Lục Ngạn (Bắc Giang): Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Kết thúc năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%, đặc biệt Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán giải ngân đạt 100%.

Chung tay, góp sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở năm 2024.

Chung tay, góp sức xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở năm 2024.

Giai đoạn 2022-2023, với tổng số vốn hỗ trợ Dự án 1 là 14.050 triệu đồng hỗ trợ 1.360 hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn và hộ nghèo người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm nhà ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán, trong đó 200 hộ được hỗ trợ làm nhà, 410 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề và 750 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Kết thúc năm 2023, huyện Lục Ngạn giải ngân 100% nguồn vốn 2023 và vốn kéo dài năm 2022 sang. Năm 2024, huyện Lục Ngạn tiếp tục được tỉnh Bắc Giang cấp 11.470 triệu đồng hỗ trợ 1.509 hộ dân về nhà ở, nước sinh hoạt phân tán. Đến tháng 5/2024, huyện đã phê duyệt 115 hộ làm nhà, đã có 45 hộ khởi công; phê duyệt 289 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề và 900 hộ hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán.

Hiện nay, các phòng chuyên môn và UBND các xã đang tiến hành triển khai các bước, quy trình để hỗ trợ. Dự kiến kết thúc năm 2024, huyện sẽ thực hiện đảm bảo 100% các hộ được hỗ trợ và giải ngân hết nguồn vốn.

Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở, cùng với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia 44 triệu đồng/hộ, năm 2024 huyện Lục Ngạn có chủ trương lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Tỉnh ủy để hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/hộ đảm bảo đủ 50 triệu đồng; đối với các hộ đặc biệt khó khăn ngoài nguồn 44 triệu của Chương trình mục tiêu và 56 triệu nguồn xã hội hóa do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc vận động, cùng với đó vận động nhân dân, các tổ chức xã hội, bộ đội ủng hộ ngày công hỗ trợ nhân dân.

Những kết quả trên cho thấy công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động, truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được huyện quan tâm, chỉ đạo sâu sát và được tổ chức thực hiện rộng khắp các thôn, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện. Từ năm 2022 đến nay, Lục Ngạn đã tổ chức hàng trăm lớp truyền thông, tuyên truyền đến hàng nghìn người dân về các chính sách dân tộc, phổ biến pháp luật cho người dân hiểu và tham gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình lớn, nhiều chính sách ưu việt hỗ trợ trực tiếp cho người dân…

Nhìn chung các vấn đề kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số tháng 5 năm 2024 ổn định; tỷ lệ cử tri hưởng ứng việc tách huyện đạt trên 95% tạo sức sống mới và tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; Đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và những quy định của địa phương, tham gia tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Trong tháng 5, huyện Lục Ngạn đã giải quyết được các vấn đề về tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nổi lên như một điểm sáng. Với tổng vốn giao 5.280 triệu đồng, UBND huyện đã ban hành Quyết định đợt 01 và Quyết định đợt 02 phê duyệt hỗ trợ 115 hộ đủ điều kiện hỗ trợ nhà ở. Đến thời điểm này và theo báo cáo đã có 44/115 hộ khởi công xây dựng, 74 hộ còn lại dự kiến khởi công xây dựng trong quý III năm 2024, giải ngân 44 triệu (01 hộ xã Tân Quang).

Đồng thời, UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 585 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề với tổng vốn giao là 2.890 triệu đồng. Cùng với việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 889 hộ có nhu cầu với tổng số vốn giao 3.300 triệu đồng.

Cũng trong tháng 5, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung đối tượng hỗ trợ đảm bảo đúng quy định. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn UBND các xã thực hiện các bước xác định nhu cầu định mức hỗ trợ; phối hợp với các phòng chuyên môn tổng hợp, thẩm định các dự án, xác định phương án hỗ trợ…

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng sự cố gắng, nỗ lực tự thân vươn lên của người dân, công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024.

Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang, tiếp giáp với các huyện Lục Nam, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang), Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 1.032,53km2 với 28 xã, 01 thị trấn.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, số xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số của huyện là 26 xã, 01 thị trấn trong đó số xã thuộc Khu vực III là 09 xã; Số xã thuộc Khu vực II là 01 xã; số xã, thị trấn thuộc Khu vực I là 17 xã (có 66 thôn đặc biệt khó khăn; trong đó, 52 thôn thuộc 09 xã khu vực III, 06 thôn thuộc 01 xã khu vực II và 08 thôn thuộc 05 xã khu vực I). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 51,10% (gồm: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa).

Phương Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/luc-ngan-bac-giang-diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-375829.html