Lý do thức ăn kẹt kẽ răng nặng mùi song mũi không ngửi được

Thức ăn kẹt kẽ răng thường rất nặng mùi. Điều thú vị là hầu hết chúng ta lại không cảm nhận được sự khó chịu này.

Khi chúng ta ăn uống, một phần thức ăn vẫn kẹt trên các kẽ răng. Việc đánh răng, súc miệng sau đó chỉ có thể loại bỏ một phần thức ăn to, một số vẫn sót lại. Trong khi đó, thức ăn kẹt kẽ răng rất “hấp dẫn” vi khuẩn. Theo thời gian, thức ăn đọng lại tạo thành lớp “bùn vàng”, mảng bám rồi cuối cùng là vôi răng hình thành.

Theo các nhà khoa học, khi vi khuẩn trong miệng sử dụng cặn thức ăn để phát triển và sinh sôi, nó sẽ tạo ra các chất có mùi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan.

Thực tế, lớp “bùn vàng” có mùi rất nặng nề song mũi không ngửi được sự khó chịu dù nó ở ngay trong miệng. Lý do của tình trạng này là trong miệng không có thụ thể khứu giác nên khó có thể ngửi được.

Mặt khác, thụ thể khứu giác phân bố trên đỉnh của khoang mũi. Mà khoang mũi lại nằm phía trên khoang miệng. Khi thở, lớp khí bị ám mùi phát tán diện rộng trước khi được hít vào khoang mũi. Điều này càng khiến chúng ta ít có “dịp” phát hiện mùi đặc trưng ở miệng mình.

Một lý do quan trọng khác là do phản ứng của não bộ. Thức ăn kẹt ở răng không phải việc hiếm. Nó thường xuyên diễn ra khiến các thụ thể khứu giác đôi khi vẫn cảm nhận được.

Thế nhưng do tiếp xúc với mùi này một thời gian dài, não bộ không “phản ứng” với nó nữa.

Có thể nói lớp “bùn vàng” trên răng không khác “bãi rác mini”. Dù bạn không cảm nhận nó một cách thường trực thì thực tế nó không hề có lợi. Ngoài việc khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng.

Do vậy, bạn nên chú ý vệ sinh đúng cách vừa giúp ngăn ngừa các vấn đề nha chu, vừa không khiến người xung quanh e dè khi tiếp xúc. Ảnh: Internet.

Mời độc giả xem video: Lợi ích sức khỏe của quả hồng giòn. Nguồn: Hanoitv.

Định Tâm (Theo SH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/ly-do-thuc-an-ket-ke-rang-nang-mui-song-mui-khong-ngui-duoc-1500213.html