Lý do Nga, Mỹ nhất loạt tập trận hạt nhân, song không để căng thẳng leo thang

Ukraine muốn NATO can dự trực tiếp hơn vào cuộc xung đột ở nước này, nhưng Mỹ sẽ không làm theo.

Tập trận đa quốc gia "Cold Response" 2022 tổ chức tại Na Uy vào tháng 3 năm nay. Ảnh: VCG

Tập trận đa quốc gia "Cold Response" 2022 tổ chức tại Na Uy vào tháng 3 năm nay. Ảnh: VCG

Các nhà phân tích Trung Quốc ngày 26/10 nhận xét việc Nga thông báo với Mỹ về kế hoạch tập trận răn đe hạt nhân "Grom" hàng năm cho thấy giữa hai cường quốc này vẫn duy trì kênh liên lạc hiệu quả, bất chấp căng thẳng nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Dù vậy, mối lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ leo thang hơn nữa vẫn đang gia tăng, với việc các nước châu Âu đưa ra đề nghị hòa giải giữa các bên và thậm chí bày tỏ nghi ngờ về chiến lược cô lập Nga. Trong khi đó, những người khác tin rằng khi giao tranh bùng nổ ở các vùng thuộc Ukraine như Kherson, xung đột chắc chắn sẽ leo thang.

Cùng lúc đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu cũng tổ chức tập trận răn đe hạt nhân mang mật danh "Steadfast Noon". Sự kiện này đang diễn ra trên vùng trời Tây Bắc châu Âu từ ngày 17 – 30/10 với sự tham gia của 60 máy bay quân sự từ 14 quốc gia NATO. Hãng Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của NATO tuyên bố cuộc tập trận này giúp đảm bảo rằng hoạt động răn đe hạt nhân của liên minh này vẫn an toàn và hiệu quả.

Hôm 24/10, Nhà Trắng xác nhận rằng Nga đã thông báo cho Mỹ về kế hoạch tập trận hạt nhân mới nhất. Và phía Mỹ cho biết động thái của Nga nhằm làm giảm nguy cơ gây hiểu lầm giữa các nước.

Trước đây, Nga từng bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong các cuộc tập trận "Grom". Giới chức Mỹ cho biết theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), Nga có nghĩa vụ thông báo trước về các vụ phóng tên lửa như vậy

"Mỹ đã nhận được thông báo, và như chúng tôi đã nhấn mạnh trước đây, đây là cuộc tập trận thường niên của Nga", Tướng Patrick Ryder, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Mỹ, cho hay.

Trong khi đó, ông Cui Heng, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói rằng: “Luôn có một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Nga về việc tránh chiến tranh hạt nhân”. Cụ thể, khi Nga và Ukraine tấn công các cơ sở dân sự của nhau vài ngày trước, Washington và Moskva ngay lập tức kết nối trò chuyện qua đường dây nóng ngay lập tức giữa nhằm tránh những tính toán sai lầm về mặt chiến lược giữa hai bên.

Chuyên gia Cui lưu ý rằng đối với cả Mỹ và Nga, họ không bao giờ để “giận quá mất khôn", vì Ukraine không phải là lợi ích trực tiếp của Mỹ, và Nga vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được trên chiến trường Ukraine.

Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 5 vào hôm 21/10.

Ông Song Zhongping, chuyên gia quân sự kiêm bình luận viên trên truyền hình Trung Quốc, nói với Global Times rằng các cuộc tập trận của Nga là nhằm gửi thông điệp “hãy tránh xa và không tham gia trực tiếp vào xung đột” đến Mỹ. Và theo ông, các cuộc tập trận hạt nhân của NATO không nhằm bắn tín hiệu đối với Nga, mà lại là chính các thành viên của khối này, rằng “chúng ta cũng có khả năng răn đe hạt nhân, nhưng chỉ các thành viên NATO mới được bảo vệ, vì vậy đừng quá lo lắng về những gì xảy ra ở Ukraine".

Nói cách khác, theo ông Song, mặc dù chính phủ ở Kiev rất muốn Mỹ hoặc NATO đáp trả cho những thiệt hại từ các cuộc tấn công tên lửa của Nga tại Ukraine, nhưng NATO đang nói với Kiev rằng "điều này là không thể”.

Các chuyên gia cho biết trong khi Ukraine muốn xung đột leo thang để Mỹ và các thành viên NATO khác buộc phải can dự trực tiếp, nhiều nước châu Âu, cũng là thành viên NATO, đang thể hiện lập trường miễn cưỡng hơn là duy trì thái độ đối đầu và cô lập đối với Moskva.

Lập trường ở châu Âu đã ghi nhận chiều hướng thay đổi hoàn toàn khác so với nửa đầu năm nay. Trong khi các nước Đông Âu như Litva đang theo sát bước chân của Mỹ, thì các nước Tây Âu như Pháp và Đức - những cường quốc của EU - đã nhận ra rằng họ phải gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh tương lai của lục địa này với tư duy thực tế hơn.

"Đây là một dấu hiệu tốt về việc giảm leo thang, vì châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng một người hòa giải phù hợp là rất quan trọng để ngăn chặn các cuộc xung đột bùng phát thêm", chuyên gia này nói.

Tạp chí chính trị Le Point ngày 25/10 đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị Giáo hoàng Francis kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho rằng các nước phương Tây không nên cô lập Nga, thay vào đó là thiết lập các mối liên lạc trực tiếp.

"Sẽ không có gì tốt đẹp nếu cô lập Nga. Điều đáng báo động là ngày nay chúng ta có quá ít liên lạc và trao đổi trực tiếp với Nga", ông Store nói trước Quốc hội Na Uy,

Trên thực tế, các quốc gia như Đức, Pháp và Italy đang giảm tốc độ bán vũ khí và viện trợ cho Ukraine. Ông Cui nhận định lý do khách quan là năng lực sản xuất của chính châu Âu còn hạn chế, nhưng lý do đằng sau đó chính là các nhà sản xuất vũ khí lớn ở các nước này đã và đang thay đổi thái độ đối với Nga.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Global Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-nga-mynhat-loat-tap-tran-hat-nhan-song-khong-de-cang-thang-leo-thang-20221027150123411.htm