Lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin

Tình trạng dị ứng mắt với các triệu chứng như đỏ, khô mắt, chảy nước mắt liên tục… gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Vậy nên lựa chọn và sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamin như thế nào để vừa đạt hiệu quả tốt nhất?

1. Khi nào cần dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin?

Thuốc nhỏ mắt kháng histamin là lựa chọn hàng đầu trong điều trị dị ứng mắt. Đây là hiện tượng xảy ra khi mắt phản ứng lại với các dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông thú cưng, bào tử nấm mốc... Khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra chất trung gian histamin để chống lại các dị nguyên đó cũng như giúp bảo vệ cơ thể. Phản ứng của hệ miễn dịch giữa kháng thể dị ứng với dị nguyên sẽ gây ra một số triệu chứng thường gặp như mắt bị sưng, đỏ, ngứa, rát và chảy nước mắt.

Tình trạng viêm kết mạc dị ứng không giống như viêm kết mạc do vi khuẩn hay do virus nên không có khả năng lây lan từ người này sang người khác.

Các triệu chứng dị ứng mắt thường khá rõ ràng và dễ dàng nhận biết, gặp có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt như:

Mắt bị ngứa, có cảm giác nóng rát.
Đỏ mắt.
Sừng nề 1 hoặc cả 2 mí mắt.
Chảy nước mắt.
Quanh mắt có gỉ.
Gây phù mọng kết mạc gây nên tình trạng nhìn mờ.
Nhạy cảm với ánh sáng...

Dị ứng mắt là hiện tượng xảy ra khi mắt phản ứng lại với các dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông thú cưng, bào tử nấm mốc,...

Dị ứng mắt là hiện tượng xảy ra khi mắt phản ứng lại với các dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông thú cưng, bào tử nấm mốc,...

2. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin hoạt động như thế nào?

Do cơ chế phản ứng dị ứng xảy ra bắt nguồn từ việc sản sinh chất trung gian histamin gây giãn mạch và xuất hiện các biểu hiện dị ứng tại mắt, do đó, thuốc kháng histamin hoạt động theo những cơ chế sau:

- Ngăn chặn sự giải phóng histamin bởi tế bào mast: Ở mắt, tế bào mast có nhiều ở kết mạc, màng nhầy trong suốt tạo thành một lớp bảo vệ trên mắt và bề mặt bên trong của mí mắt. Ngoài histamin, tế bào mast cũng giải phóng các protein gây viêm khác như cytokine và chemokine, từ đó, kích hoạt các loại tế bào miễn dịch khác như bạch cầu ái toan thúc đẩy quá trình viêm. Do đó, ngăn chặn hoạt động của histamin có hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng viêm.

- Ức chế sự kích hoạt của bạch cầu ái toan.

- Ức chế sự di chuyển của tế bào mast và bạch cầu ái toan đến vị trí viêm.

- Giảm tính thấm của mạch máu và ngăn chặn rò rỉ các chất gây viêm vào vị trí viêm.

Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của thuốc nhỏ mắt kháng histamin là thuốc chỉ có hiệu quả giảm triệu chứng tạm thời nên người bệnh có thể phải nhỏ thuốc nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như cảm giác bỏng rát, hắt hơi, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày của người bệnh.

Cần thận trọng khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin trị bệnh ở mắt.

Một số thuốc nhỏ mắt kháng histamin bao gồm:

Alcaftadine (Lastacaft).
Azelastine (Optivar).
Bepotastine (Bepreve).
Cetirizine (Zerviate).
Epinastine (Elestat).
Ketotifen (Alaway, Zaditor).
Olopatadine (Pataday).

3. Cách dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin

Cách dùng thuốc nhỏ mắt thường được hướng dẫn kèm theo lọ thuốc, vì vậy bệnh nhân cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi sử dụng để bảo đảm việc dùng thuốc đúng cách và hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc.

- Bước 1: Đầu tiên, cần vệ sinh sạch sẽ tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay trước khi nhỏ mắt. Để tránh nhiễm bẩn, không chạm tay vào đầu ống nhỏ giọt hoặc không để đầu ống thuốc chạm vào mắt hay bất kỳ bề mặt nào khác. Lau mắt bằng bông ẩm thật sạch hết bụi bẩn bên ngoài.

- Bước 2: Nghiêng đầu về phía sau và nhìn lên. Nhỏ 1-2 giọt thuốc vào góc trong của mắt rồi dùng tay kéo mi xuống một chút cho thuốc lan đều khắp mắt.

Lưu ý: Nên nhớ là sau khi nhỏ xong mới được kéo mi dưới xuống, tránh vừa nhỏ vừa kéo. Nhắm mắt lại và ấn nhẹ vào góc trong của mắt trong 1-2 phút để thuốc được hấp thụ và ngăn không cho thuốc chảy vào cổ họng. Không chớp mắt, dụi mắt.

Nếu cần sử dụng nhiều hơn 1 loại thuốc nhỏ mắt, cần đợi ít nhất 5-10 phút trước khi nhỏ loại thuốc tiếp theo. Điều này là để ngăn giọt thuốc đầu tiên bị rửa trôi trước khi nó có thời gian phát huy tác dụng, đồng thời giúp ngăn ngừa bất kỳ tương tác thuốc nào giữa các loại thuốc nhỏ mắt khác nhau.

Trong trường hợp bác sĩ kê toa cả thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ mắt, nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trước.

- Bước 3: Dùng bông khô lau các giọt thuốc thừa chảy ra ngoài cạnh gốc sống mũi và hai bên mi.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin

4.1 Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin:

- Nhức đầu, mờ mắt, thường nhẹ và sẽ giảm dần sau một thời gian. Không lái xe hoặc vận hành máy móc ngay sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt.

- Nóng rát, châm chích, đỏ hoặc kích ứng mắt. Nếu cảm giác khó chịu tiếp tục kéo dài hơn vài phút, cần ngừng thuốc và rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

- Tăng nhạy cảm với ánh sáng.

4.2 Để dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin trị bệnh ở mắt an toàn, hiệu quả, cần lưu ý:

- Khi thấy mắt xuất hiện các triệu chứng bất thường, cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định thuốc đúng với tình trạng bệnh lý.

- Không nên tự ý dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng một thời điểm.

- Trường hợp đeo kính áp tròng mềm, cần đợi 30 phút sau khi nhỏ thuốc rồi mới đeo kính do chất bảo quản có trong thuốc nhỏ mắt có thể làm hỏng kính.

- Không nên nhỏ quá liều theo chỉ định của bác sĩ vì điều này có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Thông thường các thuốc nhỏ mắt nên được sử dụng từ 2 - 3 lần hoặc có thể dùng nhiều hay ít nếu có chỉ định từ bác sĩ.

- Chỉ nên sử dụng thuốc chống dị ứng mắt khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.

- Một số loại thuốc nhỏ mắt có thể đi vào tuần hoàn máu và gây ra tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng. Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi sức khỏe toàn thân cũng như tình trạng diễn biến của mắt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì nên dừng thuốc và thông báo với bác sĩ để xử lý kịp thời.

6 lợi ích có thể bạn chưa biết khi ăn cà chua.

DS. Phạm Quỳnh Như

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-dung-thuoc-nho-mat-khang-histamin-169230529004448117.htm