Lý do giới chức thuộc địa muốn giữ con gái Đề Thám ở Pháp vĩnh viễn

Sau khi xin về Việt Nam, Hoàng Thị Thế cố gắng tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo và đặc biệt là những người An Nam yêu nước.

 Bà Hoàng Thị Thế trong phim Le secret de l’eméraude, năm 1936.

Bà Hoàng Thị Thế trong phim Le secret de l’eméraude, năm 1936.

Năm 1922, Hoàng Thị Thế xin về lại quê hương. Đó là “ngày 23 tháng 10 năm 1923, sau 6 năm ở Pháp và một tháng đi biển, Hoàng Thị Thế xuống tàu S.S Chantilly cập cảng Sài Gòn. Ít nhất cho tới đầu năm 1924, bà đã ở nhà các bà sơ thuộc tu viện Saint-Paul de Chartres, tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu)”. (1)

Theo lời kể của cô cháu gái Hoàng Thị Điệp thì bà tiếp tục theo học tại Sài Gòn trước khi về Hà Nội.

Tại Hà Nội, bà được giao công việc thư ký trong thư khố tại phủ Thống sứ Bắc kỳ. “Hoàng Thị Thế rất có thể đã trở về nhà để gặp gỡ gia đình, và cũng có thể, như lịch sử đã cho thấy, rằng bà bị khó xử bởi vị thế chính trị của mình tại Hà Nội.

Tuy nhiên, lý do chính dường như là vì bà đã bày tỏ một nguyện vọng liên quan tới tương lai của mình trong vòng ba mươi năm tới, một nỗ lực thiết lập quyền sở hữu hợp pháp vùng nhượng địa cũ của cha bà ở Phồn Xương. […] Rõ ràng, Hoàng Thị Thế và các nhà chức trách Pháp có quan điểm rất khác biệt về yêu sách này.

Vấn đề đặt ra là quy mô của nhượng địa lúc ban đầu và tính hợp pháp của yêu sách của Hoàng Thị Thế. Suốt nửa đầu năm 1927, qua một loạt thư từ, Hoàng Thị Thế khẳng định rằng cha bà sở hữu đến mười hai nghìn hecta đất. Bà yêu cầu người Pháp nhượng lại cho bà ba nghìn hecta trong tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, trung tâm căn cứ địa cũ của Đề Thám, và bà khẳng định rằng Albert Sarraut đã hứa với bà điều đó khi bà lên đường sang Pháp năm 1917.

Tuy nhiên, bà cũng sẵn sàng chấp nhận đất đai nơi khác nếu các quan chức lo ngại về sự hiện diện của bà trong vùng Yên Thế. Các nhà chức trách Pháp, vì không tìm thấy một dấu vết nào về lời hứa của Albert Sarraut (rất có thể ông ta chưa từng hứa), đã khẳng định rằng không những Đề Thám chưa bao giờ sở hữu nhiều đất như vậy, mà thậm chí người Pháp đã nhượng cho ông ta phần đất ông ta từng khai khẩn theo khuôn khổ của hiệp ước ký năm 1901. Vì Đề Thám đã phá vỡ hiệp ước, nên họ lập luận rằng con gái ông ta không có bất cứ quyền gì đối với bất cứ vùng đất nào”. (2)

Qua cuốn Kỷ niệm của Hoàng Thị Thế [...], chúng ta biết rằng: “Năm năm sau khi học xong ở Pháp”, chính xác hơn là ngày 23 tháng 10 năm 1923 (xem ở trên), bà trở về “Hà Nội làm việc thủ thư ở phủ Thống sứ”. Hãy lưu ý rằng bà không đả động tới hai năm ở Sài Gòn.

Chính tại nơi làm việc mà một hôm bà gặp Alfred Bouchet tới thăm, lúc bấy giờ ông ta là Công sứ Hải Dương, một tỉnh nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng. Hoàng Thị Thế kể lại cuộc trò chuyện có phần gay gắt giữa họ:

“- Ôi chao! Cô xinh đẹp quá! Tôi nhớ hồi gặp cô, cô còn ốm nhom.

Hắn bâng quơ cầm một cuốn sách, nói với tôi:

- Có vẻ như cô được cấp trên bao bọc lắm. Xinh đẹp thế cơ mà! Sắc đẹp là một thứ vũ khí tiến thân tuyệt vời.

