Lý do Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga dù là thành viên NATO

Sau quá nhiều mối lo trên thế giới, Mỹ giờ đây còn phải 'mất ăn mất ngủ' trước sự đe dọa ngay sát sườn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh trong khối NATO.

Mỹ như bị "dội gáo nước lạnh"

Hôm 12/9, Điện Kremlin tuyên bố đã đi đến đồng thuận cuối cùng với Thổ Nhĩ Kỳ để nước này có thể trở thành quốc gia thứ hai trong liên minh quân sự phương Tây NATO, sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến nhất của Nga.

"Hợp đồng đã được ký kết và nó sắp được thực hiện. Như bạn đã biết, S-400 là một trong những hệ thống tối tân với nhiều thành phần kỹ thuật phức tạp. Vì vậy nó luôn được đánh giá cao", Vladimir Kozhin, phụ tá Tổng thống của Nga về hợp tác quân sự-kỹ thuật, nói với hãng thông tấn TASS.

S-400 được rất nhiều quốc gia trên thế giới khao khát.

S-400 được rất nhiều quốc gia trên thế giới khao khát.

Trước những lo ngại của Mỹ vụ giao dịch vũ khí này sẽ gây ra những đe dọa không thích hợp, phía Moscow tuyên bố, tất cả điều khoản trong hợp đồng sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt, tương ứng với lợi ích chiến lược của cả hai nước.

Tuy nhiên, ông Kozhin nói thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chờ vài năm cho đến khi hệ thống được chuyển giao.

Phía Moscow nhấn mạnh, ngoài Ankara, có một danh sách dài các quốc gia muốn sở hữu hệ thống S-400. Đó là các nước Đông Nam Á, Trung Đông và một số thành viên CSTO - một liên minh quân sự do Nga hậu thuẫn, bên cạnh các quốc gia láng giềng.

Nhiều trong số đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với S-400.

Ông Kozhin thừa nhận, nhu cầu của khách hàng đang tạo ra áp lực và khối lượng công việc nặng nề đối với các nhà sản xuất vũ khí trong nước.

Do đó ngày giao hàng của S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được ấn định.

Vì sao S-400 được khao khát?

Vào đầu thế kỷ XXI, Nga đã tạo ra vũ khí có khả năng phòng không vô cùng hiệu quả, được đặt tên là S-400 Triumph, tên mã định danh của NATO là "Growler".

Trong tháng 4/2004, Nga thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn 48N6DM tầm bắn 250km được trang bị cho S-400.

Năm 2014, Nga thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tầm bắn 400km trang bị cho hệ thống này.

Sau những màn trình diễn đảm bảo tính hiệu quả, giới quan sát đánh giá S-400 là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới.

Ngay khi vừa ra mắt, nó đã nhanh chóng được xếp vào số ít hệ thống chống tên lửa đạn đạo khiến phương Tây phải dè chừng.

S-400 có khả năng phát hiện tên lửa, chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, trực thăng của đối phương ở phạm vi rất rộng.

Một số "con mồi" ưa thích của S-400 có thể kể đến như máy bay ném bom chiến lược các loại như B1 Lancer, FB-111, B-52, máy bay tác chiến điện tử EF-111A, EA-6, máy bay cảnh báo sớm sử dụng radar như E3-A, E2-C, tiêm kích F-15, F-16, F-22 F-35, máy bay tàng hình B-2, F-117A, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.500km.

Hệ thống radar tầm soát của S-400 có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến gần 600km.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định lựa chọn vũ khí của Nga, dù bản thân là thành viên của NATO.

So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số, bao gồm: Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400km so với 240km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600km so với 350km) và đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8km/giây so với 2km/giây).

Cả hai hệ thống của Nga-Mỹ đều được đánh giá là có thể tiêu diệt hầu hết các mục tiêu hiện đại nhất trên không hiện nay.

Tuy nhiên, "Growler" với tầm bắn xa hơn lên tới 400km sẽ khiến cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới nhất cũng không thể tiếp cận.

Hai ưu thế nói trên là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ rất khao khát muốn là khách hàng tiếp theo sở hữu hệ thống phòng thủ lừng danh này, dù chi phí của nó lên tới nửa tỷ USD.

Dù trước đó từng từ chối bán lại cho Trung Quốc do lo ngại vấn đề sao chép công nghệ, đầu năm nay, Moscow đã đồng ý bán cho Bắc Kinh ít nhất 3 trung đoàn tên lửa S-400 với tổng cộng khoảng 48 bệ phóng và các hệ thống chỉ huy vào năm 2018.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thừa nhận, việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-400 hiện đại cho nước này đã khiến “Mỹ giận dữ”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đất nước mình không thể cứ mãi chờ đợi những lời hứa từ Mỹ. Do đó, Ankara sẽ đi tìm những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.

Với tư cách là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy Mỹ rơi vào tình thế “ngang trái”, khi Washington phải tìm cách tự phòng vệ trước hệ thống tên lửa đầy sức mạnh của đồng minh.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ly-do-tho-nhi-ky-quyet-mua-s-400-cua-nga-du-la-thanh-vien-nato-a338983.html