Lý do ngành hạt nhân Nga vẫn an toàn trước các lệnh trừng phạt

Các công ty hạt nhân của Nga rõ ràng đã vắng mặt trong tất cả các danh sách trừng phạt của phương Tây. Là bởi phương Tây hiểu rõ, các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực này có thể vượt ra ngoài tác động kinh tế tức thời và dẫn đến những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả việc ảnh hưởng đến an toàn hạt nhân.

Rosatom (tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu Nhà nước của Nga)

Rosatom (tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu Nhà nước của Nga)

Lưỡng bại câu thương

Với một chiến dịch vận động hành lang cấp cao đang diễn ra ở Brussels, các quan chức phương Tây vẫn e dè khi đưa hạt nhân vào “gói trừng phạt” tiếp theo đối với Nga. Giáo sư Ivan Sascha Sheehan - Hiệu phó trường Cao đẳng Quan hệ công chúng tại Đại học Baltimore mới đây đã viết một bài bình luận về vấn đề này trên tạp chí National Interest. Mở đầu bài viết cho rằng, mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã muốn trừng phạt Rosatom (tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu Nhà nước của Nga) cùng với các nhà xuất khẩu năng lượng khác của Matxcơva, nhưng rõ ràng, lĩnh vực hạt nhân vắng mặt trong tất cả các danh sách trừng phạt. Còn với châu Âu, Hungary và Bulgaria nói rằng hậu quả sẽ rất tàn khốc và họ sẽ phủ quyết bất kỳ biện pháp nào do EU đề xuất nhằm vào Rosatom.

Trong quá khứ, ngay cả trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các đồng minh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hầu hết mọi thứ, từ đường ống dẫn khí đốt và cơ sở tín dụng đến xuất khẩu ngũ cốc sang Liên Xô, nhưng hợp tác hạt nhân dân sự vẫn được duy trì, không bao giờ bị ảnh hưởng. Westinghouse và Siemens ở Phần Lan tiếp tục bắt tay với người Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Loviisa. Pháp tiếp tục nhập khẩu phần lớn uranium đã được làm giàu từ nước Nga Xô Viết. Hợp tác hạt nhân không bao giờ dừng lại vì lý do chính đáng. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt trong chính trị quốc tế phải luôn được cân nhắc với những tác động tiềm ẩn từ phản ứng của đối phương. Khi nói đến kế hoạch áp trần giá dầu, ảnh hưởng là không nhiều vì điện Kremlin luôn có biện pháp ứng phó và về cơ bản áp mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga không tạo ra nhiều thay đổi đối với thị trường nhiên liệu toàn cầu. Nhưng hạt nhân hoàn toàn là một lĩnh vực khác khi mức độ phụ thuộc lẫn nhau cao hơn nhiều và rủi ro gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng cao hơn. Hậu quả có thể vượt ra ngoài tác động kinh tế tức thời và dẫn đến những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả việc ảnh hưởng đến an toàn hạt nhân. Ngoài ra, vì Rosatom là công ty thống trị toàn cầu, chiếm khoảng một nửa xuất khẩu hạt nhân mới của thế giới và khoảng 1/3 thị trường nhiên liệu hạt nhân nên Matxcơva hiểu rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây ra tác động tàn phá đối với ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ và châu Âu.

Không có giải pháp thay thế

Liên bang Nga vẫn cung cấp 14% lượng tiêu thụ uranium được làm giàu cho Mỹ (giảm từ 20% một thập kỷ trước, tương đương với 10% sản lượng điện của Mỹ). Hơn nữa, Nga có độc quyền trên thực tế khi cung cấp uranium có độ làm giàu thấp (HALEU) vốn là thứ rất quan trọng để cung cấp nhiên liệu cho 9/10 lò phản ứng hạt nhân tiên tiến hiện đang được phát triển ở Mỹ và được chính quyền Washington tài trợ. Ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ của lưỡng đảng và hàng tỷ đô la trong quỹ công để cắt giảm sự phụ thuộc uranium vào Nga, nhưng có thể sẽ mất nhiều năm để họ có tất cả công nghệ và các cơ sở làm giàu đi vào hoạt động. Còn tại châu Âu, thị phần của Rosatom chiếm gần 1/4 tại một số quốc gia, chẳng hạn như Bỉ, quốc gia phụ thuộc vào Nga tới 40% lượng uranium nhập khẩu.

