Lũy tre biên giới Việt: Một mô hình nhiều lợi ích

Thời gian qua, mô hình 'Lũy tre biên giới Việt' đang được các đồn biên phòng triển khai hiệu quả, qua đó vừa hỗ trợ Nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự.

Đồn Biên phòng Ba Sơn phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Mẫu Sơn, Xuất Lễ (huyện Cao Lộc). Đồn quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 41,2 km (dài nhất trong 5 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Cao Lộc, chiếm gần 2/3 tuyến biên giới của huyện) và 57 cột mốc quốc giới. Địa bàn biên giới do đồn quản lý có địa hình chủ yếu là các dãy núi cao; dọc tuyến biên giới còn rất nhiều diện tích đất đồi để trống… Với lý do đó, năm 2022, đồn đã lên ý tưởng, thí điểm triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt”.

Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn cho biết: Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, được UBND huyện Cao Lộc đồng ý hỗ trợ về kinh phí để triển khai mô hình, năm 2022, đơn vị đã triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” giai đoạn 1, trao tặng 3.000 gốc giống tre Bát độ với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng cho chi hội cựu chiến binh của 2 thôn và 16 hộ dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc thuộc xã Xuất Lễ. Qua đó, cây tre đã được trồng dọc biên giới dài gần 6 km, hiện cây đang phát triển tốt.

Mới đây (30/1/2023), tại Đồn Biên phòng Ba Sơn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, triển khai trồng cây trà hoa vàng, cây hoa đào tại khuôn viên Đồn Biên phòng Ba Sơn và tổ chức trồng cây tre dọc theo đường biên giới từ mốc 1200 đến mốc 1202 thuộc địa bàn thôn Khuổi Tát, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Như vậy, từ khi triển khai đến nay, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã hỗ trợ người dân trồng được 9.500 cây tre dọc tuyến biên giới.

Tre Bát độ là giống tre phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Lạng Sơn. Mỗi khóm tre được trồng cách nhau khoảng 2 m, sau khoảng 2 năm khi những cây tre phát triển sẽ hình thành những bụi tre lớn đan xen vào nhau, phủ xanh đường tuần tra biên giới. Không những thế việc triển khai trồng tre dọc biên giới có chi phí thấp hơn hàng rào kiên cố. Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khi cây tre trưởng thành cho thu hoạch măng, mang lại giá trị kinh tế cho bà con, góp phần ổn định cuộc sống. Được biết, chỉ sau chưa đầy 6 tháng, những cây tre được trồng dọc biên giới đã sinh trưởng, phát triển nhanh, chiều cao 60 đến 70 cm.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ mô hình “Lũy tre biên giới Việt” do Đồn Biên phòng Ba Sơn triển khai, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát động triển khai mô hình này đến 100% đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh để trồng tre dọc tuyến biên giới. Đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh đã có 4/11 đồn biên phòng đã triển khai thực hiện mô hình gồm cá đồn biên phòng: Ba Sơn, Hữu Nghị, Tân Thanh và Bảo Lâm với trên 14.000 gốc tre được trồng.

Quân và dân chung sức đồng lòng

Là một trong những gia đình được đồn biên phòng giao chăm sóc hơn 200 cây tre để phát triển kinh tế, hiện nay, đều đặn hằng tuần, gia đình ông Hoàng Văn Tùng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc tổ chức chăm sóc diện tích tre mới trồng. Ông Tùng chia sẻ: Gia đình tôi có khoảng 10 ha đất rừng gần khu vực biên giới, khi được giao chăm sóc 200 cây tre để phát triển kinh tế, tôi cảm thấy mô hình rất phù hợp. Trồng tre, sau này không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập mà quan trọng hơn cả là gia đình đã góp một phần công sức nhỏ bé trong việc bảo vệ biên giới Quốc gia.

Cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh và đoàn viên, thanh niên trồng tre ở khu vực biên giới xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc

Cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh và đoàn viên, thanh niên trồng tre ở khu vực biên giới xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc

Để mô hình được triển khai hiệu quả, các đồn biên phòng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các nhà hảo tâm tuyên truyền, kêu gọi tài trợ tre giống và hỗ trợ người dân vùng biên trồng tre. Qua đó, tạo nên sự gắn bó giữa quân và dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Ông Hoàng Xuân Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng cho biết: Đây là lần đầu tiên triển khai mô hình trồng tre dọc đường biên như một hàng rào nhằm ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tân Thanh kêu gọi các đơn vị tài trợ được 3.000 gốc tre giống và tiến hành trồng dọc biên giới. Mô hình này rất đặc biệt và hữu ích, chi phí vừa thấp hơn so với đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào cứng lại vừa tạo nguồn sinh kế cho người dân địa phương.

Việc triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” không chỉ hình thành một vành đai xanh trên tuyến biên giới mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân sinh sống ở khu vực biên giới tích cực tham gia cùng BĐBP trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

ĐÌNH QUANG - THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/572261-luy-tre-bien-gioi-viet-mot-mo-hinh-nhieu-loi-ich.html