Lưu dấu di sản

Trong câu chuyện hiện tại hướng đến tương lai, Củ Chi luôn là niềm tự hào của người dân TPHCM về những đổi thay, phát triển sau chuỗi ngày bom đạn cày xới và là khát vọng mang tầm vóc di sản thế giới.

Tuổi xuân gửi lòng đất mẹ

Trong hành trình về lại Củ Chi, câu chuyện của một đàn ông đến từ Hà Nội khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Sau những phút thành kính ở Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, chú Trần Chí Kiên (58 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn tần ngần nhìn những dòng tên liệt sĩ được khắc trên vách đền.

Chú Kiên xúc động: “Lần nào vào, tôi cũng thấy thành phố đổi mới thêm một chút, đẹp hơn một chút. Được đưa đi tham quan nhiều chỗ, nhưng tôi vẫn muốn đến địa đạo và Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, dù đã đến hai nơi này nhiều lần”. Lý do để chú Kiên nặng lòng với địa đạo cũng bởi: “Tôi là con bộ đội!”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chú nghẹn lại trong vài phút, dòng xúc động lăn dài trên gương mặt chú khi kể về bố mình…

“Bố tôi ngày trước theo đoàn quân giải phóng vào đây, ông chiến đấu và hy sinh ở Củ Chi năm Mậu Thân 1968. Tôi tìm về đây như cách để tưởng nhớ đến bố tôi, để gần với bố hơn”, chú Kiên kể.

Củ Chi những năm tháng hào hùng ấy, có lẽ sách vở và truyền thông đã nhắc đến nhiều. Hậu bối như chúng tôi cũng chỉ hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến qua những bài học lịch sử, những thước phim cũ may mắn còn sót lại. Nhưng điều gì để ngày ấy, những người nông dân bình dị, chân lấm tay bùn có thể ròng rã đào địa đạo suốt 20 năm trường, vừa hoạt động, sinh sống vừa đánh trả những cuộc càn quét của kẻ thù? “Ngày ấy, chúng tôi chỉ mơ ước đơn giản lắm. Hòa bình rồi, lên mặt đất, thảnh thơi ngồi uống trà, nói chuyện chừng một giờ cũng được”, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (Tô Hoài Đức) chia sẻ.

Có lẽ chính tình yêu quê hương, quyết tâm giữ lấy từng tấc đất và sự yên bình của cuộc sống mà lớp thanh niên ngày ấy nhiều người đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân của mình trong lòng đất mẹ Củ Chi. Trên vách đền Bến Dược, rất nhiều liệt sĩ được khắc tên khi tuổi đời chưa chạm ngõ 20. Theo Ban Quản lý di tích Địa đạo Củ Chi, có 44.520 liệt sĩ được lưu danh trong đền, có các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ và trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành khác, chi viện miền Nam đánh giặc.

Giá trị văn hóa phi lịch sử

Đi qua những năm tháng mưa bom bão đạn, vùng đất Củ Chi hôm nay vươn mình phát triển với những xã nông thôn mới, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sản xuất. Hệ thống địa đạo khiến quân thù “kinh hồn bạt vía” năm xưa được đưa vào bảo tồn, tôn tạo và phát triển thành Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi và được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Di tích gồm 2 khu vực: Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng và Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức.

Du khách tham quan Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Du khách tham quan Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tháng 9-2020, UBND TPHCM có công văn gửi Bộ Quốc phòng về việc xin ý kiến chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới. Công văn nêu rõ: Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là một công trình khoa học quân sự còn được bảo tồn tốt. Đó là một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2-3 tầng ăn thông với nhau với chiều dài hơn 200km, được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn, có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ.

Đây là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; là một minh chứng cụ thể về sự sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật, đó là những ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân, với kẻ địch từng đối đầu, những bản tình ca và cả những câu chuyện tình yêu, tình đồng chí, tình quân dân...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI cũng quyết tâm đưa Địa đạo Củ Chi vươn tầm Di sản thế giới. Trong chuyến về lại Củ Chi, chúng tôi cũng đầy niềm tin và khát vọng về hành trình di sản của địa đạo. Bởi từ lâu, quê hương “Đất thép thành đồng” này đã là một dấu son trong lòng người dân thành phố, hào hùng trong quá khứ, phát triển không ngừng ở hiện tại và khát vọng tầm thế giới ở tương lai.

Đang thực hiện video giới thiệu Địa đạo Củ Chi trên kênh vlog của mình ngay địa đạo, chị Lê Tuyết Nhi (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Làm vlog là cách kiếm tiền trong thời buổi công nghệ, nhưng khi đã có kênh riêng, có lượt xem nhất định cũng nên tận dụng nền tảng đó giới thiệu về quê hương mình, chọn những địa điểm có ý nghĩa lịch sử. Lượt xem sẽ không cao bằng nhưng có cái hay riêng, để chúng ta tự hào về truyền thống, lịch sử của thành phố mình sinh sống”.

Có lẽ từ lâu, đối với nhiều người, Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di sản về đường hầm tinh vi để sống và chiến đấu trong thời chiến mà còn là một di sản phi vật thể. Đó là di sản về bàn tay, khối óc sáng tạo và sự kiên trung của những người con anh dũng đã chiến đấu ròng rã suốt 20 năm ngay sát trung tâm đầu não của kẻ thù và rất nhiều người đã gửi lại tuổi xuân trong đường hầm, để làm nên chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Bên cạnh tuyến buýt đường sông số 1, từ quận 1 đi Thủ Đức, Sở GTVT TPHCM, Sở Du lịch TPHCM, tỉnh Bình Dương phối hợp Công ty Greenlines DP mở tuyến tàu du lịch dọc sông Sài Gòn vào tháng 7-2020, đi từ trung tâm thành phố đến vùng “đất thép” Củ Chi. Tuyến khởi đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1), ngang bến Bình Hòa (quận Bình Thạnh), bến Tiamo (tỉnh Bình Dương) và kết thúc ở Bến Đình, Bến Dược sau 2 giờ cho hành trình 78km này. Việc đưa tuyến du lịch đường sông này đi vào hoạt động, đánh dấu bước đột phá của ngành du lịch và giao thông thủy ở TPHCM, khi sau hơn 100 năm mới có tuyến giao thông thủy liền mạch dọc sông Sài Gòn, kết nối trung tâm quận 1 với địa đạo Củ Chi và tỉnh Bình Dương.

ĐỨC TRUNG

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/luu-dau-di-san-713141.html