Lý do khiến phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 thế giới

KHỎE+ Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não

Điều này đủ để biến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trở thành một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất với con người hiện nay. Thế nhưng vì lẽ gì mà căn bệnh này lại nguy hiểm đến như vậy?

1.Bệnh phổi mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn

Phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh lý đặc trưng thuộc đường hô hấp làm tắc nghẽn đường thở và không hoàn toàn hồi phục. Thực tế bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có 2 dạng: dạng viêm phế quản mạn tính và dạng khí phế thũng. Có người mắc cả 2 dạng và triệu chứng của 2 dạng cũng tương tự nhau nên người ta gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo các bác sĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn và tiến triển nặng lên liên tục. Đây là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi trên toàn cầu. Bệnh nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể thấy khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ bao gồm cả việc hạn chế đi lại như đi dạo, đi chợ, hay khó khăn tổ chức các hoạt động.

2. Nhiều biến chứng

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể khiến cho người bệnh gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: tràn khí màng phổi (Là biến chứng thường gặp nhất và phải luôn cảnh giác ở bất cứ bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính nào)., tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải, loạn nhịp tim, đa hồng cầu.

Một số biến chứng khác có thể gặp là tình trạng tăng nồng độ men chuyển angiotensin trong máu, ho nhiều, suy kiệt, rối loạn nước điện giải và thăng bằng kiềm toan ở các mức độ khác nhau. Các biến chứng này luôn góp phần làm xấu thêm tình trạng bệnh lý tắc nghẽn sẵn có.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 4 trên thế giới, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não

3. Tỷ lệ tử vong cao

Chính vì có nhiều biến chứng nghiêm trọng, cộng với việc người bệnh chủ quan, phát hiện bệnh khi bệnh tình trở nặng làm giảm khả năng điều trị khiến cho bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có khả năng gây tử vong cao. Số người chết vì căn bệnh này lên tới hơn 3 triệu người mỗi năm.

Ước tính, khoảng 329 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên toàn thế giới và con số này còn tiếp tục gia tăng trong những thập niên tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số. Các nhà khoa học dự đoán rằng số người mắc bệnh sẽ tăng lên gấp 3 - 4 lần trong thập kỷ này và đến năm 2020, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2% trong đó nam là 7,1% và nữ là 1,9%. Trong năm 2016, bệnh nhân tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn ở nước ta đã đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng sau các bệnh lý về tai biến mạch máu não và vượt lên cả số người chết do ung thư.

4. Chi phí điều trị cao

Hiện nay, bệnh nhân COPD thường chiếm 25% số giường trong các khoa hô hấp. Căn bệnh đang trở thành gánh nặng to lớn cho kinh tế Việt Nam, từ chi phí điều trị trực tiếp như tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.

Giáo sư Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội ước tính chi phí điều trị của một bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không được điều trị duy trì dẫn đến phải nhập viện là 225 triệu mỗi năm, gấp hơn 10 lần so với chi phí điều trị ngoại trú trong giai đoạn ổn định. Đây là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế Việt Nam.

5. Dễ khiến bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm

Một nghiên cứu khảo sát được thực hiện tại Bắc Mỹ, 6 nước Châu Âu đã chỉ ra tình trạng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khiến người bệnh có cảm giác lo lắng, cảm giác bị cô lập hoặc thấy mình trở nên vô dụng, phụ thuộc người khác do đó khiến họ có khả năng bị trầm cảm.

Ly Tâm

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus.vn/phong-mach/ly-do-khien-phoi-tac-nghen-man-tinh-la-nguyen-nhan-gay-tu-vong-thu-4-the-gioi-22782.html