Lý giải tâm lý mua nhiều đồ nhưng vẫn… 'không có gì để mặc'

Trong thế giới thay đổi nhanh chóng không ngừng nghỉ hôm nay, thời trang là một lĩnh vực phản ánh rõ nét những biến động.

Nhà tâm lý học thời trang Dawnn Karen (29 tuổi) là người đi tiên phong trong lĩnh vực còn khá mới mẻ - tâm lý học thời trang.

Trong lĩnh vực của mình, cô Karen là một nhà trị liệu tâm lý với bằng cấp chuyên môn, thu phí khách hàng tương đương 9 triệu đồng/lần tư vấn. Khách hàng của Karen là những người đang gặp vấn đề với... tủ đồ của họ. Karen không chỉ tư vấn về trang phục mà còn cả đời sống - tâm lý cho khách hàng.

Nhà tâm lý học thời trang Dawnn Karen (phải - 29 tuổi) và khách hàng - bà Barbara McMahon (trái - 55 tuổi).

Trong những cuộc tư vấn của mình, Karen giúp khách hàng hiểu từ trong tiềm thức, điều gì khiến họ mua những món đồ đã chọn, và những món đồ ấy sẽ gây tác động thế nào tới cuộc sống thường ngày sau đó.

Như trong lượt tư vấn với bà Barbara, Karen nhận thấy bà có những chiếc váy màu hồng được mua khi chuẩn bị đi dự lễ cưới, nhưng màu hồng là màu bà không thích, và những chiếc váy thường không khiến bà cảm thấy ưng ý nên rất hiếm khi được bà mặc lại sau đó.

Bà Barbara thường làm việc tại nhà, nên bà có rất nhiều món đồ rộng rãi, thoải mái với các tông màu như xanh, xám, đen… Khi lọc ra, những món đồ này lên tới... cả đống. Karen nhận định bà Barbara có hai hội chứng: “mua đồ lặp lại” và “khó chịu đa sắc”.

Lý giải về việc bà Barbara không hề thích màu hồng nhưng hễ cần mua đồ đi dự sự kiện thì liền mua váy hồng, Karen cho hay: “Đây là hội chứng mua đồ lặp lại. Ai đó mà chúng ta đánh giá cao từng một lần khen chúng ta mặc đẹp khi ta diện một chiếc váy hồng, và kể từ đó ta cứ hay mua váy hồng đến mức bỏ quên những cảm xúc riêng của mình với màu hồng”.

Trong khi đó, việc bà Barbara mua rất nhiều đồ màu trầm để mặc hàng ngày lại thuộc hội chứng “khó chịu đa sắc”. Những người có xu hướng chọn đồ trầm thường cảm thấy choáng ngợp khi bước vào tiệm quần áo với quá nhiều màu sắc trưng ra, họ cảm thấy lo lắng, sau đó, họ chọn những tông màu trầm hoặc trung tính để cảm thấy an toàn, bình tâm trở lại.

Bà Barbara còn sở hữu trong tủ đồ những chiếc váy nổi bật nhưng hiếm khi bà dám mặc đến, dù lúc mua có thể rất phấn khích, thích thú. Đơn giản bởi bà không cảm thấy “là chính mình” khi mặc những chiếc váy đó.

Theo phân tích của Karen, đó là hội chứng “mua đồ cưỡng bức”, khi một người trở nên táo bạo bất ngờ khi lựa chọn một món đồ thời trang nào đó, khác hẳn so với phong cách thường thấy, trong khi bản thân họ lại không tự tin vào chính mình cho lắm.

Quan niệm “ăn cho mình, mặc cho người” là điều thường thấy trong mỗi chúng ta. Chúng ta thường lựa chọn thời trang an toàn, “vừa mắt” mọi người. Nhưng lời khuyên của Karen là hãy lắng nghe tiếng nói của chính mình hơn nữa. Mỗi chúng ta đều cần tư duy độc lập về phong cách của mình.

Chúng ta có thể tìm kiếm lời khuyên từ những người xung quanh khoảng 40%, nhưng 60% còn lại cần là quyết định của chính chúng ta. Vào những dịp đặc biệt, ta có thể nhờ bạn bè, người thân tư vấn thêm, nhưng thường thì ta nên để phong cách riêng của mình được thể hiện ra ngoài. Nếu có sai lầm, ta sẽ học được những điều có ích từ đó.

Dawnn Karen từng là một người mẫu, cô có bằng cấp trong lĩnh vực tư vấn tâm lý và là giảng viên khoa Khoa học xã hội tại Học viện Công nghệ Thời trang (New York, Mỹ).

Đôi khi, ta có thể bỏ bớt đi những món đồ không còn phù hợp với mình nữa, thay vì chất đống mãi trong tủ đồ đầy ắp, và rồi rơi vào tình trạng: Dù có cả tủ đồ, nhưng “chẳng biết mặc gì” hay thậm chí cảm thấy “chẳng có gì (hợp) để mặc”.

Karen cho biết: “Có rất nhiều phụ nữ không nhận biết thời trang ảnh hưởng tới tâm lý của họ như thế nào. Thời trang có sức mạnh tác động tới cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường che dấu những xúc cảm của mình ở mức độ nhất định, và thường đưa ra những thông điệp ngầm thông qua trang phục dù có khi không hề hay biết”.

Một số hội chứng tâm lý thời trang thường gặp:

Khó chịu đa sắc: Bạn cảm thấy không thoải mái khi mặc đồ màu sắc ấn tượng, bạn thường chọn tông màu đen, xanh “navy”, kem… Nếu vậy, bạn nên xem đồ trên mạng trước. Khi tâm lý thoải mái, bạn có thể nhìn ngắm các món đồ một cách bình tĩnh hơn. Sau đó, mới ra tiệm để thử đồ trực tiếp, lúc đó, bạn không còn cảm thấy “ngợp” nữa.

Mua đồ lặp lại: Bạn thường mặc cùng một dạng đồ và đôi khi cảm thấy mình hơi nhàm chán. Hãy đôi khi thử nghiệm những lựa chọn khác biệt, thử thay đổi từng chút một, một cách từ tốn.

Mặc theo cảm xúc: Có những ngày bạn ăn mặc rất “tuềnh toàng” và cảm thấy không muốn cố gắng “làm đẹp” một chút nào cả. Đó là khi bạn vô tình đưa ra thông điệp rằng bạn đang không ổn lắm.

Mặc lên tinh thần: Bạn sử dụng thời trang để lên tinh thần cho mình. Một khi bạn đang vui, bạn sẽ mặc đồ họa tiết, màu sắc rực rỡ, phụ kiện ấn tượng để nhấn mạnh cảm giác tươi vui. Khi bạn buồn, bạn vẫn chọn đồ vui mắt như một “lá chắn tinh thần”, quyết không để những gì tiêu cực xảy ra tác động tới phong cách, cảm nhận của mình.

Theo Bích Ngọc/dantri.com.vn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ly-giai-tam-ly-mua-nhieu-do-nhung-van-khong-co-gi-de-mac-79213.html