Luxor – Kinh thành cổ Thebes

Sau hành trình bốn ngày, vượt qua hơn 300km đường sông theo dòng Nile huyền thoại từ thành phố Aswan, chúng tôi đã đặt chân đến Kinh thành cổ Thebes Luxor vào một buổi chiều. Không có thành phố cổ nào vĩ đại và xứng đáng được ca ngợi hơn.

Sông Nile phần chảy qua Luxor đẹp mơ màng trong nắng chiều.

Không có bảo tàng lịch sử nào khổng lồ và giá trị hơn. Không có lời nào đủ để diễn tả hết sự kỳ vĩ, cao quý và tuyệt diệu của Luxor. Ở đây, tất cả mọi thứ khác dường như đã trở nên nhỏ bé…

Quyền uy và huyền bí

Nằm ở vị trí Trung Đông Ai Cập, Luxor từng là một kinh thành cổ kính và lộng lẫy Thebes vang danh từ ngàn xưa. Hàng ngàn năm đã trôi qua với biết bao vật đổi sao dời, nhưng sự vĩ đại của Luxor không hề biến mất. Thành phố này đứng vào vị trí cổ xưa nhất, lâu đời nhất và quan trọng nhất của Ai Cập. Nơi đây từng có thời kỳ gìn giữ đến 1/3 tổng số các di tích vĩ đại của thế giới và ngày nay là thánh địa cho những ai yêu thích khám phá nền văn minh kiệt xuất của Ai Cập cổ xưa.

Ngay cửa ngõ vào Luxor, ở phía tây thành cổ Thebes, tượng khổng lồ Mennon hiên ngang như những vị thần bảo vệ oai hùng và đầy quyền uy cho Luxor. Người ta đến với Mennon trước khi vào thành phố như một sự kính cẩn, một sự ra mắt, một lời chào. Hai bức tượng bằng đá đã được xây từ những năm 1830 trước Công nguyên, chính là hiện thân của các Pharaoh với tư thế ngồi trên ngai vàng, hai bàn tay đặt lên hai đầu gối.

Các bức tượng đều được tạc bằng đá granite, cao 18m và ước tính nặng đến 1.300 tấn. Giữa nắng gió sa mạc, qua biết bao biến đổi thăng trầm, biết bao nhiêu ngôi đền kiên cố đã bị tàn phá và hủy diệt bởi thời gian, nhưng kỳ lạ làm sao là hai bức tượng vẫn còn đó, âm thầm và oai dũng cho đến bây giờ.

Đền Luxor về đêm.

Đường phố Kinh thành cổ Luxor.

Sông Nile vào đến Luxor thì chia thành phố ra làm hai phần, bờ Đông là thành phố của người sống, nơi dành cho người Ai Cập cổ sinh sống, sản xuất, trồng trọt. Phần phía bờ Tây với những lòng núi đá đầy bí ẩn, những thung lũng khuất sâu vào những thế núi hiểm hóc, đã trở thành thành phố của người chết, nơi những Pharaoh tin cậy chọn làm vị thế cho giấc ngủ ngàn thu sau khi thỏa bước chân chinh phạt quyền uy.

Những sức mạnh thường đi kèm những hoài nghi. Và có lẽ, với các vị Pharaoh, sức mạnh khi đương quyền dù cao vợi và vĩ đại bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng là tạm bợ, chỉ có cái chết mới là vĩnh cửu, nên họ đã dành bao tâm huyết để chọn vị trí lý tưởng, phù hợp, bí mật xây dựng những ngôi mộ hoàng gia, giữ cho giấc ngủ ngàn thu được bình yên mãi mãi. Thung lũng các vì vua và Thung lũng các nữ hoàng mang đến cho tôi một cảm giác huyền bí, kính nể và pha chút sợ hãi.

