Lương của lao động đã học nghề phải cao hơn lương tối thiểu vùng ít nhất 7%

Theo quy định, mức lương trả cho người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động mới ban hành nêu rõ, mức lương trả cho NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này.

Cụ thể, những người có bằng cấp, chứng chỉ sau đây được xác định là đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Trước hết là chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng (CĐ), chứng chỉ đại học (ĐH) đại cương, bằng ĐH, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định 90-CP ngày 24-11-1993.

Tiếp đó là bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp CĐ, bằng tốt nghiệp ĐH, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục ĐH và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục 1998 và Luật Giáo dục 2005

Ngoài ra, có chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp CĐ nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề.

Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được cấp theo Luật Việc làm; Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp; Bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục ĐH theo quy định tại Luật Giáo dục đại học; Văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài.

Ngoài ra, người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề cũng được xác định là đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Từ ngày 1-1-2020, mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được điều chỉnh tăng. So với năm 2019, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 150 nghìn đến 240 nghìn đồng/tháng.

Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp cụ thể theo bốn vùng.

Thứ nhất, mức 4,420 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 1.

Thứ hai, mức 3,920 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 2.

Thứ ba, mức 3,430 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 3.

Thứ tư, mức 3.070 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng 4.

So với năm 2019, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 150 nghìn/tháng đến 240 nghìn đồng/tháng, tương đương mức tăng từ 5,1% đến 5,7% so với quy định hiện hành.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với lực lượng lao động khoảng 55 triệu người của nước ta, mới có khoảng 24% lao động qua đào tạo. Như vậy, lực lượng lao động chưa có bằng cấp, chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề còn lớn.

Trong khi đó, nước ta có nhu cầu lớn về lao động có kỹ năng. Nhưng điểm bất cập là tâm lý xã hội và đào tạo của hệ thống tập trung vào nhóm lao động ở trình độ đại học. Do đó, cần phải thay đổi dần từ nhận thức của người dân cho đến nhà quản lý, người làm chính sách cũng như đầu tư các nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực này.

XUÂN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42352502-luong-cua-lao-dong-da-hoc-nghe-phai-cao-hon-luong-toi-thieu-vung-it-nhat-7.html