Một yếu tố thậm chí còn quan trọng hơn là chế tạo nhiên liệu hạt nhân. Các cụm nhiên liệu lò phản ứng là những thiết bị phức tạp, có đầy đủ các tính năng công nghệ độc quyền và thời gian thử nghiệm lẫn cấp phép kéo dài gần 1 thập kỷ. Về mặt lý thuyết, nếu các nhà cung cấp của Mỹ và Pháp có thể thay thế Nga trong việc chế tạo nhiên liệu cho các lò phản ứng VVER-1000 loại mới do Nga thiết kế, thì nhà cung cấp của Pháp cũng vẫn phải dựa vào liên doanh của họ với Rosatom là một nhà máy đặt ở Lingen (Đức). Còn các lò phản ứng VVER-440 loại cũ do Liên Xô chế tạo phổ biến ở khắp Đông Âu dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong 10 năm tới vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga. Nếu Rosatom cắt nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho VVER-440, thì một khi lượng nhiên liệu dự trữ hiện tại đã được sử dụng hết, việc sản xuất điện sẽ dừng lại đối với tất cả các lò phản ứng hạt nhân ở Slovakia và Hungary, một nửa số lò phản ứng ở Cộng hòa Czech và 23% lò phản ứng hạt nhân ở Phần Lan. Do đó, Hungary và Slovakia sẽ phải đối mặt với việc giảm sản lượng điện khoảng 25%, Cộng hòa Czech 15% và Phần Lan 7%. Nỗ lực thay thế các nguồn cung cấp của Nga bằng các giải pháp thay thế chưa được thử nghiệm và có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của lõi lò phản ứng.

Ngoài lĩnh vực nhiên liệu hạt nhân, chỉ có người Nga hiện đang cung cấp một số đồng vị quan trọng cho thị trường thế giới và sẽ mất gần 1 thập kỷ để thay thế chúng. Ví dụ, sự thiếu hụt Cobalt-60 (Co-60) được sử dụng trong xạ trị cũng như khử trùng y tế, các mối hàn tia X công nghiệp và chiếu xạ thực phẩm có thể dẫn đến hàng nghìn ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm. Việc gián đoạn cung cấp Actinium-225 và Tungsten-188 sẽ cản trở việc áp dụng các quy trình điều trị ung thư tiên tiến và hiệu quả nhất, khiến hàng chục nghìn bệnh nhân ung thư không được điều trị. Việc thiếu nguồn cung cấp Californium-252 của Nga sẽ gây ra sự chậm trễ hơn nữa trong việc khởi động các lò phản ứng hạt nhân mới của Pháp được thiết kế để sử dụng làm chất khởi xướng phản ứng dây chuyền.

Rosatom là công ty thống trị toàn cầu, chiếm khoảng một nửa xuất khẩu hạt nhân mới của thế giới và khoảng 1/3 thị trường nhiên liệu hạt nhân

Nước Nga vẫn nắm “át chủ bài”

Cho đến nay, Điện Kremlin đã kiềm chế không sử dụng đòn bẩy của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để đáp trả các lệnh trừng phạt năng lượng trước đó của phương Tây. Nhưng các lệnh trừng phạt trực tiếp trên mặt trận hạt nhân, ngay cả những lệnh trừng phạt mang tính biểu tượng nhất, cũng có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin xem xét lại hợp tác trong hạt nhân dân sự này.

Không giống như dầu mỏ và khí đốt vốn là nguồn thu thuế chính của Nga, là phương tiện chính để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine, sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu của Rosatom do các lệnh trừng phạt hạt nhân sẽ là một con số rất nhỏ, chỉ từ 1-3 tỷ USD, tức là chưa đến 0,5% xuất khẩu năng lượng của Matxcơva. Ngược lại, nếu lệnh cấm vận uranium của Nga được đưa ra, cái giá phải trả cho việc cắt đứt nguồn cung cấp hạt nhân ở Mỹ và châu Âu có thể dễ dàng vượt qua con số 100 tỷ USD.

Có lẽ Mỹ đã nhận ra rằng họ nên áp dụng một chương trình quốc gia toàn diện để đảm bảo khả năng tự cung tự cấp cho ngành công nghiệp hạt nhân, từ khai thác đến nhiên liệu cho đến các chất đồng vị, không chỉ cho các cơ sở làm giàu uranium của họ mà còn cho cả thế giới trong từ 10 - 20 năm tới. “Ngay cả khi xung đột Ukraine được giải quyết, sự khó đoán của Nga đối với phương Tây cũng như sự cạnh tranh ngang hàng với Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại hoặc thậm chí trở nên trầm trọng hơn. Khi các cuộc xung đột trong tương lai diễn ra, Mỹ và các đồng minh cần có giải pháp cho các lỗ hổng trong ngành công nghệ hạt nhân quan trọng” - Giáo sư Ivan Sascha Sheehan nhận định.

Theo (Theo National Interest)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-nganh-hat-nhan-nga-van-an-toan-truoc-cac-lenh-trung-phat-post532080.antd