Lụt lội gây thiệt hại nặng ở miền Trung

Tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên liên tiếp trong mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã làm ngã đổ và ngập úng trên 1.000ha lúa hè thu ở 2 huyện Mộ Đức và Sơn Tịnh, hư hại trên 350ha rau màu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tại Quảng Ngãi Áp thấp nhiệt đới đã gây ra giông sét làm 5 người dân ở thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh bị thương. Lốc xoáy ở xã Long Sơn, huyện Minh Long làm sập và tốc mái 76 căn nhà. Đặc biệt, áp thấp nhiệt đới đã làm chìm 3 tàu cá của ngư dân gồm tàu QNg 95328 TS, công suất 72 mã lực của ông Trần Dần, ở xã Bình Thuận; tàu QNg 98837, công suất 380 mã lực của ông Phan Văn Thái, ở xã Bình Hải; tàu QNg 5850, công suất 39 mã lực của ông Trương Văn Đức. Riêng tàu QNg 50791, công suất 39 mã lực của ông Trịnh Thanh Đào, ở xã Bình Hải trên thuyền có 2 lao động trên đường chạy về cửa Sa Cần núp gió thì bị mất tích đến nay vẫn không liên lạc được. Cán bộ và nhân dân xã Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị đang ra sức hộ đê. Trường hợp tàu cá QNg 95140 của ông Võ Hải bị hỏng máy ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện đang được các tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi lai dắt vào đất liền. Ngoài ra, áp thấp nhiệt đới cũng đánh chìm và cuốn trôi 2 sà lan hút cát của Công ty Chung Guang khai thác cát tại Cửa Lở, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.023 tàu thuyền, với trên 8.300 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các máy Icom cộng đồng theo dõi và thông báo diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới, thường xuyên duy trì thông tin với các tàu cá trên biển để chủ động phòng tránh. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN huyện Mộ Đức và Sơn Tịnh cũng đang phối hợp với các địa phương cơ sở khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng ở các vùng trũng, nhằm hạn chế thiệt hại lúa hè thu do ngập úng gây ra, hướng dẫn nông dân tập trung thu hoạch các diện tích có nguy cơ ngập úng kéo dài. Ngay sau khi ngớt mưa, ngày 5/9, nông dân các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương ra đồng để vớt lúa. Các dụng cụ phao và ghe, xuồng dùng cho phòng chống lụt bão đã được huy động tối đa để trưng dụng làm phương tiện thu hoạch lúa chạy lũ. Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vụ hè - thu này, tỉnh Quảng Ngãi có trên 30 ngàn hécta lúa đang chín rộ nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 10%. Cũng trong đợt mưa lũ này, 2 ngư dân là Trịnh Thanh Đào (51 tuổi) và Võ Tuấn Thạnh (37 tuổi) - đều ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải đã mất tích 2 ngày qua. Tại Thừa Thiên - Huế Ngày 4/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng 3 đến chiều tối 4/9 tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa vừa đến rất to. Mực nước trên các sông Hương tại Kim Long, sông Bồ tại Phú Ốc đã vượt báo động 3 và 2 là 0,5m. Nước sông dâng cao cộng với mưa lớn đã gây ngập lũ tại nhiều địa phương. Hơn 1.600ha lúa vụ hè - thu của bà con chưa kịp thu hoạch đã bị ngập nước và có nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện và TP Huế, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế chủ động triển khai các biện pháp đối phó với lũ lụt, giúp bà con giảm thiệt hại thấp nhất về số lúa nói trên. Lực lượng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sử dụng thông tin liên lạc và đài canh của đơn vị Hải đội 2 thông báo kêu gọi 187 phương tiện/895 lao động, trong đó có 17 phương tiện/136 lao động ngoài tỉnh đang hoạt động trên biển vào bờ trú ẩn. Đến 9h sáng cùng ngày, toàn bộ số tàu thuyền trên đã vào bờ và tìm được nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, cắt cử lực lượng thường trực 24/24h trên 2 tuyến biên giới và những nơi xung yếu để kịp thời giúp đỡ nhân dân. