Lục tìm trong 'Minh Thực Lục' - Kỳ 1: Cha và con và…

MTL là bộ biên niên sử viết về triều Minh Trung Quốc. Bộ sử ghi lại các sự kiện bắt đầu từ thời Minh Thái tổ tới Minh Hy Tông, tổng cộng là 13 triều vua. Qua đó hé lộ nhiều thú vị về sử Việt.

 Bộ Minh thực lục ( MTL) của NXB Hà Nội.

Bộ Minh thực lục ( MTL) của NXB Hà Nội.

LTG: Một cố gắng lớn của NXB Hà Nội cùng một số đối tác mới đây đã khiến sự đọc nước nhà thêm phần xôm tụ. Đó là bộ Minh thực lục (MTTL) được xuất bản với hơn ba ngàn trang in khổ 16x24cm. Sách được chuyển ngữ và chú thích bởi dịch giả nổi tiếng Hồ Bạch Thảo. Lại có phần chăm sóc hiệu đính, bổ chú của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

MTL là bộ biên niên sử viết về triều Minh Trung Quốc. Bộ sử ghi lại các sự kiện bắt đầu từ thời Minh Thái tổ tới Minh Hy Tông, tổng cộng là 13 triều vua.

Trước nay, MTL từng được những nhà làm sử Việt từ thời Hậu Lê, Lê Trịnh, thời Nguyễn, thời Pháp và gần đây là các học giả Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp… cần mẫn tiếp cận được văn bản gốc. Và bây giờ bạn đọc, những ai lưu tâm tới sử nước nhà, đặc biệt là thời hậu Lê giai đoạn cuộc kháng chiến chống quân Minh của Bình Định Vương Lê Lợi có thể bỏ ra số tiền khoảng 1,5 triệu đồng để có 3 tập MTL!

Đã đành MTL đã và đang đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu nhiều lĩnh vực như sử, văn , khảo cổ, dư địa chí… Và khi tiếp cận với MTL, bạn đọc có thể đối chiếu so sánh với chính sử nước nhà như "Toàn thư" để thấy những hạt sạn và sự không toàn bích của bộ cổ sử Trung Hoa mang tên MTL này.

Rất mong những kiềm chế, bình tĩnh trước những ghi chép cùng nhận xét chưa được khách quan thỏa đáng thậm chí sai lệch trong MTL mà người chú thích lẫn hiệu đính trong lần xuất bản này đã công phu chỉ ra.

Xin nhường lời cho các nhà nghiên cứu. Người viết bài này chỉ mạo muội khi lục tìm trong MTL vài chuyện mà trước nay chưa thấy và chép thiếu lẫn sai lệch trong chính sử Việt.

Kỳ I: Cha và con và…

Mượn lời nhà văn Nguyễn Khải để nói về Hồ Quý Ly con trai là Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng.

MTL ghi lại thời điểm cuối cùng vị vua đầu của triều Hồ cùng thuộc hạ.

Ngày 11-5 năm Vĩnh Lạc thứ 5 tức là ngày 16-6 năm 1407.

Quân Trương Phụ cùng Mộc Thạnh vượt qua Quyết Giang tiến vào cửa biển Kỳ La ( Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thuộc châu Nhật Nam. Đánh nhau giặc bỏ chạy. Bắt sống được đầu sỏ giặc là Lê Quý Ly. Lại bắt được Trừng ( Hồ Nguyên Trừng) trong núi nơi gần cửa bể.

… Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc V (17/6/1407): Dân bản xứ An Nam là bọn Vũ Như Khanh bắt được ngụy Quốc vương nước Đại Ngu Lê Thương (…) tại núi Vọng Cao, cửa biển Vĩnh Áng.

(Dẫn theo Minh thực lục, NXB Hà Nội 2019 Tập I trang 204 và 205).

Bộ sách "Minh thực lục".

Tiếc thay và cũng hơi bị khó hiểu là các cuốn sử Đại Việt lẫn Trung Hoa đều không đề cập gì đến số phận của Quý Ly sau khi bị quân Minh bắt như thế nào? Lục tìm trong MTL về các đời vua Minh, tịnh không thấy dòng nào đề cập đến?

Đại Việt Sử ký toàn thư ( Toàn thư) cũng chỉ đôi ba dòng về thân phận bi thảm của các quan triều Hồ sau khi bị sa vào tay giặc : “Nhà Minh vờ cho Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú, Nguyễn Quân, Lê Sứ Khải đi Kinh Bắc (có lẽ là ám chỉ Bắc Kinh) các chức thị lang và tham chính ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, sai người đưa đi, đến nửa đường thì giết”.

