Lý do nghệ sĩ danh tiếng chưa bao giờ lộ mặt suốt 20 năm

Nghệ sĩ người Pháp Invader luôn đeo mặt nạ khi xuất hiện trước công chúng, thường xuyên sáng tác những bức tranh tường vào ban đêm.

Hơn 20 năm qua, một nghệ sĩ người Pháp đã thâm nhập khắp các ngóc ngách của nhiều thành phố trên thế giới để tạo nên những bức tranh tường ấn tượng. Người yêu mến nghệ thuật đường phố đều biết tới sáng tác của ông nhưng chưa ai từng biết mặt tác giả lấy nghệ danh Invader (Kẻ xâm chiếm).

Ông sáng tác những bức tranh khảm bằng gạch mosaic mô phỏng theo nghệ thuật pixel của các trò chơi điện tử 8-bit những năm 1970-1980 như: Space Invaders, Pac-Man, Super Mario Bros...

Invader thường giấu mình sau những hình ảnh biểu tượng pixel hoặc mặt nạ. Ảnh: Invader

Paris, London, Hong Kong, Malaga, Los Angeles - danh sách các địa điểm có tác phẩm của Invader không ngừng được mở rộng. Ông tạo ra 4.000 tác phẩm ở khoảng 80 thành phố trên khắp thế giới. Riêng tại Marseille (Pháp), Invader có 80 bức tranh mới vào năm 2020. Tác phẩm của ông cũng được trưng bày khắp các bảo tàng danh giá.

Lý do giấu mặt

Theo Artsper, mọi người cho rằng Invader có tên thật là Franck Slama, người Pháp, khoảng 55 tuổi. Ông luôn giấu kín gương mặt bằng cách đeo mặt nạ khi phải xuất hiện chỗ đông người. Khi sáng tác tranh trên đường phố, ông thường xuyên bịt mặt và làm vào ban đêm. Ngay cả cha mẹ cũng không biết Invader nổi tiếng tới vậy, họ cho rằng con trai làm thợ lát gạch trong ngành xây dựng.

Nghệ danh trên bắt nguồn từ video game Space Invaders (Những kẻ xâm chiếm vũ trụ) của Nhật Bản mà Invader hay chơi khi còn nhỏ. Bị thế giới công nghệ và pixel cuốn hút, Invader quyết định biến nhân vật trong game thành biểu tượng nghệ thuật của mình.

“Tôi chọn Invader làm nghệ danh và tôi luôn xuất hiện sau một chiếc mặt nạ. Như vậy, tôi có thể đến các cuộc triển lãm của mình mà không người nào biết tôi thực sự là ai ngay cả khi tôi đứng cách họ vài bước”, Invader giải thích cho quyết định giấu mặt của mình.

Một số tác phẩm của Invader. Ảnh: Reuters, Iwannafile

Invader tự coi mình là một hacker của không gian công cộng, phát tán virus là những viên gạch mosaic. Ông cho rằng không phải ai cũng có thể tiếp cận các bảo tàng và gallery nên muốn sáng tác trên đường phố để người dân bình thường có thể thưởng thức tác phẩm của ông hằng ngày. Invader thường chọn những địa điểm quen thuộc có tính biểu tượng của từng vùng.

Các tác phẩm của Invader độc nhất vô nhị có chủ đề về người ngoài hành tinh, các nhân vật trong Chiến tranh giữa các vì sao, Báo hồng, Người nhện, Popeye… được điều chỉnh phù hợp với từng địa điểm. Ví dụ tranh gần các tòa nhà ngân hàng thường có ký hiệu đô la.

Cách chống trộm của nghệ sĩ

Bắt đầu từ năm 1996, Invader sáng tác bức tranh khảm đầu tiên của mình ở Paris (Pháp): một nhân vật nhỏ màu xanh lam với đôi mắt đỏ. Hiện tác phẩm đã bị một lớp sơn che phủ, giống như viên ngọc ẩn giấu của ông. Năm 2019, Invader gắn tác phẩm mang hình ảnh một đám mây nhỏ ở đỉnh tháp Eiffel.

Tác phẩm thứ 3 mà hầu hết mọi người sẽ không bao giờ nhìn thấy là bức tranh khảm gạch mosaic khoảng 15cm đặt trong trạm vũ trụ quốc tế năm 2015. Sau bầu trời là biển, năm 2021 Invader đặt 3 tác phẩm ở đáy vịnh Cancun (Mexico).

Một trong những tác phẩm có giá cao nhất của Invader là bức Mona Lisa bao gồm 330 khối rubik được bán với giá hơn 570.000 USD (hơn 14 tỷ đồng).

Invader thường sáng tác vào ban đêm. Ảnh: Invader

Invader tất nhiên không phải là nghệ sĩ đầu tiên có tác phẩm bị trộm cắp. Hai người đàn ông mặc áo vàng đóng giả là nhân viên thành phố đã tìm cách gỡ gạch trong tác phẩm của Invader khỏi tường và mang đi trước sự ngỡ ngàng của những người đang đứng xem tranh.

Vài ngày sau đó, hai tên trộm bị bắt giam. Invader cho biết: “Một số lượng lớn tác phẩm của tôi đã bị những kẻ tham lam, mưu lợi gỡ ra, làm biến dạng, thậm chí phá hủy”. Những vụ trộm này mang lại lợi nhuận rất cao vì tác phẩm của Invader có thể bán với giá khởi điểm 12.000 USD (gần 300 triệu đồng).

Sau đó, Invader chống trộm bằng cách chuyển sang dùng vật liệu dễ vỡ hơn khi bị tháo gỡ. Ngoài ra, ông còn sử dụng loại keo siêu dính, đôi khi cả xi măng.

Trên trang web của Invader, bạn có thể tìm thấy “cuộc xâm chiếm thế giới” - một bản đồ liệt kê vị trí từng tác phẩm để người hâm mộ dễ dàng tìm kiếm. Bản đồ được rất nhiều người săn đón với mức giá dao động từ 100 đến 1.000 USD (2,5 triệu tới 25 triệu đồng).

Năm 2014, ông phát triển ứng dụng di động Flash Invaders, hiện có hơn 140.000 người dùng. Mục tiêu của trò chơi rất đơn giản: chụp các bức tranh của Invader càng nhiều càng tốt để kiếm từ 10 tới 100 điểm. Nếu tới đủ các địa danh có tác phẩm của Invader tại Paris, người chơi có thể kiếm hơn 30.000 điểm.

Video đưa bạn đến Potosi, một trong những thành phố cao nhất thế giới. Nằm ở Bolivia trên độ cao 4.000m so với mực nước biển, đây là nơi hoàn hảo để Invader lắp đặt "kẻ xâm chiếm không gian" thứ 4.000. Video: Kênh Invader

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-nghe-si-danh-tieng-chua-bao-gio-lo-mat-suot-20-nam-2268781.html