Lùm xùm chuyện trao giải cho tác phẩm cũ nhan đề mới

Mặc dù theo Thể lệ cuộc thi 'tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới sáng tác, chưa sử dụng với bất cứ hình thức nào', nhưng chẳng hiểu sao mà Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác bài ca cổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2019 lại trao giải Nhì cho tác phẩm 'Ông già Hỏa Lựu' trong khi tác phẩm này đã được công bố cách đây 6 năm với nhan đề 'Tấm hình ngày cưới'.

"Tác phẩm mới" được công bố rộng rãi từ năm 2014

Ngày 18/12/2019, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tiền Giang (đơn vị đăng cai) đã tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca cổ ĐBSCL 2019 và trao giải cho 15 tác phẩm xuất sắc nhất từ 441 tác phẩm của 146 tác giả tham gia. Tác phẩm "Cầu mới phà xưa" tác giả Hoàng Chương (tỉnh Long An) đạt giải Nhất. Hai giải Nhì thuộc về tác phẩm "Ông già Hỏa Lựu" của tác giả Phạm Nam Nhi (tỉnh Kiên Giang) và tác phẩm "Tình em với biển" của tác giả Trần Thị Kim Hằng (tỉnh An Giang). Ban Tổ chức cũng đã trao 3 giải Ba, 9 giải Khuyến khích cho các tác giả.

 Tác phẩm “Ông già Hỏa Lựu” đạt giải Nhì

Tác phẩm “Ông già Hỏa Lựu” đạt giải Nhì

Tuy nhiên, sau đó dư luận lại xôn xao khi cho rằng tác phẩm “Ông già Hỏa Lựu” – tác phẩm đạt giải Nhì - vi phạm thể lệ cuộc thi do Ban Tổ chức đưa ra. Cụ thể, theo quy định, “tác phẩm dự thi phải là tác phẩm mới sáng tác, chưa sử dụng với bất cứ hình thức nào”. Điều đáng nói là tác phẩm “Tấm hình ngày cưới” được công bố rộng rãi trên mạng vào năm 2014 có nội dung y hệt tác phẩm đoạt giải, chỉ khác nhan đề.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều đoạn video clip các nghệ sĩ Vũ Thành và Thu Vân trình bày tác phẩm “Tấm hình ngày cưới” của tác giả Nam Nhi đã được đăng tải trên kênh Youtube từ 13/6/2014.

Tác phẩm này đã được các nghệ sĩ trình bày trước đó khoảng 6 năm với nhan đề “Tấm hình ngày cưới”

Ban Tổ chức trao giải nhưng "không nắm hết" vì Hội VHNT địa phương thẩm định

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tiền Giang (đơn vị đăng cai) - cho biết, Ban Tổ chức hay Ban Giám khảo cũng không thể nắm hết vì Ban Tổ chức đã thông báo là tất cả các tác phẩm tập trung về Hội VHNT địa phương. “Tức là riêng tác giả Nam Nhi sẽ gửi về Hội VHNT tỉnh Kiên Giang, Hội kiểm tra rồi gửi cho Ban Tổ chức. Ban Tổ chức đâu có tối ngày mà nghe ca cổ rồi nhớ hết, gần 500 bài”, ông Huỳnh Anh lý giải.

Đồng thời, ông cũng xác nhận đã có nghe thông tin này tuy nhiên chưa có cơ sở để xử lý vì không có nhận được phản ánh của tổ chức hay cá nhân nào. “Ban Tổ chức không nắm hết mà giao trách nhiệm này cho Hội VHNT của 13 tỉnh ĐBSCL. Khi anh gửi tác phẩm dự thi thì anh chịu trách nhiệm. Ở đây chỉ loại những cái không đúng như chủ đề hay thể loại quy định, còn cái sử dụng hay chưa sử dụng thì ở đây vô phương”, Chủ tịch Hội VHNT Tiền Giang nói.

Theo ông Huỳnh Anh, Hội cũng sẽ liên hệ Hội VHNT Kiên Giang để xác minh xem trước đó có kiểm tra hay không. Nếu Hội VHNT Kiên Giang không kiểm tra thì Hội VHNT Kiên Giang có trách nhiệm là thu hồi giải thưởng. “Nói chung bài này cũng hay, đánh giá cao, không ai phản ánh gì về chất lượng. Bài này cũng xứng đáng được giải nhì nhưng bài này nếu đã hát đã phát trên mạng hay trên đài thì không được” - ông Huỳnh Anh nói.

Truyện ngắn gần 25.000 chữ!

Ngày 26/12/2019, Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp (đơn vị đăng cai) đã tổ chức tổng kết trao giải Cuộc thi sáng tác truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2019. Cuộc thi có 114 truyện ngắn của 84 tác giả ở 13 tỉnh, thành phố trong khu vực tham dự. Kết quả truyện ngắn “Căn cơ” của một tác giả đang sinh sống tại Đồng Tháp đoạt giải nhất. Điều đáng nói là dung lượng của tác phẩm này gấp 5 -7 lần một truyện ngắn thông thường, tới gần 25.000 chữ. Đáng buồn cười hơn khi tuyển tập truyện ngắn từ cuộc thi được phát hành, thì “Căn cơ” chiếm gần phân nửa quyển sách.

Đình Thương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/lum-xum-chuyen-trao-giai-cho-tac-pham-cu-nhan-de-moi-495204.html