Lùi xa để yêu quê hương hơn

Không hẹn mà gặp, nhiều người viết đã chọn điểm nhìn từ nơi mình đang sống ở nước ngoài để viết về quê hương xứ sở. Có lẽ, độ lùi xa nhất định đã cho họ những thấu cảm và cả những nỗi nhớ nhung để viết một cách thấu đáo hơn về nơi mình chôn nhau cắt rốn.

Nhà văn Quỳnh Lê.

Góp vào dòng chảy chung

Khoảng chục năm trở lại đây, tác phẩm của nhà văn ở hải ngoại đang góp những dòng chảy khá mạnh mẽ và bền bỉ, hòa vào con sông văn học, con sông xuất bản chung của cả nước. Không khó để gọi ra những cái tên như Thuận, Hiệu Constant, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Minh Hà, Quỳnh Lê, Mai Lâm, Kiều Bích Hương…

Những cuốn sách của họ, có khi là tiểu thuyết, khi là tập truyện ngắn, khi là tản văn, tạp văn, cũng có những cuốn thuộc thể loại du kí, nuôi dạy con, tác phẩm dịch nhưng đều mang đến những cái nhìn và văn phong khác lạ.

Có thể kể đến “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng; “China town”, “Vân Vy”, “T mất tích”, “Thang máy Sài Gòn”, “Thư gửi Mina”… của Thuận, “Quyên”, “Phố cũ” của Nguyễn Văn Thọ, “Làm dâu nước Pháp”, “Hẹn gặp lại” của Hiệu Constant, “Vợ Đông chồng Tây”, “Đàn bà yêu thành phố” của Kiều Bích Hương, “Từ xa Hà Nội”, “Xa rồi ngày xanh”, “Chỉ còn tuyết trắng” của Mai Lâm, “Phố vẫn gió”, “Còn nhớ nhau không”, “Những gặp gỡ không ngờ”, “Thương thế ngày xưa” của Lê Minh Hà; “Quê hương bé nhỏ”, “Kinshasa không niềm hân hoan dưới mặt trời rực rỡ” của Quỳnh Lê…

Thương thế ngày xưa

Đây là tên một tập sách của nhà văn Lê Minh Hà - một trong số những nhà văn đều đặn gửi gắm tới độc giả những tác phẩm mới của mình trong những năm gần đây. Trung tuần tháng 7 vừa rồi bà cũng vừa trở về Hà Nội với cuộc giao lưu, tọa đàm về cuốn sách “Tháng ngày ê a” (NXB Kim Đồng) của mình.

Nhiều năm nay, Lê Minh Hà đã định cư ở Đức. Trước khi rời Hà Nội, bà có nhiều năm tháng đứng trên bục giảng. Đã thôi không còn “dạy dỗ” ai, nhưng Lê Minh Hà vẫn khiến độc giả yêu văn chương nhớ đến một giọng riêng, khó lẫn. Giọng văn của những nhớ nhớ, thương thương, mà nói như nhà phê bình Mai Anh Tuấn trong buồi book talk vừa rồi, đó là những trang mang tới cho người đọc sự “hoài thương”. Bà thương người, thương mình, thương cả những năm tháng đã đi qua và những năm tháng đang sống. Bà nhớ chuyện mình, nhớ chuyện người, nhớ chi li chuyện cả một thời.

Dù “không muốn tự dát mỏng mình” trên những trang viết, nhưng “Tháng ngày ê a” cho người đọc thấy một Lê Minh Hà với những năm tháng tuổi thơ sơ tán ở vùng quê nghèo ven sông Đáy, đi qua những ngày tháng trên ghế nhà trường nhiều với một thể trạng yếu ớt, đặc biệt, những năm tháng thời bao cấp hiện ra với những ám ảnh đặc biệt trong văn Lê Minh Hà…

Qua những trang viết giàu cảm xúc, chan chứa nỗi niềm với người, với đất, như nhà văn Đỗ Phấn bảo, đó là những “câu chuyện nhỏ được kể một cách nhuần nhị và duyên dáng hết sức tự nhiên”, Lê Minh Hà cuốn người đọc vào những kỉ niệm tuổi thơ, tuổi trẻ của mình, những câu chuyện “bập bênh giữa buồn giữa vui, giữa khổ và sướng, giữa không thích và thích” của nghề giáo…

“Thương thế ngày xưa” dường như cũng là cảm hứng chung của khá nhiều nhà văn khi viết về quê hương của mình. Ở khoảng cách địa lý nhất định với thời gian xa cách nhất định, họ ít nhiều có sự so sánh giữa nơi mình đang sống và cố hương. Lùi xa để so sánh, để nhận diện sắc nét hơn những điều được và chưa được nhưng không vì thế mà họ phán xét hay cay nghiệt. Tất cả đều được viết bằng nỗi niềm trăn trở, như là một sự nhắc nhớ cho mình kí ức đã qua, như là một cách trò chuyện với chính bản thân và sự chia sẻ với độc giả về thời mình đã sống.

