chế hoạt động và tổ chức hội nghị Hội đồng cung cấp KVPT các cấp. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng, quan tâm xây dựng làng, xã chiến đấu làm nền tảng để xây dựng KVPT cấp tỉnh, huyện.

Hiện nay, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đang củng cố, tăng cường các tiêu chí về QP-AN. Các cơ quan, đơn vị LLVT được quan tâm xây dựng vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Lực lượng bộ đội thường trực thường xuyên được củng cố kiện toàn, biên chế tổ chức chặt chẽ đúng theo quy định. Lực lượng DQTV được chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh, rộng khắp.

Lực lượng DBĐV được đăng ký quản lý chặt chẽ, gần gọn địa bàn, tỉ lệ sẵn sàng động viên cao. Lực lượng Bộ đội biên phòng ngày càng vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Lực lượng Công an nhân dân được củng cố xây dựng vững mạnh về tổ chức, chính trị, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ chiến đấu ngày càng được tăng cường hiện đại hóa.

Hằng năm, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho các đối tượng. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng theo kế hoạch, bảo đảm nội dung, thời gian, quân số huấn luyện đạt 98,3%; kết quả kiểm tra các nội dung 100% đạt yêu cầu, có 83,7% đạt khá, giỏi. Huấn luyện phân đội quân số đạt 98%. Qua đó, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng cao, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là công tác giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, sự cố, phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…, sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, góp phần củng cố tổ chức đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, bảo đảm ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cơ quan quân sự địa phương ở các cấp đã phát huy vai trò chủ trì, phối hợp làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng KVPT ngày càng đi vào chiều sâu, nền nếp.

Hằng năm, tổ chức diễn tập KVPT ở các cấp và diễn tập chiến đấu trong KVPT ở cấp xã kết hợp với diễn tập phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng ngày càng được nâng lên. Trong những năm tới, dự báo tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực, trên Biển Đông có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, có yếu tố khó lường. Trong nước và trên địa bàn tỉnh, tình hình an ninh chính trị, xã hội cơ bản ổn định; kinh tế đang phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra, nhất là về an ninh phi truyền thống.

Cùng với đó, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "Diễn biến hòa bình" chống phá Đảng, Nhà nước, LLVT ta, hòng gây "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ trong nội bộ; lợi dụng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, kích động, tập hợp lôi kéo các phần tử bất mãn chống đối, gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Các vấn đề nảy sinh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được giải quyết hiệu quả; tình hình tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp...

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT.

Quán triệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII; tập trung tham mưu ưu tiên các nguồn lực xây dựng thế trận quân sự trong KVPT. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng và phát huy các tiềm lực cho KVPT.

Tiếp tục làm tốt việc quy hoạch đất quốc phòng; tăng cường công tác quản lý các công trình quốc phòng và hang động tự nhiên trên địa bàn; làm tốt việc tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng KVPT; chú trọng tham mưu nâng cao chất lượng các hoạt động trong KVPT.

Tổ chức Diễn tập KVPT cấp tỉnh năm 2023 và các cuộc diễn tập ở cấp huyện, xã, bảo đảm chặt chẽ, chu đáo và an toàn tuyệt đối; đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình thực tế; tham mưu, đề xuất việc chăm lo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về mọi mặt, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng KVPT. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh, trước hết là lực lượng thường trực theo hướng "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", coi trọng chất lượng chính trị; nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập; thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp dân giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Xây dựng lực lượng DQTV "vững mạnh, rộng khắp", có số lượng hợp lý, bảo đảm tỷ lệ đúng theo quy định, chất lượng tốt. Xây dựng lực lượng DBĐV có chất lượng cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng DQTV, DBĐV. Không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đại tá Đinh Công Thanh

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/luc-luong-vu-trang-tinh-xay-dung-khu-vuc-phong-thu-ngay-cang/d20231121082848147.htm