Lưu học sinh quốc tế háo hức ăn tết tại Việt Nam

Không về nước nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều lưu học sinh quốc tế đã có trải nghiệm lần đầu tiên đón giao thừa tại Việt Nam.

628 lưu học sinh Lào ở Trường Đại học Tây Bắc không thể về nước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đó là kỉ niệm khó quên, song cũng là cơ hội để các em hiểu thêm về nét đẹp trong đời sống của người Việt.

Từ nhiều tháng trước, Súc Sạ Vẳn Lao Ly, vinh viên K59, Đại học Giáo dục Chính trị, Khoa cơ sở, trường Đại học Tây Bắc đã hứa hẹn với bố mẹ tranh thủ đợt nghỉ dài ngày sẽ trở về Phong Sa Ly (Lào) cùng với gia đình. Tuy nhiên, em đã quyết định ở lại ngay khi dịch bệnh tái bùng phát ở Việt Nam những ngày cận Tết.

“Em cũng nhớ bố mẹ, nhớ nhà. Nhưng vì dịch bệnh nên chúng em động viên nhau nên ở lại. Bản thân em cũng như các bạn trong lớp đều phấn khởi khi đây là lần đầu tiên được đón Tết của người Việt. Chúng em được xem gói bánh chưng, được thầy cô giới thiệu về phong tục của người Việt trong ngày Tết, tục thờ cúng tổ tiên nhớ công ơn những người đã sinh thành. Rồi cả những việc quan niệm trong việc thăm thân, chúc may mắn dịp đầu năm mới…”, Súc Sạ Vẳn Lao Ly.

Trải nghiệm gói bánh chưng đón tết ở Việt Nam.

Trải nghiệm gói bánh chưng đón tết ở Việt Nam.

Được sự phân công của nhà trường, mấy ngày nay, gia đình cô Đào Thị Ngọc, thầy Vũ Mạnh Cường và gia đình cô Hà luôn rộn rã tiếng cười nói. Các giảng viên, cả lãnh đạo Ban Giám hiệu cũng có mặt để động viên những người tham gia làm bánh chưng. Công việc được triển khai hết sức khẩn trương để sớm hoàn tất lượng bánh dự kiến, kịp trao tận tay cho lưu học sinh Lào đang ở lại trường. Họ “gói ghém” vào đó cả tình cảm lẫn trách nhiệm của người thầy, người cô với cô cậu trò nhỏ từ bên kia biên giới ở lại đón Tết cổ truyền của dân tộc. Trong khi, vào giờ này hằng năm, họ đã được nghỉ ngơi, đi thăm thân hoặc tự tay mua sắm Tết cho “tổ ấm”.

Tự tay làm món ăn truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu về nền văn hóa mới mẻ và lạ lẫm cùng các gia đình làng nghề bánh chưng Bờ Đậu… khiến lưu học sinh nước ngoài học Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên cảm thấy ấm áp như ngày lễ đoàn tụ với gia đình tại quê hương mình.

Các lưu học sinh Khoa Quốc tế, ĐH Thái Nguyên cho biết Tết cổ truyền Việt Nam khác với không khí đón năm mới hoặc Lễ Giáng sinh của các nước, mọi người dân trong mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng về đoàn tụ, sum họp trong một nhà. Tất cả đều vui vẻ, cùng làm các món ăn cổ truyền như bánh chưng, làm mâm cỗ cúng tổ tiên và hồi tưởng về dòng họ, công cha, nghĩa mẹ, bổn phận trách nhiệm từng người trong gia đình đã và sẽ phải làm những gì cho tốt hơn trong cuộc sống.

Trong cảm nhận của các lưu học sinh, Tết với người Việt Nam như là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong một năm. Nhiều sinh viên ấn tượng với phong tục trong Tết cổ truyền của Việt Nam. Tại thời khắc giao thừa, những người Việt Nam đều cùng chắp tay cầu nguyện một năm mới sung túc, may mắn, hạnh phúc và những điều an lành. Sau đó người lớn tuổi nhất sẽ phát quà, lì xì mừng tuổi…cùng những lời căn dặn, chúc tụng rất ý nghĩa, nếu hiểu sâu, có những lời nói rất cảm động, triết lý mà bao dung, động viên mọi người đều phải sống tốt hơn, học tập tốt hơn.

Với các lưu học sinh quốc tế đang học tại trường Đại học thương mại, Giao thừa năm nay, các em đã nhận được lì xì của lãnh đạo nhà trường và được trải nghiệm bữa cơm "gia đình" ngay thềm năm mới.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/luu-hoc-sinh-quoc-te-hao-huc-an-tet-tai-viet-nam-1792683.tpo