Lương tư vấn ODA Nhật 700 triệu/tháng: Khác biệt

Khi xem xét hợp đồng vay vốn, Việt Nam có thể thương lượng để đưa thêm nhiều chuyên gia trong nước cùng tham gia thực hiện dự án.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức lương tư vấn quốc tế phía Nhật Bản yêu cầu để lập dự toán các dự án vay vốn ODA tài khóa 2018 khoảng 30.000 USD/tháng/người (+-10%), tức khoảng 700 triệu/người/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp.

Chưa vội bàn đến đến chuyện lương chuyên gia Nhật quá cao hay quá thấp, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đã chia sẻ câu chuyện mà họ từng trải qua khi tham gia các dự án ODA để thấy sự khác biệt giữa mức lương của chuyên gia Việt Nam với chuyên gia tư vấn quốc tế.

GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT kể, khi ông đi làm dự án, mức lương được nhận có khi chỉ được từ vài trăm đến hơn 1.000 USD, nhưng chuyên gia quốc tế thì được hàng chục ngàn USD.

"Khi đi vay, vấn đề lương chuyên gia tham gia dự án là do phía Việt Nam đàm phán với đối tác nên phải chấp nhận. Bản thân nước cho vay cũng phải tìm cách thu hồi lại vốn, lương quản lý, chuyên gia của họ luôn cao và doanh nghiệp của nước cho vay luôn thắng thầu", GS Cậy nói.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng chia sẻ, trước đây, khi ông tham gia một số dự án của WB, họ mời chuyên gia Mỹ, Canada sang Việt Nam.

Ngoài tiền vé máy bay được chi trả, mỗi ngày ngồi trên máy bay, các chuyên gia ngoại nói trên được 500 USD, chưa kể các chi phí khác. Khi giảng dạy, chuyên gia nước ngoài được trả vài ngàn USD/ngày, trong khi chuyên gia Việt thì "một trời một vực".

"Xác định kỹ năng, chuyên môn thì khó, do phía nước bạn nói với mình, từ đó họ đòi hỏi lương cao", ông Thịnh cho biết.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Tuổi trẻ

GS.TS Bùi Xuân Cậy kể thêm, một lần, ông làm việc với một tư vấn trưởng người Nhật về đường tránh Cửa Ông. Sau khi đi hiện trường về hướng tuyến, vị tư vấn trưởng thật thà cho biết: Tôi học về xã hội, nên về cầu đường không biết, các ông quyết thế nào thì tôi nghe vậy.

"Thôi thì chúng ta nghèo đi vay thì phải chịu vậy, biết làm sao?!", GS.TS Bùi Xuân Cậy cảm thán.

Các vị chuyên gia cho hay, Việt Nam đã có quy định về mức lương tối đa dành cho chuyên gia tư vấn trong nước khi tham gia các dự án sử dụng vốn nhà nước, tuy nhiên, việc xây dựng định mức lương tư vấn quốc tế lại chưa được chú ý. Chính vì thế, mức lương tư vấn quốc tế thường cao hơn rất nhiều so với lương chuyên gia trong nước.

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi bỏ vốn đầu tư, giữa nước cho vay vốn và nước nhận vốn vay thường có thỏa thuận: bên nhận vốn vay đồng thời phải chấp nhận một số điều kiện của bên cho vay về lao động, tiền lương, máy móc, thiết bị... qua đó, nước cho vay thu về một phần những gì họ đầu tư ra.

"Tiền lương không phải chỉ phản ánh mối quan hệ kinh tế đơn thuần mà là sự thỏa thuận, mặc cả giữa hai bên. Từ sự mặc cả ấy, có người mua sức lao động đắt hơn, có người mua rẻ hơn.

Lương chuyên gia tư vấn quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong vốn đầu tư. Vốn đầu tư đi kèm với công nghệ và một số yếu tố khác đem lại cái lợi lớn hơn nhiều", PGS.TS Lê Cao Đoàn nói.

Dù vậy, để tránh phải nhận những điều kiện quá bất lợi, vị chuyên gia lưu ý, người đi đàm phán vay tiền cần thẳng thắn thương lượng sao cho thỏa đáng, vừa đảm bảo quy định của Việt Nam, vừa đảm bảo quy định của phía đối tác.

Người đàm phán phải có hiểu biết rộng, tìm hiểu mức lương của chuyên gia tư vấn nước ngoài, trong trường hợp này là chuyên gia Nhật Bản, khi tham gia các dự án ODA với các nước xung quanh như Thái Lan, Philippines, Lào... như thế nào, từ đó, có sự so sánh, đối chiếu để không bị ép.

"Đặc biệt, khi xem xét các hợp đồng vay vốn, Việt Nam cần thương lượng để dự án sử dụng nguồn lực của hai bên, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt, chuyên gia Việt. Qua sự tham gia ấy, doanh nghiệp, chuyên gia của Việt Nam sẽ học hỏi và tiếp nhận được công nghệ, phương pháp làm việc, quản lý của nước bạn. Đó mới là cái lãi lớn của Việt Nam", ông Đoàn gợi ý.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị đại diện cho Nhật Bản trong việc hợp tác, phát triển ODA, cho rằng, mức tiền lương cho tư vấn được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu, do đó, nó không phải là một đơn giá cố định. Hơn nữa, trong quá trình tham vấn, JICA cũng thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá này với các định mức chi phí của Việt Nam.

Theo giải thích của JICA, “mức lương thực tế hàng tháng sẽ được xác định dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi đưa ra các hướng dẫn về đơn giá nhằm ước tính chi phí, nhưng đơn giá này cũng không thể nằm ngoài phạm vi cho phép và phía Việt Nam cũng như JICA luôn xem xét cẩn thận đơn giá này trong thời gian thẩm định”.

JICA cũng đồng ý với ý tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia của các chuyên gia tư vấn địa phương trong các dự án ODA ở Việt Nam.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/luong-tu-van-oda-nhat-700-trieuthang-khac-biet-3367911/