Lý giải nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tháng 6 tăng cao nhất trong 7 năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 0,61% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Tháng 6 cũng ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến CPI tháng 6 tăng là do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ nông chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại phải bỏ chuồng nên nguồn cung sản phẩm thịt lợn trên thị trường giảm, giá thịt lợn tăng 8,12% so với tháng trước. Điều này làm tăng CPI chung là 0,34%.

Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 6 tăng cao. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Bên cạnh đó, mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 22/6 (xăng A95 giảm 340 đồng/lít, xăng E5 giảm 330 đồng/lít, dầu diezen giảm 230 đồng/lít) nhưng do ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên bình quân tháng 6 giá xăng dầu tăng 2,38% so với tháng trước làm CPI tăng chung 0,1%.

Ngoài ra, các yếu tố khiến chỉ số giá tăng như: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% chủ yếu ở mặt hàng xi măng tăng trung bình 20.000 đồng/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,86%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,38% so với tháng trước.

Từ ngày 1/6 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 18.000 đồng/bình 12kg tăng 5,12% so với tháng 5/2018 do giá gas thế giới bình quân tháng 6 công bố ở mức 560 USD/tấn, tăng 57,5 USD/tấn so với tháng trước.

Tháng 6 cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch tăng làm cho chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,36% so với tháng trước.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh các nguyên nhân làm CPI tăng, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 6 như: Giá gạo giảm 0,5% so với tháng trước do các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân với năng suất khá cao ước đạt 63,7 tạ/ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước... Giá một số loại quả tươi, quả chế biến giảm và nguồn cung dồi dào cũng góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,37% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,35% so với cùng kỳ.

Như vậy, trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Xuân Phong/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ly-giai-nguyen-nhan-khien-gia-tieu-dung-thang-6-tang-cao-nhat-trong-7-nam-qua-20180629100707874.htm