Lý do Ấn Độ vẫn 'khát' dầu mỏ của Nga

Ấn Độ vẫn đang tận dụng cơ hội nhập dầu thô giảm giá từ Nga để tinh chế và tái xuất khẩu. Theo nhiều nguồn tin, quốc gia này trở thành nhà cung cấp chính cho châu Âu sau một năm chiến dịch Nga - Ukraine nổ ra.

Thay vì áp các lệnh trừng phạt lên Nga theo các quốc gia phương Tây, New Delhi đã chọn tăng cường quan hệ thương mại với xứ bạch dương.

Ấn Độ mua bao nhiêu dầu của Nga?

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu của quốc gia này lên tới 85%.

Trước đây các nhà cung cấp năng lượng chính cho quốc gia tỷ dân là các nhà sản xuất Trung Đông. Tuy nhiên, bây giờ Nga đang chiếm vị trí đầu bảng.

Đối với Moscow khi bị cô lập, Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành những khách hàng hàng đầu của họ.

 Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Riêng trong tháng 1 vừa qua, dầu Nga nhập khẩu vào Ấn Độ đã tăng kỷ lục lên 1,4 triệu thùng/ngày, tăng 9,2% so với tháng trước đó. Con số này chiếm 27% trong tổng số 5 triệu thùng dầu thô nhập khẩu mỗi ngày của Ấn Độ.

Vào tháng 3, Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga 1,62 triệu thùng mỗi ngày (bpd), 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Được biết, con số này tăng từ khoảng 70.000 thùng/ngày và chỉ bằng 1% lượng nhập vào trước chiến tranh.

Hôm thứ Tư, công ty năng lượng khổng lồ của Nga - Rosneft đã công bố một thỏa thuận "tăng đáng kể" nguồn cung cho Công ty Dầu khí Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước sau chuyến thăm Ấn Độ của Giám đốc điều hành Igor Sechin.

Mua dầu của Nga giúp tiết kiệm tiền

Ấn Độ đã tiết kiệm được 3,6 tỷ đô la bằng cách nhập khẩu dầu thô giảm giá từ Nga, trong 10 tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, một thành viên quốc hội cho biết vào tháng 12.

Tuy nhiên, theo ước tính của Quartz, con số này có thể còn cao hơn nhiều. Ví dụ như hồi tháng 5/2022, nguồn cung dầu Nga rẻ hơn đến 16 USD/thùng so với mức giá trung bình 110 USD/thùng mà Ấn Độ nhập khẩu.

Có thời điểm Nga còn chiết khấu 30 USD cho mỗi thùng dầu bán cho Ấn Độ. Đất nước Nam Á này sau đó đã mua dầu Nga ở mức dưới giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp đặt.

"Với một số thỏa thuận trong tháng này, giá dầu cao cấp Urals của Nga tại các cảng của Ấn Độ, bao gồm cả bảo hiểm và vận chuyển bằng đường biển, còn giảm xuống thấp hơn 12-15 USD/thùng so với mức trung bình hàng tháng của dầu Brent. Trước đó, mức chênh lệch này là 5-8 USD/thùng vào tháng 10/2022 và 10-11 USD/thùng vào tháng 11", Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay.

Trong khi đó, các công ty theo dõi hàng hóa năng lượng báo cáo rằng Ấn Độ đang mua dầu thô Urals hàng đầu của Nga dưới mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đưa ra vào tháng 12.

"Là quốc gia tiêu dùng dầu khí lớn thứ ba thế giới, quốc gia có GDP chia trung bình đầu người - mức thu nhập không cao, nghĩa vụ cơ bản của chúng tôi là đảm bảo rằng người tiêu dùng Ấn Độ có quyền tiếp cận tốt nhất có thể với các điều khoản có lợi nhất cho thị trường quốc tế" - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar chia sẻ tại Moscow vào tháng 11/2022.

Cách Ấn Độ biến hóa dầu Nga

Ấn Độ có 23 nhà máy lọc dầu với công suất lọc 249 triệu tấn dầu mỗi năm, trở thành nhà máy lọc dầu lớn thứ tư thế giới.

Người giàu nhất châu Á Tập đoàn Reliance Industries của Mukesh Ambani điều hành nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới ở Gujarat, nơi ông đã tăng cường mua dầu của Nga.

Cùng với nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Ấn Độ Nayara - trong đó Rosneft của Nga sở hữu 49% - Reliance nhập khẩu 45% dầu thô của Nga vào Ấn Độ, dữ liệu từ công ty theo dõi hàng hóa Vortexa cho thấy.

Phần lớn sản phẩm tinh chế được bán cho người tiêu dùng Ấn Độ. Nhưng nhờ thặng dư, Ấn Độ đã nổi lên như một nhà cung cấp xăng và dầu diesel lớn - một số được tinh chế từ dầu thô của Nga - cho châu Âu và các nơi khác.

Xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ sang Liên minh châu Âu đã tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, lên 11,6 triệu tấn, nhật báo Indian Express đưa tin, trích dẫn dữ liệu chính thức.

Bất chấp lệnh trừng phạt đối với Moscow, điều này không vi phạm các quy tắc của Liên minh châu Âu vì các sản phẩm tinh chế không được coi là đến từ Nga.

Động thái này cũng giúp khối tránh được các vấn đề về nguồn cung, vốn sẽ đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng vốn đang quay cuồng vì lạm phát phi mã.

Nhà kinh tế trưởng David Wech của Vortexa nói với AFP: "Thế giới sẽ rất khó sống nếu không có dầu mỏ của Nga", đồng thời cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn Moscow sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng khôn lường".

Lê Na (Theo The Economic Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-an-do-van-khat-dau-mo-cua-nga-post241685.html