Lùi thời gian nhờ máy tính lượng tử

Sử dụng máy tính lượng tử, các nhà vật lý Nga đã đổi được hướng thời gian! Thí nghiệm mang tính bước ngoặt này dường như phủ định các định luật cơ bản của Vật lý và có thể làm thay đổi cách hiểu của chúng ta về các quá trình chi phối vũ trụ.

Người Nga đã chứng minh rằng thời gian là khái niệm tương đối

Người Nga đã chứng minh rằng thời gian là khái niệm tương đối

Các nhà khoa học ở Viện Vật lý và Công nghệ Moscow (MIPT), Nga, đã phối hợp với một số đồng nghiệp ở Thụy Sĩ và Mỹ thực hiện “lùi” thời gian thành công nhờ các đặc tính kỳ lạ của thế giới cơ học lượng tử.

“Chúng tôi đã tạo ra trạng thái nhân tạo, có thể tiến hóa theo hướng ngược với mũi tên nhiệt động lực học của thời gian” - Tiến sĩ Gordey Lesovik ở Phòng Thí nghiệm Vật lý Thông tin Lượng tử tại MIPT cho biết.

Đơn vị thông tin cơ bản của máy tính lượng tử là qubit (bit lượng tử). Qubit được mô tả bởi trạng thái 1, 0 hoặc chồng chập hai trạng thái trên. Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã khởi động “chương trình tiến hóa” khiến cho các qubit trở thành hệ thống phức tạp hơn, dao động giữa các giá trị 0 và 1. Trong quá trình này, tính thứ tự không còn và một chương trình máy tính khác đã thay đổi trạng thái máy tính lượng tử, để tiến hóa “ngược thời gian”. Trạng thái các qubit bị “kéo lùi” về điểm khởi đầu.

Phần lớn các định luật Vật lý hoạt động theo hai chiều - về tương lai và về quá khứ. Nếu chiếu một đoạn phim về một quả cầu va chạm với một quả cầu khác, sau đó chiếu phim theo chiều ngược lại, chúng ta chứng kiến những quá trình có ý nghĩa vật lý. Tuy nhiên, vũ trụ có một quy luật mang tính bắt buộc - đó là định luật nhiệt động lực học thứ hai (nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học). Định luật này nói rằng vũ trụ tiến tới hỗn độn - từ “có trật tự” tiến tới “không có trật tự”. Chính vì vậy, không thể có chuyện lùi ngược quá trình một chiếc bình bị vỡ (từ trạng thái bị vỡ lùi về trạng thái lành lặn).

Trong khi đó, các nhà khoa học Nga dường như đã làm được chuyện này. Sử dụng 2 qubit, việc “quay ngược thời gian” đã được thực hiện với xác suất thành công là 85%. Trong trường hợp 3 qubit, xác suất thành công là 50%. Hiện giờ, các nhà khoa học đang cải tiến các thiết bị thí nghiệm và tìm cách giảm các sai số.

Theo Tuấn Sơn -Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/lui-thoi-gian-nho-may-tinh-luong-tu-3989211-b.html