Lưu ý những điểm sau nếu không muốn con bạn lùn

Nam giới Việt chỉ có chiều cao trung bình là 1,621m, đứng thứ 4 “từ dưới lên” trong bảng xếp hạng về chiều cao trung bình của các nước trên thế giới.

Trang Telegraph vừa “vẽ” bản đồ chiều cao trung bình của người dân các nước trên thế giới, căn cứ vào các nguồn dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Theo bản đồ này thì chiều cao trung bình của người dân Việt Nam nằm trong top 10 nước người dân thấp nhất thế giới, với vị trí thứ 4 (tính từ dưới lên) chiều cao trung bình của nam giới là 1,621m. Cao hơn 3 nước Indonesia, Bolivia và Phillippines.

Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014 thì chiều cao trung bình của người Việt nhỉnh hơn, với 164,4cm ở nam và 153,4cm ở nữ. Đáng nói là suốt 10 năm nay (từ 2004), cho dù kinh tế phát triển, đời sống khấm khá và nhiều nỗ lực để bổ sung dinh dưỡng cho thanh thiếu niên nhưng chiều cao trung bình của người Việt chỉ “nhích” được 2cm.

Trong khi đó, Singapore, cách đây 10 năm, chiều cao trung bình của nam thanh niên trong độ tuổi 17-25 đã là 170,6 cm và nữ là 160 cm. Điều tra năm 2008 của Malaysia cũng cho thấy chiều cao trung bình của nam giới 25-34 tuổi là 168,4 cm, nữ 157,7cm. Tại Trung Quốc, chiều cao trung bình của nam thanh niên độ tuổi 17-20 là 170,2, nữ 158,6 cm... Còn “Nhật lùn” hiện cũng cao hơn Việt Nam 8cm.

chiều cao trung bình của người dân Việt Nam nằm trong top 10 nước người dân thấp nhất thế giới. Ảnh: Diệu Linh

TS Lê Thị Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận định, các bà mẹ Việt mắc rất nhiều lỗi khi tăng cường chiều cao cho con. Đơn cử như nấu bột cho con bằng nước xương với hy vọng có nhiều canxi nhưng thực tế nước xương chỉ nhiều chất béo, rất ít canxi.

Trẻ em ngày nay uống nhiều nước ngọt, nước có ga. Trong khi đó, nước có gas cũng làm tăng đào thải canxi trong cơ thể, khiến trẻ không hấp thụ đủ canxi.

“Phần lớn canxi tổng hợp từ ánh nắng, trong khi đó trẻ em ngày nay lại ít được hoạt động ngoài trời. Đó là lý cho chính khiến gần 54% trẻ em nông thôn và 62% trẻ em thành thị bị thiếu canxi (năm 2015)” – TS Mai cho biết.

Theo bà Mai, muốn bổ sung canxi cho trẻ từ thực phẩm thì trẻ cần ăn tới 13 lòng đỏ trứng gà hoặc 3 lạng cá hồi/ngày. Trong khi cách bổ sung “canxi” rẻ nhất lại là cho trẻ phơi nắng. Đồng thời khuyến khích trẻ tập các môn thể dục có lợi cho phát triển chiều cao như bơi, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông…

Do đó, theo bà Mai, muốn bổ sung canxi cho trẻ cần cho trẻ phơi nắng, ăn đa dạng thức ăn nhất là tôm, cua, cá. Nếu tôm cua ăn được cả vỏ là tốt nhất. Cho trẻ uống sữa, tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, ở giai đoạn dậy thì của trẻ cần quan tâm về dinh dưỡng để trẻ “trổ mã” hết sức.

Theo các nghiên cứu, nếu chăm sóc tốt thì chỉ trong 1-2 năm dậy thì trẻ có thể lớn tối đa tới 23cm. Trong khi đó, khẩu phần ăn của trẻ hiện nay nhiều chất đạm, chất béo nhưng thiếu tới 25% lượng canxi mà nhu cầu cần, còn miền núi tỷ lệ này lên đến 50-60%.

“Nông thôn rất dễ kiếm thức ăn có canxi như tôm, cua, cá. Càng cá nhỏ, tôm nhỏ ăn được cả xương, cả vỏ thì càng có nhiều canxi. Do đó, các bậc cha mẹ nên lưu ý khi chế biến thức ăn cho con” – TS Mai khuyến cáo.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/luu-y-nhung-diem-sau-neu-khong-muon-con-ban-lun-686121.html