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sẵn sàng mọi phương án và lực lượng bảo vệ người, tài sản của nhà nước và nhân dân ở các địa phương xảy ra lũ lụt; đặc biệt là tập trung lực lượng sẵn sàng di dời dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Huế đã hướng dẫn và bố trí hơn 600 phương tiện tàu thuyền của dân vạn đò, 120 thuyền ca Huế trên sông Hương vào neo đậu an toàn trên các con sông ở Huế. Chiều 5/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do bất cẩn khi băng qua nước lũ, tối 4/9, cụ Phan Cảnh Sử, 76 tuổi, thôn Phú Lương B, xã Quảng An, huyện Quảng Điền đã bị nước lũ cuốn trôi. 22h cùng ngày, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã Quảng An đã vớt được cụ Sử, tuy nhiên do tuổi cao sức yếu, không có khả năng kháng cự trước thời tiết giá lạnh, cụ Sử đã qua đời. Trước đó, khoảng 10h ngày 4/9, mưa lũ đã cuốn trôi và làm em Nguyễn Văn Rin, 18 tháng tuổi, thôn Triều Sơn Đông, xã Hương Vinh chết đuối. Tại Quảng Trị Từ sáng 3 đến 5/9, mưa lớn liên tục ở Quảng Trị làm cho mực nước trên sông Ô Giang qua vùng Càng của huyện Hải Lăng dâng rất cao; đất ở nhiều đoạn hai bờ sông này đã bị sạt lở nặng. Ông Nguyễn Bé, Chủ nhiệm HTX Hội Kỳ, xã Hải Chánh (Hải Lăng) cho biết, tình trạng này đang đe dọa nghiêm trọng công trình đê bao nội đồng (dài hơn 30km, vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng, qua 12 xã của huyện Hải Lăng) đang thi công... Đê bao nội đồng cũ tại xã Hải Chánh bị vỡ 2 đoạn; 2 cống bê tông nằm trên đê bao này ở xã Hải Hòa cũng bị vỡ; hơn 2km đê bao nội đồng cũ ở các xã Hải Trường, Hải Thành, Hải Thọ bị nước lũ tràn qua cao hơn nửa mét, làm cho gần 2.500ha lúa hè thu của bà con vùng Càng chưa kịp thu hoạch bị ngập lụt hoàn toàn. Học sinh ở vùng ngập lũ, vùng chia cắt do lũ được phép không tham gia khai giảng Sáng 5/9, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng cho biết, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, một số khu dân cư, trường học, đường giao thông ở vùng Càng của huyện bị ngập lũ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã thông báo với lãnh đạo các trường, lãnh đạo chính quyền cơ sở nơi bị ngập lũ thông báo cho phụ huynh học sinh cho con em ở nhà, không đến trường khai giảng; kế hoạch khai giảng năm học mới 2009 - 2010 ở những địa phương này sẽ được lãnh đạo phòng thông báo, hướng dẫn tổ chức khai giảng sau. Do mưa lớn, mực nước sông dâng cao đã gây chia cắt một số khu dân cư và trường học trên địa bàn huyện Đakrông. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở kịp thời thông báo cho phụ huynh học sinh cho phép các em không đến trường khai giảng do mưa lũ nguy hiểm. Chiều 5/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi mưa lũ làm vỡ một số cống tiêu nước và đê bao nội đồng cũ trên địa bàn huyện Hải Lăng, ban đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện cùng với nhân dân tích cực hàn gắn đê bao, khắc phục cống vỡ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về lúa và hoa màu vụ hè thu chưa kịp thu hoạch. Đến 1h ngày 5/9, các lực lượng trên đã cơ bản khắc phục xong hậu quả do mưa lũ gây ra. Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/9/119086.cand