Lý giải nguyên nhân liên tiếp xảy ra những vụ sập giàn giáo

Thời gian qua, hàng loạt những vụ sập giàn giáo xảy ra đã gây ra cảnh báo về vấn đề an toàn lao động. Mới đây nhất, 21h tối 22-11, một căn nhà đang sửa chữa ở số 25/21 đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM) đổ sập khiến 1 người chết, sự việc này xảy ra chỉ 2 ngày sau vụ sập giàn giáo trong buổi lễ mít-tinh 20-11 tại 1 trường Tiểu học cùng ở TP.HCM. Cùng đi tìm lời giải về nguyên nhân của những tai nạn đáng tiếc này.

Chất lượng giàn giáo không đảm bảo

Hồi đầu năm 2018, tại Hà Nội xảy ra sự cố sập giàn giáo nghiêm trọng khiến 3 người tử vong và 3 người bị thương, xảy ra tại dự án cây xanh và bãi đỗ xe Việt – Nhật do Công ty Đầu tư Việt Nhật làm chủ đầu tư, được xác định nằm ngay ngã 3 đường Tố Hữu – Mỗ Lao – Nam Từ Liêm, mới đang bắt đầu thi công phần móng và tầng 1.

Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 3 người thiệt mạng hồi đầu năm nay

Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 3 người thiệt mạng hồi đầu năm nay

Trả lời báo Kinh tế&Đô thị về sự cố sập giàn giáo tại dự án cây xanh và bãi đỗ xe Việt – Nhật, PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, bất cứ sự cố nào xảy ra đều xuất hiện dấu hiệu trước đó. Người chỉ huy trực tiếp công trường nếu không phát hiện được phải thận trọng tiếp nhận và xem xét khi có phản ánh, dù là nhỏ.

Từ thiết kế đến gia công, chế tạo rồi lắp đặt, di chuyển giàn giáo qua các khối thi công là một câu chuyện dài. Trước khi đổ bê tông đã kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá lại an toàn hay chưa? Hệ thống đà giáo, cốp pha đảm bảo chưa?... Chỉ một yếu tố nhỏ trong chuỗi quy trình đó không ổn sẽ xuất hiện nguy cơ tai nạn. Đặc thù của giàn giáo là cơ chế hoạt động như quân bài domino, chỉ cần một chi tiết như con ốc, nút đệm... bị xô lệch là đổ, kéo theo cả hệ thống" - ông Chủng chia sẻ.

Đồng quan điểm, giới chuyên gia về xây dựng khẳng định “dao chắc không bằng chắc kê”. Hệ thống giàn giáo quan trọng liên quan mật thiết đến yếu tố chất lượng. Hệ thống giàn giáo không ổn định, bị biến dạng, chắc chắn công trình khó đạt chuẩn chất lượng. Thậm chí vô hình chung dễ gây ra nguy cơ tai nạn với chính đội ngũ công nhân đang thi công.

Giám sát xây dựng được đánh giá là công đoạn phải thực hiện xuyên suốt, liên tục để kịp thời phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quá trình thi công. Đội ngũ giám sát công trình phải là những người có sự hiểu biết kỹ để nhanh chóng phát hiện ra những lỗ hổng trong quá trình thi công., nhưng nếu ngay cả khâu giám sát cũng có vấn đề thì chất lượng công trình cũng không được đảm bảo.

Đào tạo nghề: cung không đủ cầu

Trong lĩnh vực xây dựng hiện nay, một trong những bức xúc của các chủ tư nhân đứng ra nhận thầu công trình có quy mô nhỏ là tình trạng thiếu lao động triền miên. Thậm chí, có những nhà thầu khi sát Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động gia tăng đã phải gấp rút kêu gọi anh chị em, người nhà của các công nhân ở quê lên làm các công trình cho kịp tiến độ.

Trao đổi với báo điện tử Một thế giới, anh Hoàng Thế Lực, giám sát xây dựng tại Công ty Kiến trúc và nội thất Nhà Việt cho hay có rất nhiều công nhân do không có trình độ tay nghề, công nhân từ các vùng nông thôn ra thành phố làm, cứ làm được vài tuần lại xin nghỉ về quê cả tuần, thậm chí sau Tết, công nhân ở quê chơi tới hết tháng giêng mới rục rịch trở lai công trường, các công trình xây dựng hầu như bị đình trệ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề đào tạo nhân lực trong các trường dạy nghề hiện nay, một vị lãnh đạo Trường cao đẳng Nghề Licogi (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng mặc dù hằng năm trường đều có giới thiệu, tư vấn tuyển sinh các ngành nghề xây dựng và thời gian học từ 6-9 tháng nhưng rất ít học viên. Thậm chí, với nghề thợ nề (thợ xây), mỗi mùa tuyển sinh cũng chưa có đủ 1 lớp nên trường phải khuyên họ học ngành khác.

Chưa kể đến đa số các công nhân xây dựng thường không được học, đào tạo qua các lớp cơ bản về xây dựng mà chủ yếu người lao động chân tay được lấy từ vùng quê. Họ có nhu cầu lao động, khi vào các công trình chỉ được hướng dẫn sơ qua và đưa vào làm việc. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm, yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, tuyển dụng, đặt ra bài toán cho ngành cần đào tạo nhiều hơn nữa các công nhân lành nghề để đáp ứng được tối đa nhu cầu sử dụng lao động ngay trong nước.

Doanh nghiệp còn chưa chú trọng vấn đề an toàn lao động

Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động của các doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn lao động- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội từ năm 2015 cho thấy, số doanh nghiệp đầu tư bài bản cho an toàn lao động mới chỉ dừng lại ở các DN dầu khí, hoặc nhóm có vốn đầu tư nước ngoài từ các đối tác như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...; còn lại phần nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tuy nhiên, về công tác thanh tra, việc thực hiện quy định đảm bảo an toàn cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, hiện còn một số khó khăn. Lực lượng thanh tra lao động cả nước chỉ có gần 500 người nhưng cũng chỉ khoảng 1/3 trong số này thanh tra trong lĩnh vực an toàn lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ sử dụng lao động chưa hiểu đúng hoặc không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động.

Để tránh được những sự việc đáng tiếc, và đảm bảo chất lượng công trình, các nhà thầu cần đầu tư nghiêm túc một giàn giáo có chất lượng, tuyệt đối không được cẩu thả trong quy trình này; đào tạo tay nghề đàng hoàng cho công nhân; giám sát thi công thường xuyên và tích cực.

Minh Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ly-giai-nguyen-nhan-lien-tiep-xay-ra-nhung-vu-sap-gian-giao/790943.antd