Lưu ý 'thủy, hỏa, đạo, tặc'

Với việc Hà Nội thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch, các chuyên gia vui mừng nhưng còn băn khoăn khi đồ án chưa có đánh giá tác động môi trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sông Hồng là con sông có tổng chiều dài là 1.149 km; bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc chảy qua miền Bắc Việt Nam và đổ ra vịnh Bắc Bộ, trên đất Việt Nam dài 510 km, là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Sử sách đã ghi lại hàng trăm sự cố lớn nhỏ liên quan sông Hồng.

Sau năm 1971, do đê điều được củng cố và việc xây dựng các kênh đào, đập nước, đập thủy điện chia lũ nên lũ lụt không xảy ra nữa, tuy nhiên công tác canh phòng đê sông Hồng vẫn phải được duy trì liên tục, bởi nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Theo tờ trình đồ án của Hà Nội, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, phạm vi quy hoạch dài khoảng 40 km, trên diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, dân số liên quan đến quy hoạch tới 320 ngàn người. Nhiều bãi sông được định hướng phát triển thành khu đô thị mới, công viên, quảng trường đô thị...

Đánh giá đồ án được nghiên cứu bài bản, khoa học với nhiều nội dung phong phú, nhưng ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung như cầu qua sông, phương tiện giao thông thủy, cảnh quan dọc hai bên sông, các bãi sông, đặc biệt là bãi giữa. Ngoài ra, theo chuyên gia này, TP cần có ý tưởng để khai thác mặt nước sông Hồng, tổ chức cây xanh hai bờ sông và những công trình tạo điểm nhấn.

Có điều theo đánh giá của chuyên gia: Hồ sơ đồ án chưa đề cập đến đánh giá tác động môi trường. Với yêu cầu của một quy hoạch phân khu thì đồ án tác động tích cực đến kinh tế - xã hội TP ra sao? Những tác động tích cực đến không gian của hai bờ sông là gì?.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cùng quan điểm, cho hay sông Hồng có biến đổi dòng chảy nên để chỉnh trị con sông này và đảm bảo hành lang thoát lũ thì phải lựa chọn thế sông ổn định, tính đến tác động của biến đổi khí hậu và biến động từ thượng nguồn. Lựa chọn dòng chảy ổn định thì mới có cơ sở đánh giá hiện trạng mặt nước, đất bãi, dân cư... và từ đó chọn các giải pháp quy hoạch hợp lý.

Dân gian có câu nói “thủy, hỏa, đạo, tặc” để nói về những mối nguy hiểm có thể gây ra với con người, trong đó “thủy” là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Vui mừng với ý tưởng đề xuất của Hà Nội, nhưng cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu xem xét những lưu ý trên.

Minh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/luu-y-thuy-hoa-dao-tac-d150811.html