Lưu ý khi đi lễ chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024

Trang phục phù hợp, giữ gìn môi trường văn minh, sạch đẹp, tuân thủ các hướng dẫn an toàn… là những điều du khách cần lưu ý khi tham quan và dự lễ hội Chùa Hương.

Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút hàng vạn du khách thập phương mỗi năm. Năm nay, lễ hội chùa Hương được khai hội vào ngày 15/2 (Mùng 6 tháng Giêng âm lịch) với chủ đề "Lễ hội Chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện", nhằm khẳng định giá trị văn hóa lễ hội và phát huy giá trị quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn - di tích quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Chùa Hương là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân tộc và tâm linh độc đáo như: bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, chầu văn… Đặc biệt, Phật tử có cơ hội thăm viếng chùa Hương và tham gia các nghi lễ tôn giáo. Lễ hội hấp dẫn nhờ mang đậm giá trị văn hóa và du lịch, tụ hội các yếu tố cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của sông suối, núi non, hang động; kết hợp không khí tôn nghiêm của các điểm đền, chùa bao quanh dãy núi Hương Sơn.

Du khách xếp hàng dài chờ lên đò

Theo Ban quản lý Chùa Hương, trong những ngày đầu khai hội, lượng khách đổ về khu di tích rất đông, cao điểm có ngày lên đến 40.000 lượt khách.

Để đến chùa Hương, người dân phải di chuyển bằng thuyền, đò theo tuyến phù hợp và đi bộ trên những bậc thang đá ở vách núi. Đây cũng là dịp để du khách cầu nguyện, xin lộc và thực hiện các nghi thức tôn giáo.

Du khách và các Phật tử đến chiêm bái chùa Hương nên chuẩn bị sẵn đồ lễ, thường bao gồm hương, nến, hoa tươi và đồ chay để dâng Phật như quả chín, oản phẩm, xôi chè…

Các mâm cúng được du khách chuẩn bị đầy đủ, chỉn chu

Du khách có thể mang lễ phẩm từ nhà hoặc có thể mua tại khu vực suối Yến. Càng đi sâu vào trong, các hàng bày bán đồ cúng càng nhiều nhưng giá thành có thể “nhỉnh” hơn một chút.

Chị Hương (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị đã chuẩn bị mâm lễ màu vàng tươi bắt mắt gồm các loại hoa quả, bánh và trà mật ong Boncha nhằm bày tỏ hy vọng về một năm mới với nhiều sức khỏe, bình an, may mắn cho gia đình.

Lễ hội chùa Hương sẽ kéo dài trong 90 ngày, từ ngày 11/2 đến hết ngày 11/5/2024 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 4/4 năm Giáp Thìn). Tại chùa Hương, hiện có 3.800 - 4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ những vị khách thăm quan di tích như: lắp đủ ghế, có áo phao, ô che…

Giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách cụ thể như sau: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra. Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra. Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra.

Khi đến vãn cảnh, tham quan chùa Hương, du khách ngoài việc chuẩn bị các đồ lễ thành tâm dâng Phật cũng được khuyến cáo chọn trang phục lịch sự, chủ động trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh. Tránh việc đốt vàng mã hay các mâm lễ cúng đắt đỏ, cầu kỳ, xa hoa.

(Nguồn: Uniben)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/luu-y-khi-di-le-chua-huong-xuan-giap-thin-2024-2252153.html