Có một điều gì đó không thể gọi tên ở đây. Có hơn 60 ngôi mộ trong Thung lũng các vì vua và 80 ngôi mộ trong thung lũng các Nữ hoàng được tìm thấy. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các nhân vật lừng danh như Pharaoh Tutankhamun, Pharaoh Ramsess, nữ hoàng Titi, hoàng hậu Nefertari. Những ngôi mộ đều được xây khéo léo nằm chìm dưới lòng đất trong những thung lũng nằm sâu trong những dãy núi đá vôi hùng vĩ, lối vào là các cửa hầm nhỏ.

Có lẽ các vị Pharaoh đã không muốn bị quấy rầy giấc ngủ của họ. Và vì được bảo bọc cẩn trọng, cùng với độ ẩm thích hợp của địa chất tại đây, nên các hình vẽ, các bức bích họa trên tường, các vật dụng, lối đi bên trong hầm mộ đã đi qua hàng ngàn năm mà vẫn còn tươi nguyên màu sắc đến kinh ngạc. Các nét vẽ vẫn còn sắc sảo, các họa tiết vẫn bừng sáng trong lòng mộ sâu.

Hàng tượng Sphinx nối liền hai ngôi đền vĩ đại Luxor và Kanak.

Đền Kanak vĩ đại Những bức tượng tuyệt đẹp của đền Kanak.

Cảm xúc của du khách đến đây có lẽ chỉ là kinh ngạc, rồi đến kinh ngạc, không sao dừng lại được…

Và ngày nay, người Ai Cập cũng hạn chế du khách đến vùng đất thiêng này của họ. Tất cả được canh giữ nghiêm ngặt, không một máy chụp hình nào lọt qua nên không ai mang được những hình ảnh dưới những hầm mộ sâu ra ngoài. Cũng không có gì ngạc nhiên về thông tin nơi đây là một trong những địa danh đầu tiên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1979.

Các đền đài kỳ vĩ

Tiếp nối hành trình khám phá Luxor là các đền đài. Có thể bạn đã bắt gặp nhiều điều tuyệt mỹ trên hành trình khám phá các ngôi đền ở phía Nam Kim tự tháp, nhưng các ngôi đền ở Luxor mới đạt đến vị trí đỉnh cao, vượt trên cả những sự vĩ đại bạn từng chiêm ngưỡng. Đền Luxor nằm ngay bên bờ sông Nile, được xây dựng bởi Pharaoh Amennhotep III, nơi nữ hoàng Hatshepsut và người Ai Cập thờ thần Amun.

Từ xa nhìn lại, đền Luxor đã nổi bật bởi sự vững chãi, uy nghi, lộng lẫy, bề thế và tuyệt mỹ của kiến trúc. Lối vào đền điểm tô những cây chà là trái trĩu trịt đến nhức mắt. Thiên nhiên kỳ bí không bao giờ trao hết cho con người những sự lý giải trọn vẹn về các hiện tượng của mình, cũng như cây chà là này là một ví dụ.

Giữa sa mạc khô khốc và lộng gió, sao có thể có một loại cây chắt chiu cho quả chi chít và ngọt lịm như thế? Không ai có câu trả lời thích đáng, nhưng người sa mạc xem loại cây này là dấu hiệu của sự sinh tồn, của sự sống và sự bất diệt…

Cột đá Obelisk bên trong đền Kanak.

Những hàng cột bên trong đền Luxor.

Mặt trước ngôi đền là một ngọn tháp cao vút được xây dựng bởi Ramsess II, ghi lại những trận chiến và trận thắng của ông. Vị vua lãng mạn và kiêu hùng này dường như sống nhiều với hoài niệm. Ông ghi lại những kỷ niệm, những quá khứ huy hoàng, những dấu ấn chinh phạt của mình ở khắp mọi nơi… Dường như càng kiêu hùng, càng chiến thắng, người ta càng sợ bị lãng quên bởi thời gian.

Quy mô tổng thể của Luxor đập vào mắt người đến thăm là những hàng cột vĩ đại nối tiếp nhau. Cửa ngoài của đền thể hiện sự uy quyền, có chiều cao đến 43,6mm, rộng đến 113m, vách tường dày đến 15m và một hành lang những hàng cột vây quanh. Lối vào chính dẫn tới khu phức hợp của đền được trang trí bằng hai bức tượng khổng lồ.

