Lương nhà giáo chưa thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư

Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo gửi tới Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Nội vụ về việc thực hiện chính sách tiền lương.

Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Theo báo cáo này, tổng hợp thông tin dựa trên báo cáo của 40/63 tỉnh thành và khảo sát thực tế cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên trong khoảng từ 3 - 10 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thâm niên công tác của GV. Thu nhập của GV tập trung ở 3 mức:

Mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào GV trẻ mới ra trường, do mức lương khởi điểm thấp. So sánh với mức lương tổi thiểu vùng (quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ) cho thấy chưa kể các khoản tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... lương của GV tiểu học/mầm non mới ra trường đang thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (hiện tại 3,75 triệu đồng) và chỉ tương đương mức lương tối thiểu vùng 2 (hiện tại là 3,32 triệu đồng) của người lao động ở các doanh nghiệp.

Mức thu nhập trung bình tập trung vào số GV công tác được khoảng từ 15 - 25 năm. Mức thu nhập cao tập trung ở số GV đã công tác trên 25 năm.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra theo quy định hiện nay, có quá nhiều bậc lương trong một hạng, chẳng hạn công chức, viên chức loại B, loại C có 12 bậc và mỗi bậc tăng hệ số lương 0,2 trên 2 năm làm việc (tương ứng 2,5%/năm) là quá thấp, không đủ bù đắp chênh lệch giá thị trường. Do các bậc lương tăng lên ở mức cố định nên càng tăng lên thì tỷ lệ phần trăm lương được tăng so với hệ số lương càng nhỏ... Thang bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư khóa 8 và Nghị quyết số 29/NQ/TW, đó là lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Tuyết Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/luong-nha-giao-chua-the-hien-dung-tinh-than-cua-nghi-quyet-tu-896507.html