Lý giải nguyên nhân tranh chấp dân sự, thương mại khó hòa giải

Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM đề nghị Chánh án TAND TP báo cáo những vụ khiếu kiện hành chính tồn đọng để giải quyết rốt ráo cho người dân

Sáng 8-10, Ban chỉ đạo TP HCM thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại tại TAND tổ chức tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp thuộc TP.

Phó Chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa trao bằng khen cho cá nhân, tập thể xuất sắc

Phó Chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa trao bằng khen cho cá nhân, tập thể xuất sắc

Sau 9 tháng thí điểm, TP HCM là một trong 4 địa phương đạt tỷ lệ hòa giải cao nhất. Trung tâm Hòa giải, Đối thoại tại TAND TP và 9 tòa quận, huyện thụ lí 9.991 đơn. Sau khi xem xét, các trung tâm hòa giải thành gần 5.200 vụ việc. Có 2.571 đơn không hòa giải, đối thoại do đương sự không đồng ý tham gia. Theo TAND TP HCM, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đối với tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính còn thấp. Các vụ việc dân sự có tính chất phức tạp ngày càng tăng, tranh chấp gay gắt làm vụ án kéo dài. Tương tự, phần lớn vụ việc kinh doanh thương mại là tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng dịch vụ. Đa số bị đơn là pháp nhân không còn hoạt động tại địa phương nhưng chưa tuyên bố giải thể, phá sản. Vì vậy, cơ quan hòa giải khó triệu tập được bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó, tài sản thế chấp ở nhiều địa phương chờ kết quả ủy thác. Trong khi, đây là loại vụ việc có thời hạn giải quyết ngắn (2 tháng). Đây là những nguyên nhân làm tỷ lệ hòa giải thành trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại thấp hơn những lĩnh vực khác. Quá trình thí điểm đối thoại trong khiếu kiện hành chính, TAND TP nhận thấy người bị kiện (lãnh đạo cơ quan nhà nước - PV) hay thực hiện ủy quyền không đúng thời hạn. Do đó, phần lớn đơn hết hạn 2 tháng vẫn chưa đủ điều kiện đưa ra đối thoại. Kết quả, các trung tâm lại chuyển vụ việc về lại tòa án giải quyết theo luật định. Bên cạnh đó, nhiều quy định về yêu cầu người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia hòa giải hay biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, kết quả hòa giải, đối thoại chưa như mong muốn.

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM, nhìn nhận đa phần khiếu kiện hành chính có nguyên nhân từ phía chính quyền. Chính vì thế, cơ quan chức năng phải giải quyết rốt ráo cho người dân. Từ đó, ông Trần Thế Lưu đề nghị chánh án TAND TP tập hợp, báo cáo những vụ khiếu kiện hành chính tồn đọng; cũng như vướng mắc trong xử lý án hành chính. "Ban Nội chính Thành ủy TP sẽ có trách nhiệm làm việc, bàn bạc với cá nhân, đơn vị có thẩm quyền để giải quyết những vụ án tồn đọng một cách nhanh nhất" - Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP nhấn mạnh.

Cùng đó, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao, biểu dương những nỗ lực của đội ngũ làm công tác đối thoại, hòa giải trên địa bàn TP HCM. Ông Bùi Ngọc Hòa cho rằng TP đạt nhiều kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện thí điểm đề án trên. Nhờ 10 trung tâm đối thoại, hòa giải mà TAND hai cấp thuộc TP không cần thụ lý, giải quyết gần 5.200 tranh chấp. Phó chánh án TAND Tối cao mong tòa án các cấp, chính quyền địa phương cùng những người làm công tác đối thoại, hòa giải tiếp tục cố gắng, phát huy thành quả và khắc phục những khó khăn, hạn chế.

Dịp này, TAND Tối cao khen thưởng 2 tập thể, 3 cá nhân có nhiều đóng góp trong thời gian TP HCM thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại. Đồng thời, 12 tập thể, cá nhân nhận bằng khen do UBND TP trao tặng.

Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/ly-giai-nguyen-nhan-tranh-chap-dan-su-thuong-mai-kho-hoa-giai-20191008142902137.htm