Lúng túng 'thu phí vào chùa'

Những tranh cãi gay gắt quanh việc thu phí tham quan tại cụm di tích Yên Tử (Quảng Ninh) đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cách quản lý, khai thác hàng loạt khu danh thắng có yếu tố tâm linh trên toàn quốc.

Ai cũng có lý

Cụ thể, từ mùa lễ hội Xuân 2018, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thu phí đối với du khách tới “danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử”. Theo đó, khách sẽ phải nộp mức phí 40.000 đồng (20.000 đồng với trẻ em) để có thể tham quan cụm di tích này.

Như chia sẻ của địa phương, từ nhiều năm nay, Quảng Ninh đã phải dùng ngân sách nhà nước để “nuôi” bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, đồng thời trích ra những khoản chi khá lớn vào việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và bảo vệ khu di tích này. Việc thu phí sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách với những khoản chi trên.

Dù lượng khách đến Yên Tử trong những ngày qua không hề giảm (gần 300.000 người), luồng ý kiến phản đối việc bán vé tại đây đang nổi lên khá gay gắt. Mức vé này được cho là khá cao so với những di tích khác, chưa kể việc phần lớn du khách vẫn phải bỏ ra thêm từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng để sử dụng các dịch vụ cáp treo, xe điện nhằm tránh phải đi bộ lên và xuống Yên Tử (mất khoảng sáu tiếng đồng hồ).

Thế nhưng, điều gây bức xúc nhất trong vấn đề này nằm ở câu hỏi: Tại sao, người đi lễ chùa tại Yên Tử lại phải trả tiền để được… bước vào cửa Phật? Một số nhà quản lý văn hóa đã trả lời câu hỏi này bằng việc trích dẫn các quy định pháp luật hiện hành. Và thực tế, nếu xét theo chương V, mục 2 của Luật Di sản văn hóa, việc thu phí tại Di tích Quốc gia đặc biệt này là hợp lý.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản đồ của cụm di tích - danh thắng rộng hơn 9.000 héc-ta này, người ta sẽ nhận thấy sự xuất hiện của cả chục điểm di tích liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm như chùa Suối Tắm, chùa Giải Oan, am Dược, chùa Hoa Yên, Tháp Tổ, chùa Đồng…. Tất cả được bao trọn bởi Rừng Quốc gia Yên Tử - nơi có hơn 900 loài thực vật và hơn 200 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ.

Và như vậy, trên lý thuyết, thành phần đến tham quan Yên Tử rất khác nhau. Có người là phật tử, đến để đáp ứng nhu cầu tôn giáo. Và cũng có những người chỉ là một công dân bình thường, tới đây để chiêm ngưỡng giá trị Phật giáo, chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh. Bởi thế, khi danh thắng “hòa lẫn” cùng những điểm di tích liên quan tới tín ngưỡng như vậy, có thể hiểu được bức xúc của những người đặt nặng nguyện vọng đến chùa nhưng lại phải mua vé tham quan cho “cả cụm”.

Giải pháp nào?

Thực tế, đã có những ý kiến cho rằng Ban tổ chức cần có sự tách bạch giữa những điểm hành lễ (liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm) và khu vực danh thắng Yên Tử, để từ đó không thu phí tại những nơi có yếu tố tâm linh. Nhưng, nhìn vào sự phân bổ các điểm di tích, cũng như kết cấu thực tế của cả quần thể, ý tưởng này không thể thực hiện.

Bởi, do đặc điểm phát triển trong lịch sử, rất nhiều kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nằm trong thắng cảnh, hoặc thậm chí được xây dựng nương theo cảnh quan tự nhiên đã có từ trước. Quần thể chùa Hương - nơi cũng áp dụng thu phí tham quan với mức vé 80.000 đồng/người - là một thí dụ.

Ở một góc độ khác, nhiều di tích liên quan tới đền, chùa hiện cũng đang được áp dụng thu phí tham quan như chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Quán Thánh. Tại những trường hợp này, bên cạnh việc vẫn đang là nơi thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo, bản thân những kiến trúc đền, chùa ấy cũng có giá trị rất cao về lịch sử, nghệ thuật và trở thành một điểm tham quan đặc biệt với những người không có nhu cầu tín ngưỡng.

Bởi thế, như chia sẻ của nhiều chuyên gia, những câu chuyện như tại Yên Tử nằm ở sự lúng túng giữa nhu cầu “du lịch” và “tâm linh”, cũng như những bất cập giữa quản lý nhà nước và quản lý theo địa bàn.

Xa hơn, thời gian qua, những hoạt động tôn tạo, đầu tư cho di tích này cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ phía nhà chùa (chủ yếu cho các công trình liên quan tới Phật giáo) và kinh phí Nhà nước (cho hạ tầng, đường vào các điểm chùa, Rừng Quốc gia Yên Tử…)... Và, bây giờ, khi tổ chức bán vé theo kiểu “quy về một mối”, thì phía nhà chùa lại có quan điểm rằng khách hành hương tới đây hoàn toàn có thể tùy tâm đóng góp qua khoản tiền công đức và tiền giọt dầu.

Rõ ràng, chỉ khi xây dựng được những mô hình chuẩn về phân cấp quản lý di tích, cũng như có quy chế hợp lý về quản lý tiền công đức - điều mà ngành văn hóa đang nghiên cứu nhiều năm qua - những câu chuyện như tại Yên Tử mới có thể giải quyết tận gốc.

Không nhất thiết phải thu phí tham quan

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, thay vì “bổ đầu” du khách để thu phí tham quan, phía tổ chức chỉ nên bù lại bằng việc thông qua sự liên kết với nhà khai thác để cùng tăng mức giá sử dụng các dịch vụ cáp treo, xe điện. Hiện tại, hầu hết du khách vẫn sử dụng các dịch vụ này, trong khi chỉ một số ít muốn lên Yên Tử bằng đi bộ.

Theo số liệu của thành phố Uông Bí, trong 10 năm kể từ khi bỏ mức phí tham quan (từ 2007 đến 2017), lượng khách tới Yên Tử đã tăng vọt từ 100.000 du khách/năm lên hai triệu du khách/năm.

Không nhất thiết phải thu phí tham quan

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, thay vì “bổ đầu” du khách để thu phí tham quan, phía tổ chức chỉ nên bù lại bằng việc thông qua sự liên kết với nhà khai thác để cùng tăng mức giá sử dụng các dịch vụ cáp treo, xe điện. Hiện tại, hầu hết du khách vẫn sử dụng các dịch vụ này, trong khi chỉ một số ít muốn lên Yên Tử bằng đi bộ.

Theo số liệu của thành phố Uông Bí, trong 10 năm kể từ khi bỏ mức phí tham quan (từ 2007 đến 2017), lượng khách tới Yên Tử đã tăng vọt từ 100.000 du khách/năm lên hai triệu du khách/năm.

Đông Mai

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-van-hoa/item/35755802-lung-tung-%E2%80%9Cthu-phi-vao-chua%E2%80%9D.html