Lý do Ấn Độ trì hoãn RCEP

Tháng 11-2019, tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), sự kiện Ấn Độ chưa thể thống nhất với 15 quốc gia khác đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Thái độ của Ấn Độ không hoàn toàn bất ngờ, bởi vì kể từ khi khởi động đàm phán RCEP, Ấn Độ luôn thể hiện thái độ cứng rắn, cảnh giác tương đối cao với tình hình cạnh tranh trong khuôn khổ RCEP.

Một mặt, Ấn Độ mong muốn thông qua RCEP để gia tăng xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong thực tế, trình độ phát triển của ngành chế tạo còn hạn chế, mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất châu Á khá thấp đã hạn chế nghiêm trọng khả năng đạt được lợi ích của Ấn Độ từ RCEP. Dịch vụ là ngành chủ đạo của kinh tế Ấn Độ, chiếm 60% GDP và nước này hy vọng phát huy nhiều hơn ưu thế của ngành dịch vụ thông tin và phần mềm, tăng cường xuất khẩu dịch vụ công nghệ sang các nước thành viên của RCEP trong tương lai.

Tuy nhiên, Ấn Độ còn nhiều mâu thuẫn trong đàm phán RCEP, vừa hy vọng RCEP có thể tăng cường mở cửa ngành dịch vụ, lại vừa không muốn nhượng bộ nhiều hơn về tự do hóa thương mại hàng hóa, hệ quả là lợi ích thu được từ việc đàm phán RCEP không đủ để hấp dẫn nước này. Mặt khác, với vai trò là bộ đệm chiến lược để Ấn Độ ứng phó với tác động của liên kết ở bên ngoài thì hiệu quả của RCEP đang giảm xuống.

Dịch vụ là ngành chủ đạo của kinh tế Ấn Độ, chiếm 60% GDP.

Dịch vụ là ngành chủ đạo của kinh tế Ấn Độ, chiếm 60% GDP.

Từ trước đến nay, Ấn Độ chưa có điều kiện gia nhập TPP nên mong muốn tham gia RCEP để giảm bớt tác động kinh tế tiêu cực từ TPP. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, tác động tiêu cực của CPTPP đối với Ấn Độ được đánh giá là giảm đi rất nhiều. Điều quan trọng hơn là chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích chính sách áp thuế cao và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém của Ấn Độ trong những năm gần đây, đã xóa bỏ mang tính trừng phạt quy chế thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời còn đe dọa sẽ áp thuế “đối đẳng” với hàng hóa nước này, cùng với yêu cầu New Delhi mở cửa thị trường hơn nữa.

Trong đàm phán thương mại Mỹ - Ấn, ở mức độ nhất định, RCEP có thể là điểm tựa chiến lược của Ấn Độ, giảm nhẹ phần nào sức ép đàm phán từ Mỹ. Tuy nhiên, với thực tế tiến triển đàm phán thương mại Mỹ - Ấn, vốn bị chi phối nhiều hơn bởi các toan tính chính trị, đã khiến cho tác dụng chiến lược của RCEP đối với Ấn Độ đang giảm xuống, đặc biệt là với vai trò “con bài” trong đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn còn những lý do khác. New Delhi lo ngại RCEP giảm mạnh thuế sẽ khiến nhập siêu của Ấn Độ tăng lên. Từ năm 2000 đến nay, Ấn Độ đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nền kinh tế châu Á nhưng trong bối cảnh số lượng hiệp định thương mại tự do liên tục gia tăng thì xuất khẩu của Ấn Độ không tăng đáng kể trong khi nhập siêu lại tăng lên 20 lần.

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ đạt 836,7 tỷ USD, trong đó nhập khẩu 512 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, nhập siêu 187,4 tỷ USD, tăng 24,7%. Điều đặc biệt đáng chú ý là các nền kinh tế trong RCEP là nguồn gốc chủ yếu khiến nước này nhập siêu, chiếm khoảng 2/3. Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích dựa vào lý do nhập siêu tăng cao.

Trong bối cảnh số lượng hiệp định thương mại tự do liên tục gia tăng thì xuất khẩu của Ấn Độ không tăng đáng kể, còn nhập siêu lại tăng lên 20 lần.

Ngoài ra, nội bộ Ấn Độ cũng phản đối chính phủ đã đưa ra nhiều nhượng bộ về vấn đề mở cửa thị trường. Từ trước đến nay, Ấn Độ chịu ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống phản đối thương mại, dẫn đến giới chính trị và doanh nghiệp nước này cho rằng mở cửa không có lợi cho sự phát triển của các ngành nghề trong nước, giảm thuế có thể tác động nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp của quốc gia và sáng kiến “Made in India”, khiến Ấn Độ đến nay vẫn giữ mức thuế cao nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Mức thuế bình quân tối huệ quốc của Ấn Độ là 13,8%, trong đó mức thuế bình quân đối với nông sản là 32,8%. Đặc biệt, năm 2019 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ suy giảm, thậm chí quý III của năm giảm mạnh xuống mức 4,5%. Rất nhiều nhóm lợi ích ở Ấn Độ, bao gồm các tổ chức như Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Ấn Độ, Công đoàn trung ương Ấn Độ, Diễn đàn kinh tế Ấn Độ... liên tục gây sức ép để chính phủ ngừng đàm phán RCEP.

Có thể thấy, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại lan rộng trên thế giới hiện nay, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ giảm trong thời gian gần đây, về mặt ngắn hạn, nó đã gây nên sức ép chính trị tương đối lớn. Chính phủ nước này quả thực đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn trong đàm phán RCEP. Đương nhiên, cũng phải thấy rằng mặc dù Ấn Độ giữ thái độ bảo lưu thận trọng tại Hội nghị Các nhà lãnh đạo RCEP vào cuối năm 2019 nhưng không phủ nhận ý nghĩa thực tế của RCEP đối với Ấn Độ.

New Delhi hiểu rằng xa rời RCEP lâu dài thì có thể bị gạt ra ngoài rìa của tiến trình liên kết kinh tế khu vực châu Á và mất đi cơ hội quý báu trong làn sóng lớn tái cấu trúc chuỗi giá trị khu vực. Chỉ có tăng cường hội nhập liên kết kinh tế châu Á thì Ấn Độ mới có thể ứng phó hiệu quả với việc chuyển dịch thương mại và đầu tư của khu vực, hóa giải mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Từ góc độ này, cũng không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ xem xét việc quay trở lại RCEP trong thời gian tới.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ly-do-an-do-tri-hoan-rcep-605492/