Lùi tiến trình luận tội ông Donald Trump

Ngày 16/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi tuyên bố Hạ viện chưa tiến hành bỏ phiếu khởi động tiến trình điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump; rằng 'một cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Hạ viện liên quan tới vụ điều tra luận tội Tổng thống Trump chưa có trong lịch làm việc'. Trước đó, ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thông báo Hạ viện đã chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.

Cựu quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống- ông Corey Lewandowski- tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, ngày 17/9/2019, bác bỏ việc phe Dân chủ định tiến hành luận tội ông Donald Trump.

Cựu quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống- ông Corey Lewandowski- tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện, ngày 17/9/2019, bác bỏ việc phe Dân chủ định tiến hành luận tội ông Donald Trump.

Lùi lại không phải là chấm dứt

Nhưng như vậy không phải là phe Dân chủ trong Hạ viện đã từ bỏ ý định luận tội ông Trump. Tuy rằng xác nhận chưa tiến hành điều tra luận tội ông Trump, nhưng bà Pelosi cho rằng một cuộc bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện là điều không cần thiết để có thể bắt đầu tiến trình điều tra luận tội Tổng thống. Có nghĩa là đảng Dân chủ (phe bà Pelosi) bác bỏ yêu cầu của đảng Cộng hòa (phe ông Trump) rằng Hạ viện phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu chính thức để cho phép tiến hành cuộc điều tra luận tội. Điều đó đồng nghĩa với việc trì hoãn nhưng không phải là không “tái khởi động” tiến trình luận tội Tổng thống.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff khẳng định “Hiến pháp Mỹ qui định rất rõ ràng rằng một cuộc bỏ phiếu sơ bộ (để điều tra luận tội Tổng thống) là không nằm trong qui định”. Như vậy tuyên bố của giới nghị sĩ Cộng hòa và Nhà Trắng cho rằng nỗ lực luận tội Tổng thống Trump là bước đi bất hợp pháp nhằm làm suy yếu Tổng thống, ít nhiều đã khiến phe Dân chủ lưỡng lự. Trước đó, ngày 8/10, Nhà Trắng đã gửi bức thư dài 8 trang tới Chủ tịch Hạ viện cho biết sẽ không có bất kì sự phối hợp nào từ chính quyền Tổng thống đối với cuộc điều tra luận tội. Bức thư cũng kêu gọi phe Dân chủ từ bỏ toàn bộ tiến trình luận tội và “hãy cùng Tổng thống tập trung vào nhiều mục tiêu quan trọng có liên quan đến người dân Mỹ”.

Ngay sau khi nhận được bức thư của Nhà Trắng, trong tuyên bố cùng ngày 8/10, bà Pelosi đã tuyên bố bức thư đó “là hoàn toàn sai trái và là một hành động trái luật nữa nhằm che giấu sự thật chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực với bên ngoài để can thiệp cuộc bầu cử năm 2020”.

Một ngày sau, ngày 9/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Tổng thống có hợp tác với đảng Dân chủ trong cuộc điều tra luận tội nếu Hạ viện do đảng này kiểm soát thông qua kiến nghị luận tội, ông Trump lại cho biết sẽ hợp tác với điều kiện “họ (đảng Dân chủ) đảm bảo các quyền của chúng tôi”.

Luận tội Tổng thống Mỹ dễ hay khó?

Thời gian qua, chính trường Mỹ dậy sóng khi Hạ viện Mỹ thông báo tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump liên quan đến cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski. Cuộc điện đàm này được thực hiện sau khi ông Trump quyết định đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine. Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng tiền đóng thuế phục vụ mục đích chính trị cá nhân, và lợi dụng sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, muốn luận tội một Tổng thống là không hề đơn giản. Theo Doug Collins- thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Tư pháp Mỹ, một cuộc điều tra luận tội Tổng thống “chỉ nên” bắt đầu sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua. Nếu Hạ viện chấp thuận (hơn 50% số phiếu ủng hộ) đưa ra các điểm luận tội nhằm vào Tổng thống, nó sẽ được chuyển lên Thượng viện, nơi tổ chức một phiên tòa để xác định tội danh của Tổng thống. Nếu muốn kết tội và phế truất Tổng thống, quyết định trên phải nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện. Thượng viện Mỹ hiện có 53 thành viên đảng Cộng hòa, 45 thành viên đảng Dân chủ và 2 thành viên độc lập có xu hướng về phe Dân chủ. Việc kết tội và phế truất Tổng thống cần nhận được 67 phiếu ủng hộ. Vậy nên, để phế truất Tổng thống Trump thông qua luận tội cần ít nhất 20 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và tất cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn 2 Thượng nghị sĩ độc lập bỏ phiếu chống lại ông.

Đến nay, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị phế truất sau một cuộc luận tội. Ông Richard Nixon từng bị luận tội nhưng đã từ chức trước đó, vào năm 1974. Ông Andrew Johnson năm 1868 bị Hạ viện luận tội nhưng không bị kết tội tại Thượng viện.

Thế Tuấn (theo Reuters, Fox New)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/lui-tien-trinh-luan-toi-ong-donald-trump-tintuc449996