Lý do Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ với Nga giữa xung đột Ukraine

Bị các lệnh trừng phạt quốc tế bủa vây, Moskva và Bình Nhưỡng nhận thấy lợi ích khi hợp tác về lao động và thương mại, trong khi Nga ủng hộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc.

Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về trừng phạt Triều Tiên sau loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo hồi tháng 5. Trong ảnh, người dân Hàn Quốc xem truyền hình đưa tin vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 25/5. Ảnh: DW

Theo trang Deutsche Welle (DW) của Đức, bị các nước phương Tây gây áp lực bằng các biện pháp trừng phạt, Nga và Triều Tiên đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương và ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề Ukraine và bán đảo Triều Tiên.

Sự ủng hộ này lên tới mức Triều Tiên được cho là đã đề nghị cung cấp hàng ngàn người lao động để giúp tái thiết Donetsk và Luhansk, hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine.

Về phần mình, ngày 26/5, Nga đã cùng với Trung Quốc phủ quyết một bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về tăng cường trừng phạt chống Triều Tiên sau khi nước này thử một loạt tên lửa đạn đạo. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an chia rẽ về các lệnh trừng phạt Triều Tiên, khi Moskva tuyên bố các biện pháp mới đề xuất là “vô trách nhiệm”.

Nga thay đổi về vấn đề trừng phạt Triều Tiên

Moskva và Bắc Kinh đã tiến thêm một bước tại Hội đồng Bảo an khi kêu gọi dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa của nước này.

Giới phân tích cho rằng cả Nga và Triều Tiên tìm đến nhau khi đang bị nhiều nước phương Tây có xu hướng quay lưng. Trong khi đó, Trung Quốc đang hành động quyết đoán hơn ở Biển Đông cũng như trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Bắc Á, Ấn Độ.

Ông Rah Jong-yil, nguyên giám đốc bộ phận tình báo Hàn Quốc chịu trách nhiệm giám sát Triều Tiên, cho rằng: “Nga và Triều Tiên có lịch sử lâu đời chung lập trường chính trị, họ đang một lần nữa xích lại gần nhau hơn khi đối mặt với một kẻ thù chung, và họ cần nhau để chống lại các áp lực bên ngoài tốt hơn”.

Chuyên gia này nhận xét, lời đề nghị đưa người lao động Triều Tiên đến các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine là “có ý nghĩa”, vì nó nhằm củng cố sự công nhận của Bình Nhưỡng đối với các chính quyền tự xưng ở Donetsk và Luhansk.

Xe tăng Nga ở vùng Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 23/7/2022. Ảnh: Reuters

Đổi lại Bình Nhưỡng cũng được hưởng lợi ích. Ông Alexander Matsegora, Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, được tờ Izvestia (Nga) dẫn lời cho rằng, các khoản thanh toán cho người lao động Triều Tiên sẽ được trả bằng thiết bị công nghiệp và bột mì.

Triều Tiên vốn thường xuyên thiếu hụt cả hai loại hàng hóa này khi bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt.

Quan hệ liên Triều trong bối cảnh mới

Chuyên gia Rah Jong-yil nhận định: “Với tôi, dường như Triều Tiên từ bỏ những nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ, và điều đó có nghĩa là họ tập trung vào quan hệ với Nga và Trung Quốc. Trước những tình huống mà các chính phủ ở Moskva và Bình Nhưỡng đối mặt thì phải nói rằng điều này không thể tránh khỏi”.

Yakov Zinberg, giáo sư quan hệ quốc tế chuyên về các vấn đề Đông Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo, đồng ý rằng những điểm chung về lịch sử của hai quốc gia và nhu cầu kết đồng minh khi phải chịu áp lực quốc tế đã khiến Nga và Triều Tiên trở thành “những đối tác tự nhiên”. "Hai nước là nạn nhân của các lệnh trừng phạt và đang tìm cách để vượt qua các lệnh trừng phạt đó”, Giáo sư Zinberg bổ sung.

Mặc dù một liên minh sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng cho hai nước, nhưng chuyên gia Zinberg tin rằng Nga có thể vẫn thận trọng trước những động thái ở Viễn Đông có thể gây phản cảm với các nước trong khu vực. Ông nói: “Ấn tượng của tôi là Moskva vẫn thận trọng về khu vực Thái Bình Dương. Họ không thể đủ khả năng chọc giận các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ, quốc gia có hiện diện quân sự lớn ở cả hai nước đó”.

Binh sĩ Nga tại thành phố cảng Mariupol của Ukraine. Ảnh: AFP

Nga tránh xung đột trên hai mặt trận

Ông Zinberg nhấn mạnh: “Nga có truyền thống tránh đối đầu hai mặt trận. Họ đang can dự rất nhiều vào Ukraine và tình hình đó có vẻ sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, vì vậy họ sẽ muốn tránh mọi tình huống khiến phải chuyển lực lượng đến Viễn Đông”.

Theo ông, do đó Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ bằng lời nói cho Triều Tiên nếu điều đó có lợi cho Nga và có khả năng giúp tập trung sự chú ý của Mỹ vào Đông Bắc Á thay vì Trung Âu. Nhưng họ cũng sẽ muốn thông báo với Bình Nhưỡng rằng sẽ không thể trợ giúp Triều Tiên nếu nước này làm quá”.

“Đây là một khu vực rất dễ biến động của thế giới – bán đảo Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), tàu chiến Trung Quốc ở phía nam Nhật Bản, Biển Đông – vì vậy Moskva sẽ mong rằng mọi thứ không đi quá xa” - chuyên gia Zinberg lưu ý.

Tuy nhiên, có vẻ như khó tránh khỏi việc căng thẳng tiếp tục gia tăng. Hôm 22/8, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dự kiến tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ bảy, ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-trieu-tien-muon-tang-cuong-quan-he-voi-nga-giua-xung-dot-ukraine-20220823155517853.htm