Hơn mười năm trước, đã có vài tờ báo viết về việc tìm mộ Hồ Quý Ly trên đất Trung Hoa mênh mông. Trong đó tạm khả tín là cuộc truy tầm mệt nhọc gian nan của nhà sử học Trần Văn Giáp đầu những năm 60 cùng với một môn đệ là nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật. Giáo sư Trần Văn Giáp, nhà nghiên cứu sử, ngôn ngữ và dân tộc học nổi tiếng ở Việt Nam, tuổi đã hơn 60 (sinh năm 1898). Còn Đỗ Đình Truật 30 tuổi, được cử sang du học ở Trung Quốc. Họ đi nhiều địa phương, đến cả Dinh Tổng đốc Lưỡng Quảng, tìm hiểu tàng thư cổ của Việt Nam ở Côn Minh - Vân Nam, xem xét nghiên cứu kỹ các tài liệu, các bản đồ sưu tập được. Bao nhiêu là thời gian và công sức, nhưng cuối cùng mộ vị vua nhà Hồ vẫn chỉ là bóng chim tăm cá!

Thành nhà Hồ.

Và còn vài cuộc tìm mộ Hồ Quý Ly cũng như Hồ Nguyên Trừng khác nữa của những tình nguyện viên vốn sốt mến với lịch sử nước nhà. Đã khoang vùng được tọa độ mộ Hồ Quý Ly tại núi Chung Sơn ( Lão tử sơn) thuộc thành phố Nam Kinh tỉnh Giang Tô. Nhưng đành bỏ cuộc vì nhiều nguyên nhân.

Sử không biên, sách hậu thế thì chỉ chép mơ hồ! Có ý gì đây? Phải chăng các sử quan trong MTL muốn tuyệt diệt các kênh để hậu thế Đại Việt tìm đến phần mộ vị vua tiếng tăm lẫn tai tiếng ở ngôi chỉ có 7 năm nhưng với chính sách cải cách độc đáo khiến thiên hạ sau 700 năm vẫn không dứt những luận bàn? Và là tác giả của ngôi thành đá Thành Nhà Hồ độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á vừa được UNESCO tôn vinh là Di sản của nhân loại. Như một cách để tôn vinh cùng chiêu tuyết cho Hồ Quý Ly?

Một sự kiện có thể nói là hy hữu, người được quân đội Minh tế khi sống lẫn chết. Người đó là Hồ Nguyên Trừng.

Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quí Ly, lẽ thường là phải được cha giao cho ngôi báu, nhưng vua cha Hồ Quý Ly đã đưa người em trai của Hồ Nguyên Trừng là Hồ Hán Thương lên thay.

Trừng không được làm vua nhưng vẫn được Hồ Quý Ly ban quyền Tổng chỉ huy quân đội. Sử chép khi họa ngoại xâm quân Minh sắp sang, mối lo lớn nhất của Trừng là sợ dân không theo, nên đã thẳng thừng tâu với Quí Ly “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.”

Lòng dân? Có thể do công cuộc cải cách nhanh, nóng vội muốn hưng thịnh đất nước trong một thời gian ngắn, những chính sách hà khắc của Hồ Quý Ly khiến lòng người ly tán?.

Khi bị bắt giải về Yên Kinh, con trai Hồ Quý Ly Hồ Nguyên Trừng có lẽ cầm chắc cái chết!

Nhưng không phải vậy!

Có thể tìm thấy ở MTL vài dòng loáng thoáng về nhân vật tù binh độc nhất vô nhị ấy.

“Ngày 3 tháng Giêng năm Tuyên Đức thứ 33 (18/1/1428) Mệnh Hữu Thị Lang bộ Công Lê Trừng tại nơi hành tại được cấp lương tháng toàn bằng gạo. Trừng là anh của chúa ngụy cũ An Nam, Lê Thương. Trước kia Trừng bị bắt đến kinh đô, Thái Tông Văn Hoàng đế xá tội và dùng; khởi đầu trao chức Chủ sự bộ Công, Thiên tử (Tuyên Tông) tức vị được thăng Lang trung nội thần. Nghe tâu nhà nghèo, bèn thăng chức Thị lang; đến nay lại ra lệnh cấp bổng hàng tháng toàn bằng gạo. ( MTL NXB Hà Nội 2019. Tập 2. Trang 185)

Đây cũng là thời điểm ở bên nước cục diện cuộc kháng chiến chống quân Minh đang hồi quyết liệt. Thời điểm Chủ sự Bộ Công nhà Minh Hồ Nguyên Trừng được cấp bổng bằng gạo hằng tháng cũng là mấy tháng trước, tướng nhà Minh An Viễn hầu Liễu Thăng bị nghĩa quân Lê Lợi chém đầu tại Ải Chi Lăng, thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.

Cũng không khỏi ngạc nhiên và phân vân trước một mảng sử của triều Minh. Bởi ở chức chủ sự Bộ Công rồi mà Hồ Nguyên Trừng vẫn than nhà nghèo khiến vua Minh phải cấp lương bằng gạo hàng tháng? Vậy số lương thực này là bao nhiêu cân ta hoặc ki lô gam?

