Lưu giữ văn hóa Mường cho mai sau

Trải theo thời gian, đồng bào dân tộc Mường ở Phú Thọ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, từ những ngôi nhà sàn, trang phục, ẩm thực đến tiếng nói, nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian, công cụ lao động sản xuất... Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Mường có sự đóng góp không nhỏ của những Nghệ nhân dân gian, những người con xứ Mường luôn yêu quý văn hóa Mường.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch giữ nhịp cho điệu Trống đu. (Ảnh chụp khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp)

Sinh ra và lớn lên ở đất Mường Yên Lập, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch, khu Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, trình diễn, truyền dạy điệu múa Trống đu, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Mường.Học múa Trống đu khi mới 14-15 tuổi, đến nay, những động tác múa Trống đu của Nghệ nhân vẫn nhanh nhẹn, uyển chuyển. Ông chia sẻ: Múa Trống đu thường được trình diễn trong những ngày hội hay dịp Tết đến, Xuân về, đây được coi là báu vật cha truyền con nối của đồng bào Mường. Múa Trống đu có nhiều động tác khó, trong đó khó nhất là khi thực hiện lộn trống từ tư thế đứng sang tư thế ngồi rồi chuyển sang tư thế nằm mà phải giữ được thăng bằng và giữ được nhịp trống. Muốn trình diễn điệu Trống đu tốt thì cần có khả năng cảm thụ âm thanh, biết lắng nghe tiết tấu, ngoài ra còn cần có tình yêu nghệ thuật truyền thống, biết tự hào với những di sản văn hóa của ông cha mình. Thấy được giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của dân tộc mình, từ năm 1986, ông Hoạch bắt đầu truyền dạy cho mọi người để cùng gìn giữ điệu Trống đu. Đến nay, đã có hơn 600 người được ông Hoạch hướng dẫn, truyền dạy từ xuất xứ, ý nghĩa đến kỹ năng cơ bản trình diễn múa trống đu. Hơn 50 năm giữ nhịp trống đu, ông Hoạch là một trong ba Nghệ nhân dân tộc Mường ở Phú Thọ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Mong ước lớn nhất của ông Hoạch là truyền dạy cho nhiều người ở trong và ngoài huyện để nhịp Trống đu còn giữ mãi cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng ghi chép lại những điệu Ví, Rang để truyền dạy cho thế hệ trẻ.Đã ngoài 80 tuổi, dấu vết thời gian hiện rõ trên khuôn mặt nhưng giọng hát của Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn vẫn mượt mà, truyền cảm. Với niềm đam mê giữ gìn vốn cổ quý báu của dân tộc, bà Sóng đã tự mày mò, ghi chép lại những lời cổ của điệu hát với mong muốn để giành cho con cháu sau này.Theo Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng, nguồn gốc của các điệu hát Ví, hát Rang này xuất phát từ bộ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường. Các điệu hát Ví, hát Rang có ba làn điệu chính là Rang truyền thuyết (Rang chuyện), Rang ghẹo và hát Ví. Trong đó, hát Rang khó và “kén” người hát hơn hát Ví, vì ca từ của hát Rang phải thành bài, có nội dung phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh của người tham gia. Mấy chục năm gắn bó với làn điệu Ví, Rang, bà Sóng không chỉ nhớ, biểu diễn thuần thục cả trăm câu Rang cổ mà còn tự ứng khẩu, sáng tác hàng trăm bài Rang mới trong suốt mấy chục thập niên. Với vốn ngôn từ phong phú, khả năng ứng tác thiên phú, nhanh nhạy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà cũng có thể nhanh chóng có những câu hát mới phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn đằm thắm, mượt mà. Không chỉ viết nhiều lời Rang ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, về tình đoàn kết giữa các dân tộc, con Lạc, cháu Hồng tụ hội về Đền Hùng, bà Sóng còn truyền dạy hát Ví, Rang cho nhiều người yêu văn hóa Mường ở trong và ngoài huyện. Một đời gắn bó với câu hát Ví, Rang, Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Sóng vẫn luôn mong muốn có thêm nhiều người học và yêu thích làn điệu này, có được một đĩa thu âm đầy đủ các làn điệu để lưu giữ cho con cháu về sau.

Đồng chí Đinh Văn Thành cùng đội văn nghệ xã Tất Thắng biểu diễn điệu Trống đu tại Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh chụp khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp).Đến xứ Mường Thanh Sơn, nhiều người yêu văn hóa Mường biết đến đồng chí Đinh Văn Thành- Bí thư Chi bộ khu 11, xã Tất Thắng với vai trò là người đã giành nhiều năm sưu tầm câu hát, điệu múa của dân tộc Mường để thực hành, truyền dạy cho thế hệ sau. Là người có tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mường, khi còn làm cán bộ văn hóa xã, đồng chí Thành đã đến gặp các vị cao niên trong làng để tìm hiểu, ghi chép lại những lời bài hát, điệu múa để truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mường. Không chỉ trình diễn nhiều điệu múa, bài hát, nhạc cụ của người Mường cổ như: Diễn tấu cồng chiêng, múa Trống đu, hát Ví, đâm đuống, múa Mỡi, Sênh tiền…, đồng chí Thành còn tích cực truyền dạy cho người dân trong khu vực, thành viên các CLB văn hóa dân tộc Mường của các xã, thị trấn và trường học trên địa bàn huyện. Với mong muốn người dân xứ Mường gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà trước hết là tiếng nói của dân tộc mình, thông qua các cuộc họp chi bộ, họp khu dân cư, Bí thư Chi bộ Đinh Văn Thành đã triển khai đến các đảng viên và người dân sử dụng tiếng Mường trong giao tiếp hàng ngày, dạy cho con, cháu mình nói tiếng Mường.Đồng chí Thành chia sẻ: “Là người yêu nghệ thuật của dân tộc Mường, tôi mong muốn gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa của dân tộc mình, nhưng điều đó không thể mình tôi làm được mà cần sự chung sức của cả cộng đồng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước và ngành Văn hóa quan tâm, hỗ trợ trong việc sưu tầm, ghi chép những ca từ, lời hát của dân tộc Mường; ghi âm, ghi hình một cách bài bản, cụ thể những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc, các tài liệu, tư liệu về các hình thức diễn xướng dân gian để lưu giữ, bảo quản lâu dài, tạo thuận lợi trong việc gìn giữ, truyền dạy các loại hình nghệ thuật cho thế hệ trẻ”.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202201/luu-giu-van-hoa-muong-cho-mai-sau-181940