'Lương'-từ khóa rất quan trọng

Với người lao động (NLĐ); cán bộ, viên chức Nhà nước; người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân và cả những ai đã về hưu đều không thể không quan tâm đến lương. Đồng tiền liền khúc ruột, lương xứng đáng được gắn với câu thành ngữ quá quen thuộc này.

Rõ ràng lương là tiêu chí số một để đánh giá trình độ chuyên môn, tay nghề, sự cống hiến của mỗi thành viên trong xã hội. Khi đồng lương bảo đảm được cho mỗi người, mỗi gia đình no ấm thì chắc chắn xã hội sẽ bớt đi rất nhiều những tiêu cực. Lương, không chỉ mang trong nó yếu tố kinh tế đơn thuần mà theo tôi còn có tính nhân văn. Một cấu trúc lương hợp lý sẽ là cơ sở để thực hiện công bằng xã hội, trước hết đối với NLĐ. Công sức, trí tuệ NLĐ sẽ được bù đắp đúng mức, từ đó tạo dựng niềm tin, hứng khởi cho họ làm tốt hơn công việc của mình. Một xã hội văn minh mặc nhiên phải như thế, NLĐ được sống đủ, sống tốt với đồng lương chân chính của mình.

Hiện nay, lương của nhiều NLĐ chưa đủ để họ và gia đình có cuộc sống ổn định. Từ cái ăn, cái mặc, cái ở đến chuyện con cái học hành, chữa bệnh... đều là những bài toán khó giải. Lương thấp, lương ít như chiếc chăn hẹp, không đủ đắp cho mọi chi tiêu, kín phía này thì hở phía khác, thật đau đầu khi định liệu, lo toan. Rõ ràng, không ít NLĐ chưa sống được bằng lương và phải làm thêm những công việc khác để bù đắp cho chi phí, sinh hoạt hằng ngày, trong đó có cả những công việc mà pháp luật nghiêm cấm. Và, cái từ sống cũng nên hiểu theo nhiều cấp độ; sống sung túc đủ đầy, sống thiếu thốn, thậm chí có người sống tạm bợ, có hôm nay không biết ngày mai.

NLĐ hy vọng vào tiến trình cải cách tiền lương của Nhà nước sẽ làm cho cuộc sống của họ ngày một tươi sáng thêm. Chưa kỳ vọng cuộc sống chan hòa ánh nắng nhưng mỗi điểm mốc trên hành trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 cũng làm cho NLĐ vui theo kiểu được nụ mừng nụ, được hoa mừng hoa. Diễn đạt theo kiểu bình dân là thêm đồng nào hay đồng ấy. Vẫn biết việc tăng lương cơ sở sắp tới là cần thiết nhưng nó sẽ làm cho việc thực hiện chủ trương giảm chi thường xuyên của Nhà nước gặp khó khăn. Việc tăng mức lương tối thiểu theo vùng trong các doanh nghiệp cũng sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Để cân đối, bù đắp, tiết kiệm chi tiêu công, tinh giản biên chế không còn là chuyện trên giấy tờ mà nó đã và phải đi vào cuộc sống như những vấn đề cấp bách. Không ráo riết tiết kiệm chi tiêu, không quyết liệt tinh giản biên chế chắc chắn gánh nợ công ngày càng trĩu nặng hơn.

Đồng lương không phải từ trên trời rơi xuống, dưới đất mọc lên, muốn là có, thích là được, mà nó phải dựa trên nền tảng sản xuất phát triển, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và có mặt đàng hoàng ở các quốc gia khác, kể cả những thị trường vốn nổi tiếng khó tính. Những sản phẩm làm ra từ Việt Nam kiêu hãnh có mặt và ngày càng quen thuộc với người tiêu dùng ở các nước có thu nhập cao trên hành tinh này chẳng phải là mơ ước lâu nay của chúng ta đó sao. Vì thế, mới nói rằng, việc tăng lương, hoàn thiện chế độ tiền lương không chỉ là việc của Nhà nước mà là công cuộc cải cách của toàn dân, trong đó vai trò NLĐ là số một. Có bột mới gột nên hồ. Không phát triển sản xuất hiệu quả, không quản lý xã hội tốt thì đừng nói đến chuyện cải cách tiền lương thành công. Có cái này mới được cái kia, mối quan hệ giữa sản xuất-quản lý-tiền lương là biện chứng. Thiếu hai khâu đầu thì khâu thứ ba: Cải cách tiền lương chắc cũng không đem lại hiệu quả.

Thế đấy, đã là người dân ai cũng quan tâm đến lương. Lương chính là từ khóa rất quan trọng với nhiều người.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/luong-tu-khoa-rat-quan-trong-552878