Lý do Việt Nam không cần xe tăng M1 Abrams Mỹ

Theo chuyên gia phân tích Franklin 'Chuck' Spinney, Việt Nam không muốn và cũng không cần thiết mua xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất.

. Sự kiện Mỹ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt nam đang được báo chí trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm, nhiều ý kiến đoán già đoán non về những loại vũ khí tiên tiến của Mỹ mà Việt nam có thể mua, trong đó có những loại máy bay chiến đấu như FA-18E/F, F-16, máy bay tuần thám và chống ngầm P-3C orion, vận tải cơ C-130, hay các tàu chiến ven bờ LCS, hệ thống radar giám sát đối hải,... Nhưng cũng có các ý kiến chuyên gia cho rằng Việt nam sẽ không quan tâm tới các loại xe tăng Mỹ như M1 Abrams.

Mà mới đây nhất, chuyên gia phân tích quân sự Mỹ Franklin “Chuck” Spinney trong cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik News cho rằng, Việt Nam không muốn và cũng không cần thiết mua xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất. Tại sao Việt Nam lại không cần một trong những siêu tăng hàng đầu thế giới?

M1 Abrams là loại xe tăng chủ lực nổi tiếng của Mỹ, do hãng General Dynamics sản xuất năm 1980. Nó được tham chiến lần đầu trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, nó đã chứng minh được khả năng chiến đấu ưu việt khi đã giành chiến thắng trong hầu hết các cuộc đấu tăng tại Iraq.

Ví dụ, trong trận chiến 73 Easting, một chiếc M1 Abrams đã bắn hạ 3xe tăng Iraq chỉ trong vòng chưa đầy...10 giây. Và phần lớn những chiếc M-1Abrams của Mỹ bị thiệt hại trong cuộc chiến này là do bị chính quân mình...bắn nhầm. Ảnh: Xe tăng Abrams hành tiến trong chiến tranh vùng Vịnh 1991.

Được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới, xe tăng Abrams có pháo chính là pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm (từ phiên bản M1A1 trở đi) bắn đạn pháo xuyên giáp M829 và đạn chống tăng có sức công phá cao M830. Ngoài ra, nó còn được trang bị 3 súng máy gồm Browning M250 12,7mm, súng máy đồng trục với pháo chính M240 7,62mm và súng máy M240 dành cho pháo thủ số 2.

Xe tăng Abrams được bảo vệ bởi giáp Chobham tăng cường uranium nghèo giúp tăng khả năng chống đạn xuyên giáp bằng động năng.

Dù có trọng lượng "khủng khiếp" đến 60 tấn phiên bản M1 và lên tới 70 tấn với M1A2, những xe tăng Abrams vẫn có thể di chuyển với tốc độ tối đa đến 70km/h (ngang ngửa xe tăng chỉ nặng chừng 50 tấn của Nga) nhờ động cơ tuốc bin khí đa nhiên liệu AGT1500C công suất đến 1.500 mã lực, có thể tăng tốc từ 0-32km/h chỉ trong vòng 7 giây.

Có thể nói, sức mạnh của xe tăng Abrams là rất đáng nể, độ tin cậy cao, tính sống sót trên chiến trường (đặc biệt bảo vệ kíp lái nếu bị trúng đạn) là tốt hơn hẳn xe Nga. Tuy nhiên, có những lý do khiến Việt Nam sẽ không để mắt tới loại xe tăng này. Ảnh: Xe tăng Abrams trang bị giáp phản ứng nổ (ERA).

Thứ nhất: Với tiềm lực kinh tế hạn chế, Việt nam chưa thể đầu tư dàn trải cho mọi loại hệ thống vũ khí. Chúng ta đang phải đầu tư nâng cấp hải quân, không quân đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn trên Biển Đông. Vì thế, cái giá của xe tăng Abrams lên tới 6,25 triệu USD/chiếc, đắt gấp rưỡi so với T-90 Nga là rất khó khăn cho ta thời điểm này.

Thứ hai: xe tăng là loại vũ khí tiến công, trong khi đó chiến lược quốc phòng của Việt nam là phòng thủ. Chúng ta hiện đại hóa quân đội không phải để đi xâm lược nước khác mà là để bảo vệ tổ quốc. Vì thế lực lượng xe tăng không cần thiết phải quá mạnh.

Thứ ba: Do đặc thù của địa hình nước ta vốn có lợi cho việc phòng ngự, ta hoàn toàn có thể xây dựng các chiến thuật phòng thủ rẻ tiền và ưu việt hơn. Lịch sử chiến tranh cho thấy rằng chiến thuật đấu tăng chỉ phát huy ưu thế với đối thủ có tiềm lực tương đương và các cuộc đấu tăng sẽ gây tổn hại rất lớn cho cả hai bên….

… Ta không có ưu thế về số lượng so với địch, cũng không chịu được những tổn thất lớn như vậy. Vì vậy chiến tranh xe tăng không phải là một chiến thuật đáng để lựa chọn, chúng ta xây dựng lực lượng xe tăng chỉ cần đủ để thực hiện những nhiệm vụ hạn chế trên chiến trường.

Thứ tư: Trong giai đoạn trước mắt, khả năng xảy ra một cuộc xâm lược ồ ạt trên bộ là khá thấp, kẻ địch không muốn phiêu lưu trong một cuộc chiến trên bộ kéo dài, vừa bị mang tiếng là xâm lược nước khác sẽ gây ra phản ứng dữ dội trên thế giới, hơn nữa danh tiếng của Lục quân Việt nam cũng khiến địch phải kiêng dè, bài học năm 1979 vẫn còn đó.

Trong tương lai gần, nếu xảy ra xung đột cục bộ,nhiều khả năng địch sẽ sử dụng chiến thuật quấy rối ở biên giới và sử dụng đặc nhiệm, hải quân đánh bộ đánh chiếm biển đảo, đổ bộ tấn công các căn cứ quân sự và các vị trí chiến lược ven biển của ta. Vì thế ta nên ưu tiên xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển và hải đảo cũng như năng lực tái chiếm hải đảo sẽ hữu dụng hơn so với xây dựng một lực lượng xe tăng cồng kênh và tốn kém.

Từ những lý do nêu trên, có lẽ việc mua sắm loại xe tăng đắt tiền như M1Abrams lúc này chưa thật sự cần thiết, ta có thể mua những loại xe tăng rẻ tiền hơn có năng lực tương đương như T-90 của Nga hay là T-72B3. Các loại tăng này vẫn đảm đương được nhiệm vụ, số tiền còn lại để dành cho những loại vũ khí khác cấp thiết hơn.

Nam Thắng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su-viet-nam/ly-do-viet-nam-khong-can-xe-tang-m1-abrams-my-687931.html