Lý do đằng sau việc các địa phương cấp tập xin xây thêm sân bay

Hàng loạt địa phương mong muốn đưa dự án sân bay về địa phương trong khi Bộ GTVT xác định chỉ xây thêm 9 cảng hàng không từ nay đến năm 2050.

Chỉ trong nửa đầu tháng 9, ba tỉnh Sơn La, Tuyên Quang và Kon Tum gửi văn bản đến Bộ GTVT và Chính phủ để xin bổ sung sân bay của tỉnh vào quy hoạch. Trong đó, Sơn La đã có sân bay Nà Sản nhưng muốn xây thêm sân bay Mộc Châu.

Trước đó, 7 địa phương khác khắp cả nước cũng kiến nghị đưa dự án cảng hàng không về địa phương.

Theo chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng, việc quy hoạch sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050 chưa được phê duyệt suốt thời gian qua là do áp lực từ các địa phương muốn bổ sung vào quy hoạch.

Ồ ạt xin bổ sung quy hoạch

Cả nước hiện nay có 22 sân bay được khai thác dân dụng. Theo dự thảo quy hoạch của Bộ GTVT, con số này đến năm 2030 sẽ tăng lên 28 và định hướng đến năm 2050 tăng lên 31 sân bay.

6 sân bay được xây mới từ nay đến 2030 gồm: Long Thành, Phan Thiết, Quảng Trị, Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản. Đến năm 2050, thêm 3 sân bay được xây mới gồm: Cao Bằng, Hải Phòng và sân bay thứ 2 vùng thủ đô (dự kiến đặt ở đông nam Hà Nội).

Sân bay Long Thành đang được xây dựng với quy mô lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hiện còn nhiều địa phương đề xuất quy hoạch sân bay nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận. Điều này dẫn đến xu hướng các tỉnh ồ ạt gửi công văn lên Chính phủ xin bổ sung thêm sân bay của tỉnh mình vào quy hoạch.

Trong nửa đầu tháng 9, Sơn La, Tuyên Quang và Kon Tum đồng loạt gửi văn bản xin bổ sung quy hoạch sân bay của tỉnh. Trước đó, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Đắk Nông, Hà Giang, Bắc Giang và Bình Phước cũng kiến nghị đưa dự án sân bay về địa phương.

Lý do địa phương xin quy hoạch sân bay chủ yếu để phục vụ phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các tỉnh cũng đồng loạt lựa chọn đối tác công tư PPP làm phương thức huy động vốn để thực hiện dự án.

Trao đổi với Zing, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết dự thảo quy hoạch sân bay toàn quốc được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua và đã trình lên Thủ tướng.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã lấy ý kiến của 63 tỉnh thành và tiếp thu toàn bộ ý kiến. Do đó, Cục Hàng không - cơ quan được Bộ GTVT giao lập quy hoạch - hiện nay chỉ chờ chỉ đạo của Thủ tướng.

Đại diện Bộ GTVT cho biết sau khi dự thảo được hoàn thiện, một số địa phương tiếp tục gửi báo cáo xin bổ sung sân bay của tỉnh mình. Trong đó, một số địa phương bảo lưu kiến nghị cũ, điều chỉnh kiến nghị và có cả trường hợp phát sinh kiến nghị về sân bay mới.

Lo ngại sân bay nhiều nhưng ế khách

"Trong số 5 quy hoạch giao thông toàn quốc, quy hoạch sân bay được hoàn thành dự thảo sớm nhất, nhưng đến nay lại được phê duyệt chậm nhất", TS Nguyễn Bách Tùng, chuyên gia quy hoạch hàng không, chia sẻ với Zing.

Bộ GTVT được giao lập 5 quy hoạch ngành giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy. Đến nay, 4/5 quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt ban hành.

Các dự án sân bay được quy hoạch thường tạo ra tình trạng đầu cơ bất động sản tại địa phương. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, các tỉnh đều cho thấy đề xuất của mình là chính đáng nếu nhìn từ góc độ phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể quy hoạch toàn quốc, ông Tùng cho rằng việc "lạm phát" sân bay sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

"Mạng sân bay toàn quốc cần có quy hoạch chung để tránh xung đột vùng trời. Thêm sân bay thì lượng vận chuyển sẽ bị san sẻ", chuyên gia phân tích.

Ông Tùng đưa ra số liệu thống kê sản lượng khách đi máy bay năm 2019 (trước dịch Covid-19) cho thấy cả nước chỉ có 4 sân bay đạt trên 5 triệu khách gồm: Tân Sơn Nhất (41 triệu), Nội Bài (29 triệu), Đà Nẵng (15,5 triệu), Cam Ranh (9,7 triệu). Những sân bay còn lại chỉ trên dưới 1 triệu khách/năm.

Vân Đồn - sân bay hình mẫu về việc đầu tư bằng vốn BOT - khi đó chỉ đạt sản lượng 259.000 khách/năm, nằm ở nhóm cuối của danh sách.

Năm 2019, chỉ 4 sân bay đạt trên 5 triệu khách. Đồ họa: Ngọc Tân.

Theo chuyên gia hàng không, sân bay xây mới mà sản lượng khách dưới 5 triệu lượt/năm thì khó thu hồi được vốn. Những con số nêu trên là tín hiệu cần cảnh báo cho hàng loạt tỉnh thành đang muốn đầu tư thêm cảng hàng không BOT tại địa phương mình.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, cho biết Nhật Bản từng trải qua giai đoạn phát triển sân bay ồ ạt vào những năm 1980. Đến nay, nước này có 137 sân bay, gấp 6 lần Việt Nam dù diện tích đất nước chỉ tương đương.

Ông Bình cho rằng việc đầu tư quá dàn trải khiến số lượng sân bay có sẵn không dùng hết công suất, mỗi ngày chỉ có 1-2 chuyến bay. Trong bối cảnh có sự hoạt động của đường sắt cao tốc Shinkansen, sự tồn tại của hệ thống sân bay dày đặc càng gây lãng phí.

"Sân bay xây lên mà khách đi lại ít thì gần như không có ý nghĩa. Nó chỉ ý nghĩa trong giai đoạn kích cho giá bất động sản bỗng dưng tăng vọt lên và một số người giàu nhanh chóng. Hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội là không lớn", ông Bình chia sẻ.

Theo tính toán của Bộ GTVT, con số 28 sân bay vào năm 2030 sẽ giúp nâng tổng công suất sân bay toàn quốc lên khoảng 283 triệu khách/năm, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới sân bay trong phạm vi 100 km. Mật độ này được Bộ GTVT đánh giá là phù hợp với các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-dang-sau-viec-cac-dia-phuong-cap-tap-xin-xay-them-san-bay-post1355481.html