Sự thực nơi đây từng có đến sáu bức tượng khổng lồ nhưng đã có bốn bức tượng bị thời gian phá sập. Những bức tượng, những hàng cột, những đại sảnh uy nghi nối tiếp nhau, tạo nên một quần thề kiến trúc vĩ đại, mỹ miều, hài hòa trong sự phức hợp, uyển chuyển trong sự nối tiếp…, tất cả những mỹ từ đẹp nhất đều có thể được dùng để tả về ngôi đền.

Trước đền Luxor là một đại lộ danh tiếng dài đến 3km cùng với các tượng Sphinx sắp hàng hai bên, nghiêm nghị và thành kính, nối liền Luxor với một ngôi đền còn vĩ đại hơn Luxor, đó là đền Kanak. Bảo tàng đền đài của Ai Cập là vô kể, nhưng chỉ riêng Kanak chiếm giữ ngôi vị hàng đầu.

Đền đài Ai Cập hết thảy đều vĩ đại, nhưng chỉ riêng Kanak có thể sánh ngang với Kim tự tháp về quy mô và sự hùng vĩ. Đây chính là quần thể đền cổ lớn nhất Ai Cập, cũng là bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới, đỉnh cao bậc nhất không gì sánh bằng của kiến trúc và mỹ thuật Ai Cập cổ đại…

Tượng đôi khổng lồ Mennon.

Mất đến vài trăm năm để hoàn thành, ngôi đền chiếm giữ công sức cũng như đi qua nhiều triều đại Pharaoh, nên khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy của rất nhiều phong cách kiến trúc và điêu khắc. Dọc theo lối vào đền là hàng nhân sư đầu cừu, biểu tượng của thần Amon, một trong những vị thần tối cao của tôn giáo Ai Cập cổ.

Riêng cổng chính đã là một công trình đầy hình tượng. Các bức tường, phù điêu đều mang ý nghĩa tượng hình rất cao, như họa cả một quang cảnh rộng lớn của mảnh đất này. Bức tường bên trái là sa mạc kỳ bí, bức tường bên phải là cao nguyên bờ Tây, lối vào giữa là sông Nile uốn lượn.

Khắp nơi trong Kanak là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt vời. Đó là những tượng đá uy nghi khổng lồ, những khuôn mặt nhân sư trầm mặc vẻ chiêm nghiệm, các hàng cột đá nặng hàng tấn đứng sừng sững như chống đỡ cả bầu trời. Đại sảnh lớn bên trong chính là niềm tự hào của Kanak được xây dựng dưới thời Pharaoh Seti I, với 134 cột đá khổng lồ cao đến 23m, chu vi 15m nằm san sát nhau, bên trên trang trí những bức bích họa màu sắc lộng lẫy, sinh động và đầy hơi thở của đời sống.

Qua khỏi đại sảnh còn là Thánh địa vĩ đại, nơi lưu giữ hai trong số chín cốt đá Obelisk nguyên khối hình trụ nặng hàng trăm tấn được di chuyển đến đây từ Aswan bằng đường sông. Không ai lý giải được tại sao, sức mạnh nào đã làm nên những thành quả phi thường thế này.

Chỉ có khát vọng quyền lực cháy bỏng của các Pharaoh mới có thể mang đến cho họ những sức mạnh phi thường đến thế. Kanak đúng là điểm kết đẹp đẽ, viên mãn và đầy xúc cảm trong hành trình khám phá sông Nile của du khách. Chính nơi đây, thành phố Luxor kỳ diệu này, khái niệm thời gian dường như đã chậm lại, hoặc đã đi qua mà không kịp để lại dấu vết gì. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên tươi đẹp và vĩ đại như thuở người Ai Cập đã khai sinh ra nó.

Huỳnh Thu Dung

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/luxor-kinh-thanh-co-thebes-21943.html