Lupus ban đỏ ảnh hưởng đến thai phụ và trẻ sơ sinh như thế nào?

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, thai phụ vẫn có thể đảm bảo sức khỏe tốt nếu được chăm sóc y tế hiệu quả.

 Lupus ban đỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Ảnh: Shutterstock.

Lupus ban đỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Ảnh: Shutterstock.

Healthnews thông tin hầu hết phụ nữ bị bệnh lupus ban đỏ đều an toàn khi mang thai. Họ cần thăm khám bác sĩ kỹ lưỡng trước khi thụ thai để giảm nguy cơ biến chứng.

Nguy cơ này có thể giảm thiểu nếu bệnh lupus đã được kiểm soát hoặc thuyên giảm ít nhất 6 tháng trước khi mang thai. Ngoài ra, thai phụ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc uống thuốc trước và trong khi mang thai để kiểm soát các triệu chứng.

Dưới đây là những nguy cơ biến chứng của bệnh lupus đối với thai phụ.

Tiền sản giật

Phụ nữ mang thai bị lupus ban đỏ có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn bình thường. Cụ thể, có tới 15-30% phụ nữ mắc bệnh lupus sẽ bị tiền sản giật so với tỷ lệ dưới 5% ở phụ nữ khỏe mạnh. Ngoài ra, viêm thận lupus hoặc biến chứng thận do lupus cũng là những yếu tố mang rủi ro đáng kể gây ra tiền sản giật.

Sảy thai

Phụ nữ bị bệnh lupus được kiểm soát tốt hoặc thuyên giảm chỉ có nguy cơ sảy thai cao hơn một chút so với những phụ nữ khác. Nhìn chung nguy cơ này phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.

Sinh non

Thai phụ mắc bệnh lupus có nguy cơ sinh non cao hơn do các vấn đề sức khỏe như biến chứng lupus hoặc tiền sản giật có thể dẫn đến sinh sớm.

Nguy cơ biến chứng của bệnh lupus đối với trẻ sơ sinh

Hầu hết trẻ được sinh ra từ những người mẹ kiểm soát tốt bệnh lupus đều sẽ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số biến chứng nguy hiểm vẫn có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh.

Thai phụ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị lupus. Ảnh: Lancaster General Health.

Tăng kháng thể

Nếu người mẹ có một số kháng thể liên quan đến bệnh lupus, nguy cơ ảnh hưởng đến em bé cũng sẽ tăng theo. Cụ thể, kháng thể kháng Ro/SSA hoặc kháng thể kháng La/SSB có thể gây ra các vấn đề cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả người mẹ bị lupus sẽ có các kháng thể này. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu trong thời kỳ mang thai và theo dõi chặt chẽ em bé để phát hiện các biến chứng nếu có.

Lupus sơ sinh

Lupus sơ sinh là một tình trạng phát sinh khi nhau thai truyền kháng thể lupus cho em bé. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ một tỷ lệ nhỏ (2-3%) trẻ sinh ra từ những người mẹ có các kháng thể đó sẽ bị ảnh hưởng.

Lupus sơ sinh có thể khiến trẻ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh lupus chẳng hạn như phát ban hoặc công thức máu bất thường. Dấu hiệu và triệu chứng cũng phát triển trong 2-3 tháng đầu đời.

Block tim bẩm sinh

Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lupus sơ sinh là block tim bẩm sinh. Các kháng thể tự miễn truyền qua nhau thai khiến trẻ sơ sinh có nhịp tim thấp bất thường. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và em bé sẽ cần được chăm sóc y tế sau sinh. Mặc dù nguy cơ rất thấp nếu người mẹ không có các kháng thể này, nhịp tim của thai nhi vẫn cần được theo dõi chặt chẽ khi người mẹ mắc bệnh lupus.

Các bác sĩ khuyên người mẹ có kháng thể nguy cơ cao nên theo dõi trẻ sơ sinh trong 6-8 tuần đầu đời. Sau đó, các kháng thể sẽ rời khỏi cơ thể của em bé.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lupus-ban-do-anh-huong-den-thai-phu-va-tre-so-sinh-nhu-the-nao-post1432766.html