Lý do ông Trump không trả lại các tài liệu của chính phủ

Cựu Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc mang trái phép hàng loạt tài liệu của chính phủ ra khỏi Nhà Trắng khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông làm như vậy?

Trong 4 năm, cựu Tổng thống Donald Trump coi chính phủ liên bang và bộ máy chính trị hoạt động dưới tên ông như một phần mở rộng thuộc công ty bất động sản tư nhân của mình.

Theo New York Times, cựu tổng thống Mỹ cảm thấy tất cả thuộc về mình và được kết hợp với nhau để tạo ra thương hiệu Trump mà ông đã xây dựng trong nhiều thập kỷ.

“Các tướng lĩnh của tôi” là cách mà ông liên tục nói về nhà lãnh đạo quân đội tại ngũ và đã nghỉ hưu, những người lấp đầy chỗ trống trong chính phủ ông.

“Tiền của tôi” là cách ông thường gọi số tiền mặt quyên góp được thông qua chiến dịch tranh cử của mình hoặc Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa.

“Kevin của tôi” là cách ông nhắc đến đại diện Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Cộng hòa.

Và các tài liệu của Nhà Trắng cũng như vậy, “chúng là của tôi”. 3 trong số các cố vấn của ông Trump cho biết ông đã nói điều này nhiều lần khi được thúc giục trả lại các thùng tài liệu.

Một trong số chúng được phân loại tài liệu mật mà Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã tìm kiếm sau khi ông Trump mang đến Mar-a-Lago, dinh thự tư nhân ở Florida vào tháng 1/2021.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cựu Tổng thống Trump lại nhất quyết từ chối giao nộp tài liệu của chính phủ mà theo luật không thuộc về ông, để rồi gây ra một cuộc chiến pháp lý khác.

 Mật vụ Mỹ đứng gác bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump hôm 9/8. Ảnh: Reuters.

Mật vụ Mỹ đứng gác bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump hôm 9/8. Ảnh: Reuters.

Hứng thú với tài liệu

New York Times nhận định ông Trump - người trong nhiều thập kỷ thích khoe những đồ trang trí lặt vặt được nhồi nhét trong văn phòng Trump Tower, bao gồm chiếc giày khổng lồ từng thuộc về cầu thủ bóng rổ Shaquille O’Neal - có thể coi những tài liệu bí mật quốc gia tương tự món đồ hiệu.

Các trợ lý của Nhà Trắng mô tả ông phấn khích như thế nào khi khoe tất cả tài liệu mà ông có thể tiếp cận, bao gồm cả bức thư nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gửi tới. Một số trong số những bức thư đó sau đó đã được tìm thấy trong thùng tài liệu mà ông Trump mang theo tới Mar-a-Lago.

Trên thực tế, sự hưng phấn của cựu tổng thống đối với các thông tin tình báo đã được thấy từ rất sớm. Vào tháng 5/2017, ông Trump đã tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật do Israel cung cấp trong cuộc gặp với hai quan chức cấp cao của chính phủ Nga, khiến đội ngũ an ninh quốc gia của ông kinh hoàng.

Hai năm sau, khi các nhân viên tình báo của ông cho ông xem một bức ảnh nhạy cảm về một vụ phóng tên lửa thất bại của Iran, ông Trump lại không giấu nổi sự vui sướng.

“Tôi muốn tweet điều này”, ông nói với giám đốc CIA, theo một nguồn tin. Mặc dù, các quan chức đã cố gắng ngăn ông lại, nhưng ông Trump vẫn chia sẻ bức ảnh trên tài khoản Twitter của mình với 63 triệu người theo dõi khi đó.

"Ta là nhà nước"

Những nỗ lực của các chính quyền trước đây nhằm ngăn chặn xung đột lợi ích trong nhiệm kỳ tổng thống đã bị ông Trump, người luôn để mắt đến tài sản của mình, xem thường.

Một số nhà quan sát và chính các cố vấn của cựu tổng thống nhận định ông Trump là hiện thân cho tuyên bố kinh điển của vua Louis XIV “L'état, c'est moi” (Ta là nhà nước).

Cựu tổng thống Mỹ cảm thấy tất cả thuộc về mình và được kết hợp với nhau tạo thành thương hiệu Trump. Ảnh: New York Times.

“Từ trải nghiệm của riêng tôi với ông Trump, những hành động của ông ấy dường như đi theo khuôn mẫu với tư cách là 'vua', ông cùng nhà nước là một và giống nhau”, Mark S. Zaid, luật sư thường xuyên xử lý vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, cho biết.

“Ông Trump có vẻ tin rằng mọi thứ ông ấy chạm vào đều thuộc về ông ấy, bao gồm các tài liệu chính phủ có thể được phân loại mật”, Zaid nói thêm.