Tìm hiểu về Hồ Nguyên Trừng, ngoài những dòng sơ sài trong MTL phải cậy nhờ đến sử cũ. Những sách ấy ghi lại Hồ Nguyên Trừng làm quan đến chức tả thị lang (tương đương thứ trưởng) nhưng sau này các bộ Minh sử được xuất bản lại ghi đầy đủ hơn thì Hồ Nguyên Trừng đã được phong đến chức thượng thư bộ Công (tương đương bộ trưởng), ngoài chế tạo vũ khí còn chuyên chế tạo đồ ngự dụng cho nhà vua sử dụng.

Khó hình dung được một người không phải người Hán, mà là dân Nam, lại là tù binh mà được vua Minh hậu đãi đến vậy? Điều này chứng tỏ nhà Minh rất thực dụng khi sử dụng người tài không phân biệt lý lịch nhưng cũng cho thấy tài năng kiệt xuất của Hồ Nguyên Trừng.

Cuốn Hoàng triều kỳ sự thuật (Thuật việc lạ thời triều Minh) sử gia nổi tiếng thời Minh, Vương Thế Trinh đã chép thế này: “Một người Giao Chỉ, tên Lê Trừng, chưa hề đậu đại khoa ( tiến sĩ) lại được đặc cách giữ chức Thượng thư bộ Công!”

Một mẫu súng pháo của tác giả Hồ Nguyên Trừng ởBinh trượng cục.

Rồi sách Vạn Lịch dã hoạch biên ca tụng Lê Trừng là người đầu tiên chế tạo hỏa khí cho Trung Quốc: “Bản triều (triều Minh) dùng hỏa khí đánh giặc, là chiến cụ công hiệu bậc nhất từ xưa đến nay; nhưng sự tinh diệu của khí giới này, có được từ khi Văn Hoàng đế (Thái Tông) bình Giao Chỉ. Tức dùng ngụy Tướng quốc Ðại vương Lê Trừng nước Việt làm quan bộ Công chuyên việc chế tạo và lưu truyền từ đấy. Nay trong cấm quân có cơ quan gọi là Thần Cơ doanh, binh sĩ doanh này là những người chuyên chế tạo hỏa pháo. Người đương thời cho rằng các kỹ thuật thần kỳ từ xưa đền nay, không thể hơn được.”

Sách Minh sử cảo từng chép nhà Minh lập cả một binh đoàn sử dụng súng, sau này đánh nhau với Mông Cổ đã phát huy tác dụng rất cao. Vì vậy Minh sử cảo còn ghi lại là quân Minh khi tế súng đều tế Hồ Nguyên Trừng như là thần súng.

Có thủ tục tế trong cung đình “Kim Cổ hiệu giác thiết pháo chi thần” tức tế Lê Trừng. Sách Dã ký chép thêm: “Nay phàm tế binh khí đều tế Lê Trừng.”

Khá thú vị khi tìm thấy ở MTL những dòng hiếm hoi không có trong sử Việt.

“Ngày 17 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ nhất (24/4/1426) Bộ Lại tâu về việc Lê Trừng thuộc bộ Công. Trừng trải qua 9 năm không đến bộ nạp lý lịch; nay trải qua 2 lần khảo xét mới nạp lý lịch, như vậy trái với quy chế. Thiên tử phán: ‘Trừng có tội lớn tại An Nam, Hoàng tổ (vua Minh Thái Tổ) tha và dùng. Nay phạm tội nhỏ, có thể tha được.” (MTL, NXB Hanoi trang 139)

Đó là chuyện suốt 9 năm Hồ Nguyên Trừng không biết nguyên nhân gì đã không đến nạp lý lịch cho bộ Công. Việc làm này trái với qui định hành chánh thời bấy giờ, ắt phải được bạn đồng liêu, cùng cấp chỉ huy trực tiếp nhắc nhở; nhưng Trừng không thay đổi ý định, để cuối cùng bị bộ Hộ đàn hạch và vua nhà minh phải đích thân để mắt tới. Và may thay đã tha tội cho Hồ Nguyên Trừng!

Lý giải và nên hiểu ra sao với hành động chống đối này? Chỉ có thể là thái độ ngầm rằng, ta không thèm chức tước của các ngươi! Một phản ứng yếu ớt đại loại, ta bị các người ép vào con đường cùng chỉ vì nghĩ đến mạng sống mà ta đành ngậm miệng đó thôi. Và cái việc ta nghĩ ra các mẹo chế tác súng ống cũng chỉ là do thời thế do bị ép buộc?

Nhưng Hồ Nguyên Trừng đang nằm trong tay những kẻ mưu kế thâm hậu!

Lạ thay chúng không o ép bắt khoan bắt nhặt theo kiểu thói thường mà lại tiếp tục… thăng chức bổng lộc hậu hĩ cho Hồ Nguyên Trừng. Bằng cớ là ở thời vua Tuyên Tông, Trừng được thăng chức Hữu Thị Lang ( tương đương thứ trưởng), rồi Lang trung.

Xuân Ba

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/luc-tim-trong-minh-thuc-luc-ky-1-cha-va-con-va-post142610.html