Lý do cựu Bộ trưởng Bộ Y tế được giảm 1 năm tù

Theo đó, Hội đồng phúc thẩm của Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) tuyên 17 năm tù (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm) về tội 'Nhận hối lộ'.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Y án với Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á

Tòa bác kháng cáo của Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á), tuyên y án sơ thẩm 29 năm tù về cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Theo nhận định của HĐXX, lời khai của các bị cáo tại tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của nhân chứng, những người liên quan, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Cụ thể, đầu năm 2020, dịch Covid - 19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) và lây lan đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó, trong đó có giao cho Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch.

Khi đó, Phan Quốc Việt đã đặt vấn đề, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH-CN) về việc giúp Công ty (Cty) Việt Á được tham gia nghiên cứu với mục đích sử dụng kết quả đề tài để sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm.

Tổng Giám đốc Việt Á thỏa thuận về việc chia phần trăm doanh thu của Cty Việt Á từ việc tiêu thụ kit xét nghiệm. Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng. Ngoài ra, để tiêu thụ kit xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã nâng khống, theo nội dung vụ án, Phan Quốc Việt và cấp dưới đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá do Cty Việt Á đưa ra.

Quá trình tiêu thụ kit xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo đưa hối lộ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động của ngành y tế, suy thoái lối sống của một số cán bộ, gây mất niềm tin trong Nhân dân. Bị cáo Phan Quốc Việt là người chỉ đạo xuyên suốt, đưa ra chủ trương và hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn. Vì thế, HĐXX cho rằng hình phạt 29 năm tù là tương xứng nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.

Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh Long, HĐXX xét thấy bị cáo phạm tội 2 lần trở lên tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nộp thêm tài liệu về tiền sử bệnh, nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.

HĐXX nhận thấy bị cáo Nguyễn Thanh Long là GS.TS trong lĩnh vực y tế, nhà khoa học có uy tín, có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch… nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo, giảm một phần hình phạt cho bị cáo để giúp bị cáo cải tạo tốt, sớm trở về thành công dân có ích cho xã hội.

Tòa tuyên bị cáo: Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Cty Việt Á): y án sơ thẩm, phạt 7 năm tù tội “Vi phạm quy định đấu thầu”; 8 năm tù tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt là 15 năm tù, Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) 12 năm tù (được giảm 1 năm), Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Bộ Y tế) y án sơ thẩm 14 năm tù, Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế): 6 năm 3 tháng (được giảm 9 tháng).

Bị cáo: Trần Thị Hằng (cựu nhân viên Việt Á) y án sơ thẩm, 30 tháng tù; Ngụy Thị Hậu (cựu Phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang) 30 tháng cho hưởng án treo (sơ thẩm án tù); Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Hải Dương): được miễn trách nhiệm hình sự (sơ thẩm 24 tháng cho hưởng án treo); Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC Hải Dương): 24 tháng cho hưởng án treo (sơ thẩm án tù); Nguyễn Trường Giang (Tổng Giám đốc Cty VNDAT) y án sơ thẩm, 30 tháng tù.

Số tiền thu lời bất chính?

HĐXX nêu, đối với kháng cáo của Cty Việt Á, Cty Việt Á đã nâng khống giá thành khi hiệp thương giá và sử dụng giá đó để bán kit xét nghiệm cho các cá nhân, tổ chức vượt quá nhiều lần, hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng, không bao gồm phần kit đã bán cho Học viện Quân y.

Toàn bộ số tiền này được chuyển về Việt Á và Phan Quốc Việt là người điều hành, quyết định việc sử dụng nên tòa cấp sơ thẩm buộc Việt phải nộp lại số tiền này để sung công quỹ Nhà nước là có căn cứ. Phía Cty Việt Á đề nghị đưa 80 cơ quan, đơn vị còn nợ Cty Việt Á tiền mua kit xét nghiệm Covid - 19 với tổng tiền là hơn 787 tỷ đồng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và tuyên buộc họ phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền trên cho Việt Á…

HĐXX xét thấy, do HĐXX sơ thẩm không xem xét giải quyết trong vụ án này nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét. Dành quyền khởi kiện cho Việt Á nếu phát sinh tranh chấp với các cơ quan, đơn vị trong vụ án khác theo thủ tụng tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài ra, phía Việt Á cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, tuyên hủy bỏ biện pháp phong tỏa, tạm dừng giao dịch đối với 21 tài khoản ngân hàng của 10 Cty trong hệ thống Việt Á không liên quan đến vụ án.

Đối với yêu cầu này, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, HĐXX sơ thẩm không xem xét giải quyết nên HĐXX phúc thẩm cũng không có thẩm quyền xem xét, giải quyết. HĐXX phúc thẩm kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xem xét, nếu thấy các Cty trong hệ thống Việt Á không liên quan đến hành vi phạm tội nào khác thì tiến hành hủy bỏ hoặc chấm dứt việc tạm ngừng giao dịch đối với các tài khoản nói trên.

Tại phiên tòa, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) và bà Đàm Thị Trinh (mẹ của bị cáo Việt) có kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên, hủy bỏ phong tỏa đối với 52 thẻ, sổ tiết kiệm của bà Trinh với số tiền hơn 400 tỷ đồng và 2 tài khoản đứng tên 2 con của bị cáo Việt và bà Thủy là số tiền 20 tỷ đồng.

Xét kháng cáo của bà Hồ Thị Thanh Thủy và bà Đàm Thị Trinh, HĐXX thấy rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã xác định toàn bộ số tiền trên là hưởng lợi bất chính của bị cáo Việt, do Việt chuyển đến trong quá trình phạm tội. Do đó, HĐXX sơ thẩm phong tỏa các sổ, thẻ tiết kiệm này là đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Việt là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Vì vậy, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo trên của bà Thủy và bà Trinh.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ly-do-cuu-bo-truong-bo-y-te-duoc-giam-1-nam-tu-381450.html