Lý do khiến cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thoát án tử

Theo bản án vừa được tuyên, HĐXX TAND TP Hà Nội cho rằng cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải tuyên mức án cao nhất là tử hình như đề nghị trước đó của VKS.

Sau gần 3 giờ đồng hồ tuyên đọc bản án, trưa nay, HĐXX đã tuyên phạt cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 16 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, chung thân về tội nhận hối lộ; tổng hợp hình phạt chung cho hai tội là chung thân.

Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son

Cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son

"Không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình"

Với tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX cho rằng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã có mối quan hệ, đã có nhiều cuộc điện thoại và trao đổi tin nhắn với cựu Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ trong suốt quá trình AVG xin hướng dẫn thủ tục bán cổ phần cho đối tác nước ngoài cho đến khi MobiFone thanh toán tiền mua 95% cổ phần cho các cổ đông AVG. Điều này thể hiện rõ qua list điện thoại cơ qua điều tra đã thu thập được trong hồ sơ vụ án.

Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Trương Minh Tuấn thông báo AVG không được bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Bị cáo Son là người biết AVG có nhu cầu bán cổ phần và biết MobiFone trình Bộ TT&TT xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình bằng phương thức đầu tư mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Son đã giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG, đồng thời chỉ đạo Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT) đưa giao dịch này vào danh mục “Mật”.

Nguyễn Bắc Son cũng là người chỉ đạo Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT) ký các văn bản liên quan đến dự án, trong đó có quyết định 236 phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, dù Tuấn không phân công được phụ trách lĩnh vực đầu tư tài chính doanh nghiệp, không được phân công theo dõi và chỉ đạo MobiFone…

Son là người ký quyết định thành lập tổ thẩm định khi Son biết Bộ TT&TT không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua cũng như hiệu quả đầu tư dự án. Nguyễn Bắc Son cũng là người chỉ đạo Lê Nam Trà ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng giữa MobiFone và các cổ đông AVG…

HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng TT&TT, có vai trò quan trọng nhất, là bị cáo đầu vụ trong các bị cáo bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX cũng đánh giá các bị cáo trong vụ án đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo.

Riêng đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, bản án nhận định bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp, là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp ban, lao động xuất sắc nhiều năm; là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương chiến công hạng nhất, Huân chương quân kỳ quyết thắng, Huy chương chiến sỹ giải phóng, Huy chương chiến sỹ vẻ vang.

Sức khỏe bị cáo yếu, gia đình bị cáo có truyền thống cách mạng. Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ TNHS với bị cáo Son.

Về hành vi tội nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Bắc Son có hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD. HĐXX cho rằng gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã thay bị cáo nộp lại 66 tỉ đồng là số tiền bị cáo Son đã nhận hối lộ. Bị cáo Son đã tự nguyện nộp hơn 500 triệu đồng có trong tài khoản bị phong tỏa.

“Bị cáo Son đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng, thể hiện sự thành khẩn và ăn năn hối cải. Bản thân bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác nên không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình như đề nghị của VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa”- HĐXX nhận định.

Những tình tiết giảm nhẹ mà ông Nguyễn Bắc Son được hưởng

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội (mới tuyên sáng nay, 28-12), bị cáo - cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s,v,x khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.

Các tình tiết giảm nhẹ này là:

- Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải (điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015)

- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS 2015)

- Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng (điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS 2015)

- Tình tiết giảm nhẹ khác (theo khoản 2 Điều 51 BLHS 2015).

Cựu Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vũ. Ảnh: ĐỨC MINH

Cân nhắc giảm đáng kể hình phạt cho Phạm Nhật Vũ

Cũng trong bản án sáng nay, cựu Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vũ bị tuyên phạt 3 năm tù về tội đưa hối lộ.

HĐXX đánh giá quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Phạm Nhật Vũ có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo đã chủ động, tích cực cùng MobiFone đàm phán thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án. Bị cáo đã trả cho MobiFone hơn 8.400 tỉ đồng và gần 330 tỉ đồng là những chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo Vũ đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Cạnh đó, bị cáo là doanh nhân có nhiều việc làm cống hiến tích cực cho xã hội, được Chủ tịch nước gửi thư khen, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, văn bản tuyên dương của các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Gia đình bị cáo có công với cách mạng…

Bị cáo là người đầu thú, là người thường xuyên làm các công tác trợ giúp xã hội, tài trợ cho các dự án, công trình an sinh xã hội, trợ giúp đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt, tri ân gia đình anh hùng, liệt sỹ, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng… với số tiền hàng nghìn tỉ đồng.

Bị cáo là trụ cột gia đình có nhiều người con. Rất nhiều tổ chức, cá nhân gửi đơn xin khoan hồng dành cho bị cáo Phạm Nhật Vũ như Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Nguyên Tổng thống cộng hòa Kalmykia (thuộc Liên bang Nga) và nhiều doanh nhân, trí thức khác.

Tại phiên tòa, có nhiều bị cáo xin khoan hồng và giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ. Bị cáo cùng gia đình đã khắc phục triệt để hậu quả thiệt hại của vụ án với số tiền đặc biệt lớn với nhiều mục đích tốt đẹp, trong đó có mục đích nhằm giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo trong vụ án.

“Đây là những tình tiết để HĐXX xem xét, cân nhắc để giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo Vũ”- bản án nêu rõ đồng thời lý giải trong vụ án này, khi quyết định hình phạt, HĐXX cũng xem xét bối cảnh, nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo.

Đặc biệt là sự khắc phục triệt để số tiền MobiFone đã thanh toán mua 95% cổ phần của AVG cùng các chi phí khác. Ngoài ra, các bị cáo nhận hối lộ đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng là căn cứ quan trọng để xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt dành cho các bị cáo.

Những tình tiết giảm nhẹ của cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Cựu bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn bị tuyên phạt năm tù về Tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 8 năm tù về tội nhận hối lộ. Tồng hợp hình phạt là 14 năm tù.

HĐXX đánh giá bị cáo Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng Bộ TT&TT) là những người thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son. Bị cáo Trương Minh Tuấn (cùng với cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT Phạm Đình Trọng) thực hiện hành vi phạm tội với vai trò là đồng phạm giúp sức. Hành vi của các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt lớn, với số tiền gần 6.600 tỉ đồng cho MobiFone.

Bị cáo Trương Minh Tuấn có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, nhiều bằng khen các cấp, chiến sỹ thi đua cơ sở, là người có công với cách mạng, được tặng thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhì… Bị cáo đã chỉ đạo tích cực trong việc khắc phục hậu quả của vụ án, bị cáo tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Bị cáo Tuấn sức khỏe yếu, gia đình có công với cách mạng. Bộ TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị xem xét giảm nhẹ TNHS cho bị cáo Tuấn.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/ly-do-khien-cuu-bo-truong-nguyen-bac-son-thoat-an-tu-880461.html