Lý do thực sự mà Nga muốn có tên lửa và vũ khí siêu thanh mới là gì?

Theo tạp chí National Interest, Nga bắt đầu sử dụng rất nhiều loại vũ khí tầm xa chính xác mới, ví dụ như tên lửa hành trình Kalibr, và họ hi vọng rằng trong tương lai các loại vũ khí siêu thanh tầm xa sẽ là phương án tấn công chủ lực.

“Do những kết quả khả quan mà các loại vũ khí chính xác cũng như quá trình phát triển vũ khí siêu thanh mang lại, quốc phòng Nga giờ đây không còn phụ thuộc vào các loại vũ khí hạt nhân mà vào vũ khí phi hạt nhân”, Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov phát biểu tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga diễn ra vào ngày 7/11 vừa qua.

Dàn tên lửa đạn đạo Tochka của Nga.

Giống như những gì mà nhiều nhà phân tích về quân sự Nga đã dự báo trước đây, điện Kremlin giờ đây đang ngày càng ít phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân hơn trong lúc các loại tên lửa tầm xa của họ ngày càng trở nên lợi hại.

“Trong vòng 5 năm trở lại đây, Lực lượng Vũ trang Nga đã đạt được những bước đột phá lớn trong việc phát triển vũ khí tầm xa. Hệ thống tên lửa Iskander-M cùng các loại tàu chiến được trang bị tên lửa Kalibr đang được cung cấp với số lượng lớn. Các máy bay quân sự giờ đây cũng được nâng cấp để sử dụng tên lửa hành trình Kh-101”, ông Gerasimov cho biết.

Sau khi NATO can thiệp vào Kosovo mà không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga đã đưa ra một học thuyết quân sự có nội dung rằng họ sẽ dùng vũ khí hạt nhân để “hạ nhiệt” căng thẳng vào năm 2000. Học thuyết này dựa trên lòng tin rằng việc một đất nước có vũ khí hạt nhân có thể buộc một lực lượng vũ trang xâm lược phải rút lui.

Đến khi Nga công bố Học thuyết Quân sự năm 2010, nước này đã nâng ngưỡng cho phép để vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng. “Trong khi văn bản năm 2000, vũ khí hạt nhân chỉ được dùng “trong trường hợp khẩn cấp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia” của Nga, học thuyết của năm 2010 đã nói rằng “một khi sự tồn tại của đất nước đang bị đe dọa”, chúng có thể được triển khai”, cựu quan chức đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Nga Nikolai Sokov viết.

Tuy nhiên, Nga chỉ có ý định áp dụng học thuyết hạ nhiệt căng thẳng bằng vũ khí hạt nhân cho đến khi họ xây dựng lại được quân đội chính quy và phát triển các loại vũ khí chính xác. Thật vậy, ông Sokov cho biết ngay trong văn bản học thuyết năm 2000, Nga nói rằng “việc sử dụng vũ khí hạt nhân có giới hạn là biện pháp tạm thời cho đến khi Nga có thể phát triển khả năng tấn công quân sự thông thường”.

Nga dường như bắt đầu bớt phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân hơn từ đầu năm 2013, khi cuộc tập trận Zapad năm đó không có sự tham gia của loại vũ khí trên. “Điều này cho thấy Moscow đã tự tin hơn đối với lực lượng vũ trang chính quy của mình. Khi khả năng chiến đấu của họ càng tăng lên, Nga sẽ bớt phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân”, ông Sokov viết.

Như vậy, vũ khí hạt nhân không còn đóng vai trò quan trọng trong quân đội Nga như trước đây nữa, và điều này có lợi cho họ rất nhiều.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ly-do-thuc-su-ma-nga-muon-co-ten-lua-va-vu-khi-sieu-thanh-moi-la-gi-post245298.info