Ông Trump hiếm khi sử dụng tài khoản Twitter @POTUS được giao cho tổng thống mà thay vào đó, ông thích để giám đốc kỹ thuật số của mình, Dan Scavino, quảng bá cái bằng tên riêng Donald Trump.

Cựu tổng thống cũng thường xuyên bác bỏ quy tắc, quy định hoặc chuẩn mực bên ngoài và khẳng định rằng các cố vấn thân cận của ông có quyền miễn trừ tuyệt đối với một số trát đòi hầu tòa của Quốc hội Mỹ.

“Tổng thống không phải là vua”, bà Ketanji Brown Jackson viết với tư cách thẩm phán tòa án liên bang ở Washington vào năm 2019, trước sự phản đối của Nhà Trắng khi bà yêu cầu Donald F. McGahn II, cựu cố vấn của ông Trump, làm chứng.

Thói quen tích trữ

Mặc dù đã được cảnh báo về việc xử lý thích hợp tài liệu nhạy cảm, các phụ tá của ông Trump cho biết cựu tổng thống không mấy quan tâm đến tính bảo mật của tài liệu hay cách thức hoạt động của chính phủ để bảo vệ chúng.

Với các nhân viên, từ lâu, ông Trump đã nổi tiếng là một người tích trữ, thích ném tất cả loại tài liệu, như hồ sơ nhạy cảm, clip tin tức và nhiều thứ khác, vào thùng carton mà người bồi phòng hoặc phụ tá cá nhân sẽ mang theo ông đến bất cứ đâu.

Đôi khi ông yêu cầu giữ lại tài liệu sau cuộc họp giao ban tình báo, nhưng các phụ tá cho biết ông hầu như không quan tâm đến thủ tục giấy tờ trong cuộc họp giao ban và họ không bao giờ hiểu ông muốn nó để làm gì.

Ông Trump cũng có thói quen xé giấy, từ những tài liệu thông thường đến tài liệu đã được phân loại nhạy cảm, và vứt chúng rải rác trên sàn nhà hoặc trong thùng rác. Các quan chức sẽ phải lục tung tìm kiếm mảnh vụn và dán chúng lại với nhau để tái tạo lại tài liệu nhằm lưu trữ theo yêu cầu của Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.

Trong một số trường hợp, ông Trump sẽ xé toạc tài liệu - một số có chữ viết tay của ông - và ném vào nhà vệ sinh. Điều này đôi khi làm tắc nghẽn các đường ống trong Nhà Trắng. Ông đã làm điều tương tự trong ít nhất hai chuyến công du nước ngoài, các cựu quan chức cho biết.

Ông Trump từng vứt một số tài liệu của Nhà Trắng vào bồn cầu. Ảnh: Axios.

Bên ngoài Nhà Trắng, các phòng an ninh - nơi ông Trump có thể xem xét tài liệu mật - đã được thiết lập tại cả Mar-a-Lago và Câu lạc bộ golf Quốc gia Trump ở Bedminster, New Jersey. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng sử dụng chúng.

Chẳng hạn, ông Trump đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mar-a-Lago vào đầu năm 2017, khi Triều Tiên phóng thử tên lửa. Thay vì lui vào phòng an ninh, ông Trump và cố vấn đã xem xét các tài liệu ngay ngoài sân trong không gian mở, bằng cách sử dụng đèn pin từ một chiếc iPhone.

Nguy cơ lộ thông tin yếu nhân

Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho biết ông Trump chưa bao giờ nói với ông rằng ông ấy dự định lấy tài liệu và sử dụng nó cho mục đích khác, ngoài một kỷ vật.

Nó giống như kiểu ngẫu hứng và thậm chí, “chính ông ấy có thể không hoàn toàn hiểu rõ chính xác lý do tại sao mình làm những điều như vậy", ông Bolton nói.

Dù vậy các quan chức vẫn lo lắng, đặc biệt khi các tài liệu có khả năng rơi vào tay kẻ xấu.

Các cố vấn khác thắc mắc liệu ông Trump có giữ một số tài liệu vì chúng chứa thông tin chi tiết về những người ông biết.

Một cựu quan chức cho biết trong số vật phẩm mà tổng thống được tặng trong những chuyến công du nước ngoài có tiểu sử của các nhà lãnh đạo nước đó. Một phiên bản không được phân loại mật và khá thường thấy.

Tuy nhiên, có cả những phiên bản đã được phân loại và có thể chứa nhiều chi tiết cá nhân. Chẳng hạn, một trong những hồ sơ mà FBI thu giữ tại Mar-a-Lago được đánh dấu là “thông tin tổng thống Pháp” về ông Emmanuel Macron.

Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, tư gia cựu tổng thống bị khám xét FBI vẫn chưa lên tiếng dù đã 3 ngày trôi qua kể từ khi bất ngờ khám xét khu nghi dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-do-ong-trump-khong-tra-lai-cac-tai-lieu-cua-chinh-phu-post1347104.html