- Thị Thế: Xin ông! Đừng vấy bẩn lòng tốt của những người giám hộ tôi nếu không ông sẽ có thể bị cách chức.

- A.B.: Ái chà! Cô giống hệt cha cô ở cái điểm này đấy.

- T.T.: Ông còn phải ngờ?

- A.B.: Ồ! Không! Nhưng cha cô đâu phải là một kẻ thủ đoạn.

- T.T.: Chính vì thế mà ông mới mất thầy tôi. Nhưng với tôi, ông cứ việc cuốn xéo. Tôi đã có thừa kinh nghiệm và những tên đạo đức giả, tôi đánh hơi được chúng từ xa.

Hắn tức giận bỏ đi. Tôi sung sướng vì đã ném thẳng những lời đó vào mặt tên sát nhân ấy. Những kẻ sát nhân núp bóng luật pháp mới là những kẻ hiểm độc hơn cả.

Tôi vẫn còn em Phồn và các cháu trai, cháu gái. Tôi không muốn gây gổ thêm với hắn nhưng thực sự muốn cho hắn một cái tát. Thời điểm năm 1925, hắn đang là Công sứ Hải Dương”.

Suốt thời gian ở Hà Nội, Hoàng Thị Thế tận dụng tiếng tăm và các mối quan hệ thân thiết với viên Toàn quyền để xin cho các cháu trai, chồng của bốn cô con gái của người anh cùng cha khác mẹ là Cả Trọng, được làm Xã trưởng trong mỗi làng họ ở. Không phải tất cả đều được cất nhắc, nhưng ít nhất hai trong số họ được bổ nhiệm. Ngày nay, con cháu của các dân làng liên quan đó vẫn còn nhớ. (3)

Theo cô cháu gái Hoàng Thị Điệp (con thứ hai của Hoàng Bùi Phồn (tức Văn Vi), chị của Hoàng Thị Hải), thì thời điểm đó, Hoàng Thị Thế còn đi gặp bà Thanh, chị gái ông Hồ Chí Minh và cả chàng thanh niên Trường Chinh (1907-1988).

Tại Hà Nội, Hoàng Thị Thế sống với cậu em Hoàng Bùi Phồn ở phố Hàm Long. Ngoài giờ làm việc, bà còn cố gắng tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghèo và đặc biệt là những người An Nam yêu nước. Quả vậy, “bà Thế đưa em trai [Hoàng Bùi Phồn] đến các hiệu may ở Hà Nội (thời đó chưa có nhiều hiệu may), mỗi nơi may cho ông hai bộ. Kỳ thực đó là cách che mắt thực dân Pháp, quần áo may xong được giao cho những thanh niên ái quốc cần đi ra nước ngoài”. (5)

Hồi đó ở Hà Nội tiệm may không nhiều nên cảnh sát Pháp dễ dàng phát hiện kế hoạch nhỏ của cô thủ thư, hơn nữa cô hẳn phải là mục tiêu theo dõi ngầm kể từ khi về thủ đô.

Vì vậy mà, năm 1927, Hoàng Thị Thế được yêu cầu trở lại Pháp, nơi nhà cầm quyền Pháp dùng mọi phương cách giữ bà vĩnh viễn ở mẫu quốc.

--------------------

1. Charles P. Keith, The curious case of Hoàng Thi Thê, tlđd, tr. 88.

2. Charles P. Keith, The curious case of Hoàng Thi Thê, tlđd, tr. 90.

3. Đặng Vương Hạnh, “Đi tìm con cháu ‘Hùm thiêng Yên Thế’ Đề Thám và việc tìm hài cốt của người anh hùng”, Phóng sự An ninh thế giới, số 118 (25/3/1999) và số 119 (01/4/1999).

5. Đặng Vương Hạnh, “Đi tìm con cháu ‘Hùm thiêng Yên Thế’ Đề Thám và việc tìm hài cốt của người anh hùng”, Phóng sự An ninh thế giới, số 118, 25/3/1999, tr. 5.

Claude Gendre / Omega Plus - NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-gioi-chuc-thuoc-dia-muon-giu-con-gai-de-tham-o-phap-vinh-vien-post1412353.html