Sinh ra tại Hà Nội, hiện đang sống và dịch sách tự do tại Thụy Sĩ, dường như nỗi nhớ quê nhà luôn hiện hữu trong tâm hồn Quỳnh Lê. Quê hương, xứ sở, đất nước là một điều rất đỗi thiêng liêng, thường trực trong trái tim chị. Chính vì thế, những cuốn sách chị viết hay dịch đều có bóng dáng “những quê hương bé nhỏ” của mình, của nhân vật, của những đứa con của mình. Từ bản dịch “Quê hương bé nhỏ”, hay cuốn “Pho Mát và Đậu Bắp làm trẻ con ở Thụy Sỹ”, “San San chân to đi dép xốp” đều ẩn giấu trong đó những tâm sự của chị.

Đúng như Quỳnh Lê tâm sự trong buổi giao lưu mới đây do NXB Trẻ tổ chức tại Hà Nội: “Quê hương bé nhỏ” là hành trình tìm về tuổi thơ và các kí ức đau thương bởi các cuộc xung đột đẫm máu ở Burundi và Guanda những năm 1994. Và đây cũng là câu chuyện của người xa xứ luôn nuôi trong lòng nỗi nhớ cố hương. Tôi có cảm giác là mình cũng “đồng bệnh tương liên” với tác giả. Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình hình bóng của một quê hương. Đó là nguồn gốc nuôi dưỡng tâm hồn chúng và là nơi chúng luôn hướng về”.

Từ trái sang: Nhà văn Lê Minh Hà, nhà văn Thuận trong buổi trò chuyện văn chương tại Hà Nội.

Những cuộc trở về

Hầu hết những người viết theo lối chiêm nghiệm này đều đã có tuổi đời nhất định. Nên nếu họ có viết về thời gian khó, thiếu thốn của chiến tranh hay bao cấp cũng là điều dễ hiểu. Và trong những trang viết ấy, nếu có một chút phê phán, một vài tiếng thở dài cũng là điều dễ hiểu. Đó là sự thật của Việt Nam một thời. Khi ta nhìn thẳng vào những mặt còn chưa được ấy, ta sẽ thấy quý giá, trân trọng biết bao những gì mình đang có, những đổi thay như ngày nay.

Gần 100 tản văn của Mai Lâm trong ba tập sách được nhắc đến ở trên là sự lưu luyến day dứt của người thương nhớ Hà Nội khôn nguôi, với những hồi ức về nơi xa lắm và thời xa lắm mà ngay cả người Hà Nội nay cũng không biết hoặc không còn nhớ đến nữa. Trong mỗi câu chữ ấy luôn thấp thoáng nỗi buồn của kẻ thấy nơi đâu cũng chẳng phải hoàn toàn là của mình, dù xứ người hay quê nhà.

Các tản văn về cái thú ăn chơi cũng là một mảng thú vị trong bộ ba tác phẩm của Mai Lâm. Chúng gợi nhớ không khí lãng tử, sành điệu một thời của trai Hà Nội. Nghề chơi cũng lắm công phu, từ thời Nguyễn Tuân đã thế. Qua các tản văn “Những giấc mơ đề”, “Khổ vì chơi”, “Thú chơi đồng hồ cổ”, “Quý vật tầm quý nhân”, “Thuê đồ chơi”…, độc giả đôi phần kinh ngạc rằng vì sao chơi thôi mà cũng phải nhọc thế, dụng công thế.

Còn rất nhiều tác giả, tác phẩm nữa. Thế giới đã phẳng, việc đi lại đã rất dễ dàng nhưng không phải một sớm một chiều là đã thấy quê hương trước mắt. Viết, với họ dường như là những cuộc trở về Việt Nam trong tâm tưởng. Và những cuộc trở về ấy càng gần với hiện thực hơn bởi những tác phẩm đã cấp những “tấm vé thông hành” để tác giả tiếp cận với độc giả của mình.

Nhiều năm qua, thông qua những buổi giao lưu, ra mắt sách, các nhà văn hải ngoại đã “trở về” theo cách ấy. Và cũng với cách ấy, họ như được sống cả ở hai nơi với những đời sống rất bộn bề nhưng cũng đầy thương mến.

Ngọc Hân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kieu-bao/lui-xa-de-yeu-que-huong-hon-tintuc411292