Lý do 'Iron Man 3' không làm hài lòng khán giả Trung Quốc

Những đoạn phim được cắt dựng hời hợt, sự xuất hiện mờ nhạt của Phạm Băng Băng trong 'Iron Man 3' đã khiến khán giả Trung Quốc phẫn nộ.

Theo SCMP, Iron Man 3 đã ra mắt cách nay 8 năm nhưng vẫn luôn là chủ đề nóng được người yêu phim bàn luận. Đặc biệt khi vừa qua, vai phản diện The Mandarin ở bom tấn này được hồi sinh trong Shang Chi and the Legend of the Ten Rings.

Trong nguyên tác truyện tranh, The Mandarin - diễn viên hết thời, nghiện ngập, tình nguyện trở thành con rối trong tay kẻ thủ ác Aldrich Killian - là người Trung Quốc. Khi chuyển thể lên màn ảnh, nhân vật từng do Ben Kingsley đảm nhận trước khi được Lương Triều Vỹ thể hiện lại trong tác phẩm của đạo diễn Destin Daniel Cretton.

Nguồn gốc rắc rối của The Mandarin

Theo SCMP, việc Marvel Studios nhập nhằng trong cách giải thích nguồn gốc The Mandarin khiến người xem, nhất là khán giả Trung Quốc, cảm thấy khó chịu.

Ban đầu, Iron Man 3 dự kiến là cú bắt tay Mỹ - Trung, nhưng sau đó Mỹ nắm toàn quyền kiểm soát và sáng tạo. Để làm hài lòng nhà kiểm duyệt cùng những khán giả dễ tổn thương lòng tự tôn dân tộc ở Trung Quốc, nhà sản xuất đã phủ nhận tên sát nhân The Mandarin là người Trung Quốc - trái với những gì đã ghi ở truyện.

Chia sẻ trên báo, Kevin Feige - Chủ tịch Marvel Studios - lên tiếng thanh minh về tính phi sắc tộc và mơ hồ về nguồn gốc nhân vật. Ông nói chiếc áo choàng với đầy biểu tượng rồng phượng xứ Trung chỉ thể hiện nỗi ám ảnh trước Tôn Tử và các tài liệu binh pháp chiến tranh mà The Mandarin nghiên cứu.

 The Mandarin do Ben Kingsley đảm nhận ở Iron Man 3 được hồi sinh trong Shang Chi and the Legend of the Ten Rings qua diễn xuất của Lương Triều Vỹ. Ảnh: Screenrant.

The Mandarin do Ben Kingsley đảm nhận ở Iron Man 3 được hồi sinh trong Shang Chi and the Legend of the Ten Rings qua diễn xuất của Lương Triều Vỹ. Ảnh: Screenrant.

Trong Iron Man 3, The Mandarin do ngôi sao người Anh Ben Kingsley thể hiện. Biên kịch Drew Pearce kể các cảnh của Kingsley phải quay đi quay lại nhiều lần vì "nhân vật chưa đủ thật như mong muốn".

"Dù The Mandarin thực sự là ai, Marvel cũng lảng tránh nguồn gốc nhân vật để không làm mất lòng bất kỳ ai. Với chất giọng Texas và bộ râu xồm xoàm, Kingsley trông khác hẳn hình dung về tên phản diện châu Á", SCMP viết.

Trong một đoạn hội thoại cùng Tony Stark, The Mandarin ví câu chuyện của Người Sắt như "những chiếc bánh quy may mắn". "Trông chúng có vẻ Trung Quốc, nghe có vẻ Trung Quốc, nhưng thực sự chúng là phát minh của Mỹ", The Mandarin nói.

Nhân vật sau đó hứa phá hủy Nhà hát Trung Quốc TCL ở Los Angeles và tuyên bố nơi này là "món đồ nhái rẻ tiền của Mỹ".

SCMP cho rằng kiểu thoại nhạy cảm này đã khiến nhà làm phim cảm thấy gượng gạo khi thực hiện các cảnh bổ sung ở Bắc Kinh mà không có Robert Downey Jr. và đạo diễn Shane Black. Với tổng thời lượng 4 phút, những cảnh bổ sung được ghép vào đoạn phim đặc biệt chỉ chiếu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, đoạn phim được nhà phê bình đánh giá là kết quả của sự cẩu thả trong khâu biên tập, và chất lượng còn tệ hơn bản chỉnh sửa cho vui của người hâm mộ.

Sự xuất hiện vô nghĩa của Phạm Băng Băng

Theo SCMP, cảnh phim bổ sung tập hợp phân đoạn có Vương Học Kỳ và Phạm Băng Băng - hai ngôi sao vốn bị cắt hoặc không có đất diễn trong phiên bản quốc tế.

Phim theo chân tiến sĩ Wu (Vương Học Kỳ), người phẫu thuật tim cho Tony Stark. Nhân vật nói chuyện điện thoại với quản gia người máy của Stark là Jarvis (Paul Bettany), sau đó chuẩn bị tiến hành ca phẫu thuật. Phần còn lại của phim là sự sắp xếp cảnh quay một cách chiếu lệ.

"Người Sắt dựa vào điều gì để hồi sinh năng lượng? Đó là Gu Li Duo (loại thức uống từ sữa được sản xuất ở Nội Mông)", dòng chữ hiện lên ở phần mở đầu, trước khi phim chuyển sang cảnh tiến sĩ Wu thưởng thức một ly sữa đầy.

Cảnh phim đan cài nhiều đoạn quảng cáo và lời cảm ơn đến các đơn vị tài trợ Zoomlion và TCL. Khán giả xem phim cảm thấy nhàm chán với những đoạn quảng cáo lộ liễu này.

Phạm Băng Băng xuất hiện ít ỏi trong Iron Man 3. Ảnh: SCMP.

Phạm Băng Băng được PR rầm rộ nhưng chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong phim với vai nữ y tá giấu tên. Cảnh nữ diễn viên xuất hiện có nhịp chậm rãi nên bị đánh giá rời rạc, tách biệt khỏi các phân đoạn dồn dập vốn là đặc trưng trong sáng tạo của Shane Black.

"Chỉ cần so sánh đoạn này với cảnh Stark gặp gỡ Rhodes, dễ dàng nhận ra sự kém chất lượng và dư thừa nội dung. Đó là lý do tại sao loạt nhân vật trong đoạn cut 'đặc biệt' không được đề cập trong bản tóm tắt tiếng Anh và cả tiếng Trung của Wikipedia", SCMP cho biết.

Blogger Eric Jou ở Trung Quốc gọi khâu xử lý đoạn phim là "mớ hỗn độn". Jou đồng ý việc thêm Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ vào phim không có tác dụng nâng tầm cốt truyện, đồng thời gọi nhân vật của hai diễn viên là “vai phụ của các vai phụ”. Trong khi tờ Nhân dân Nhật báo cũng tuyên bố các cảnh phim là vô nghĩa.

Với kinh phí sản xuất 200 triệu USD, Iron Man 3 đạt doanh thu 1,2 tỷ USD toàn cầu, nhưng chỉ mang về 121 triệu USD tiền bán vé ở thị trường Trung Quốc béo bở.

SCMP cho rằng nếu Marvel Studios không cố gắng làm hài lòng Trung Quốc bằng những nước đi sai lầm, thì có lẽ bom tấn năm 2013 sẽ còn thành công hơn nữa.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-iron-man-3-khong-lam-hai-long-khan-gia-trung-quoc-post1281270.html